Ông Lê Trung Hưng, Trưởng ban Kiểm tra Hội ND Hà Nội cho biết, thực hiện
Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm Hội ND thành phố
đã chọn 1-2 cơ sở triển khai điểm thực hiện chỉ thị; đồng thời chỉ đạo
hội ND các quận, huyện, thị xã triển khai điểm mô hình ở cơ sở. Đến nay,
41 mô hình điểm thực hiện ở cấp thành phố, 227 mô hình điểm ở cấp quận,
huyện, thị xã hoạt động tương đối hiệu quả. Xã Đặng Xá (Gia Lâm) là một
trong những địa phương thực hiện tốt chỉ thị này. Ngay sau khi được Hội
ND TP chọn làm điểm (năm 2007), Hội ND xã Đặng Xá đã tham mưu cho Đảng
ủy xã ra nghị quyết về vấn đề này, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo thực
hiện Chỉ thị 26 và CLB ND với pháp luật. Ban Chỉ đạo và CLB đã tập trung
tuyên truyền các điều luật của Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo,
Luật Thừa kế, Luật Hôn nhân và Gia đình. Các quy định, chính sách của
Nhà nước và thành phố Hà Nội về giải phóng mặt bằng, tái định cư… 100%
vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, làng xóm ở Đặng Xá đều được Hội
ND xã và thành viên CLB ND với pháp luật tham gia hòa giải ngay từ khi
mới phát sinh nên không còn tình trạng đơn thư KNTC đông người, vượt
cấp. Do nhận thức về pháp luật được nâng cao nên cả 3 đợt giải phóng mặt
bằng thu hồi đất trên địa bàn xã, 100% số hộ có đất thu hồi đều nhận
tiền đền bù và bàn giao đất đúng thời gian quy định.
Chủ tịch Hội ND xã Phù Lưu Tế Trịnh Thị Tĩnh cho biết: Từ khi triển khai
thực hiện Chỉ thị 26, đơn thư KNTC, kiến nghị của ND giảm hẳn. Đáng nói
là hầu hết mâu thuẫn được hòa giải ngay từ cơ sở. Năm 2010 vừa qua, Hội
ND xã đã tham gia hòa giải thành công 26 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ
nhân dân góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Đặc biệt, lãnh đạo Hội
ND xã bám sát tình hình an ninh, trật tự địa bàn thôn, qua đó lựa chọn
những vụ việc điển hình đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết.
Song song với việc triển khai điểm các mô hình, Hội ND Hà Nội đã xây
dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị 26 ở 100% cơ sở hội trên địa bàn; chỉ
đạo các cơ sở hội tăng cường tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật,
trợ giúp pháp lý cho hội viên ND; tích cực tham gia hòa giải, giải quyết
đơn thư KNTC của ND và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tính riêng
năm 2010, các cấp hội đã tổ chức được 2.601 buổi tuyên truyền pháp luật,
trợ giúp pháp lý cho hơn 282 nghìn lượt cán bộ, hội viên. Ngoài ra, các
cấp hội đã tiếp nhận 444 đơn thư KNTC, kiến nghị liên quan đến chính
sách đền bù giải phóng mặt bằng, hôn nhân gia đình, trong đó đã tham gia
giải quyết 359 đơn, chuyển các cấp có thẩm quyền giải quyết 85 đơn;
tham gia hòa giải thành công 1.791 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân
ngay tại cơ sở, không để mâu thuẫn kéo dài, phát sinh khiếu kiện, đơn
thư KNTC vượt cấp, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn
xã hội địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hưng, Hà Nội chưa thành lập được ban chỉ
đạo thực hiện Chỉ thị 26 cấp thành phố nên trong quá trình triển khai
còn nhiều lúng túng; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự
quan tâm, tạo điều kiện để hội ND các cấp tham gia giải quyết KNTC của
ND. Thiếu kinh phí cũng khiến cho việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao
trình độ, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho đội ngũ cộng tác
viên pháp luật; tuyên truyền pháp luật bị hạn chế. Để khắc phục tình
trạng trên, Hội ND Hà Nội đề nghị Chính phủ sớm có văn bản chỉ đạo các
tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26, quan tâm hơn
nữa tới việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm thực hiện Chỉ thị
26 ở các địa phương có điểm "nóng" về khiếu kiện… Đồng thời đề nghị các
cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện hơn nữa để hội ND các cấp tham
gia giải quyết KNTC.
Hà Nội đã thành lập được 268 CLB ND
với pháp luật, thu hút sự tham gia của trên 2.000 thành viên; xây dựng
được 474 tủ sách pháp luật với gần 60 nghìn cuốn sách các loại đáp ứng
nhu cầu tìm hiểu pháp luật của hội viên ND.