Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Chuyến đi thay đổi vận mệnh dân tộc
Trong
Hội thảo quốc tế Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, tổ chức
năm 2010, tại Hà Nội, nhiều học giả trong và ngoài nước đã đề cập khá
chi tiết tới chặng đường 30 năm bôn ba ở nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
 |
Nguyễn Ái Quốc tại đại hội Tua (Tours, Pháp), năm 1920. Ảnh: vietnamplus.vn
|
Quan
điểm chung của các học giả trong và ngoài nước đều nhấn mạnh, trong suốt
hành trình kéo dài 30 năm, ý nghĩ duy nhất, lớn nhất của người thanh
niên ấy là giải phóng đồng bào, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của bọn thực
dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc; khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh
là con người của những bước ngoặt quan trọng, có tính quyết định tới vận
mệnh của đất nước và dân tộc Việt Nam. Tư tưởng cùng sự cố gắng phi
thường của người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của
Việt Nam đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô
lệ trở thành dân tộc tự do, độc lập, có vai trò và vị trí ngày càng lớn
trên thế giới.
Từ
năm 1911 tới năm 1917, Người đã đến nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ,
châu Phi, sống hòa mình với nhân dân lao động. Thông cảm sâu sắc với
cuộc sống cực khổ của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng
như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Chứng kiến cảnh những người dân lao
động ở khắp các châu lục bị chế độ thực dân cũ áp bức bóc lột, Người đã
rút ra kết luận rằng “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai
giống người: bóc lột và bị bóc lột; chỉ có một mối tình hữu ái là thật
mà thôi: Tình hữu ái vô sản”. Có thể thấy rõ, ngay từ rất sớm, Người đã
nhận thức rõ ràng rằng, cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới.
Cuối
năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp tiếp tục hoạt động trong phong trào
Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. “Ở Pháp lúc đó, Hồ Chí Minh
dùng hơn 200 bút danh để đấu tranh chính trị. Hồ Chí Minh chưa bao giờ
rời bỏ mục tiêu của mình: đó là đem lại cho dân tộc mình, trong đó có
những người thân của mình, sự tự do, nhân phẩm và quyền được làm chủ”,
D.Đơ Mít-câu-lơ (D.De Miscault), Tổng biên tập Tạp chí Triển vọng Việt Nam – Pháp, nhận xét.
Theo
các học giả Pháp tham dự Hội thảo, sự kiện nổi bật nhất mà Chủ tịch Hồ
Chí Minh để lại dấu ấn tại nước Pháp là vào năm 1919. Người lấy tên là
Nguyễn Ái Quốc và thay mặt những người Việt Nam yêu nước
tại Pháp gửi tới Hội nghị Véc-xây bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân
dân Việt Nam và cũng là quyền cho nhân dân các nước thuộc địa. Tiếp đó,
vào tháng 12-1920, Người trở thành một trong những người đầu tiên sáng
lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người cùng một số người yêu nước ở các
nước thuộc địa của Pháp, không phân biệt màu da, sáng lập Hội Liên hiệp
thuộc địa. Tháng 4-1922, Hội ra báo Người cùng khổ (Le Paria). Rất
nhiều bài báo đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp của Người đã
được đưa vào tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp.
Đánh
giá về điểm sáng nhất trong 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, các học giả Nga, Pháp, Trung Quốc đã nhấn mạnh quãng thời gian
Người tới nước Nga và bắt gặp ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga,
Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin. Thành công của
Cách mạng tháng Mười và Luận cương của Lê-nin đã giải đáp trăn trở của
Người về vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa, giải phóng dân tộc
Việt Nam. Hồ Chí Minh đã xúc động đến phát khóc khi gặp
được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, Người đã thốt
lên “đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng
chúng ta”. Và cũng kể từ khi thực sự tìm được con đường giải phóng dân
tộc mình, Người quyết tâm thực hiện bằng được sự nghiệp giải phóng dân
tộc, giành độc lập dân tộc theo con đường Cách mạng tháng Mười, con
đường cách mạng vô sản.
Kể từ
khi gặp được ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của Cách mạng tháng
Mười, Người hoàn toàn tin theo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tin theo Quốc tế
III. Ngay từ khi ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn xây dựng một đảng
cách mạng chân chính để lãnh đạo một nước thuộc địa nửa phong kiến như
Việt Nam. Và ngày lịch sử cũng đã đến. Ngày 3-2-1930,
dưới sự chủ trì của Người, Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập,
sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đánh dấu bước đi quan
trọng và quyết định của cách mạng Việt Nam. Từ khi có Đảng, dưới ánh
sáng của Đảng, sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng
Việt Nam đã đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Chiến thắng mọi kẻ
thù, xây dựng tình đoàn kết quốc tế, tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn
cho nhân dân Việt Nam.
Đánh
giá chung về chặng đường 30 năm bôn ba, từ ngày 5-6-1911 tới ngày
8-2-1941, các học giả quốc tế cho rằng: Trong 30 năm ấy, không lúc nào
Người ngừng nghĩ về dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ Người đòi hỏi gì cho
riêng mình. Con đường đúng đắn mà Người lựa chọn đã mang lại tự do, độc
lập, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Người mãi
là gương sáng của người chiến sĩ cộng sản trọn đời vì nước vì dân, là
biểu tượng khí phách anh hùng, ý chí độc lập, tự cường, sáng tạo và
quyết thắng, không chịu khuất phục.
(Theo Qdnd.vn)