Tháng 5/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tăng với tốc độ
1,76%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 3,28% của tháng Tư và thấp
nhất trong vòng bốn tháng trở lại đây.
Nhiều yếu tố thuận lợi đang góp phần kìm giữ đà tăng giá trong thời
gian qua như các yếu tố về chính sách tiền tệ mà biểu hiện rõ nét nhất
là tỷ giá USD/VND ổn định và duy trì xu hướng giảm trong thời gian gần
đây; tình hình cung-cầu hàng hóa cơ bản được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu
cầu cho sản xuất và tiêu dùng, hoàn toàn không có tình trạng khan hàng,
đẩy giá, cũng là yếu tố cơ bản giảm áp lực tăng giá.
Giá gạo trên thị trường Hà Nội hai tuần qua vẫn ở mức cũ. Tại các chợ
trong nội thành, giá thịt cá tươi sống vẫn giữ ổn định ở mức cao do
khan nguồn hàng.
Còn tại các siêu thị, do hạn chế tối đa việc điều chỉnh giá nhằm bảo vệ
sức mua của người tiêu dùng và tăng cường trữ hàng giá thấp, đồng thời
tìm những mặt hàng thay thế hoặc các nhà cung cấp mới có giá cạnh tranh
hơn, nhờ đó giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các siêu thị Hà
Nội vẫn ổn định trong thời gian qua.
Đối với mặt hàng rau củ quả, do thời tiết thuận lợi nên giá nhiều loại
rau xanh trên thị trường hai tuần qua tiếp tục giảm từ 7%-40%.
Nguồn cung đường trong nước không bị biến động lớn, đủ cho nhu cầu sử
dụng trong năm tháng cao điểm, do vậy giá các mặt hàng đường tại Hà Nội
vẫn duy trì mức cũ.
Sở Công thương Hà Nội dự báo, chỉ số giá của tháng Sáu có xu hướng giảm
dần nhờ các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ
đang phát huy hiệu quả, đồng thời, trong công tác đảm bảo cân đối
cung-cầu hàng hóa dịch vụ. Hầu hết các bộ, ngành, các cơ quan chức năng
tại Hà Nội tổ chức tốt các phương án chuẩn bị nguồn hàng thông qua các
biện pháp liên kết nhà bán lẻ, liên kết doanh nghiệp sản xuất.
Hiện nay, Hà Nội đã triển khai sớm phương án ứng vốn không lãi suất
hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình
ổn giá, do đó kìm hãm đà tăng giá mạnh của hàng hóa.
Bên cạnh đó, một trong các nguyên nhân giúp thị trường bình ổn là sự
quản lý mạnh tay của Nhà nước khiến khối lượng tín dụng đưa ra ít. Các
chính sách thắt chặt quản lý vàng, USD, khống chế nhập siêu cũng góp
phần giúp tốc độ tăng giá giảm dần.../.