Xem Nguyễn Chu Nhạc thắp lửa
Cuốn sách của anh do nhà thơ Trần Đăng Khoa viết giới thiệu. Từng là bạn học thời đèn sách đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc đầu những năm 1970 và là đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay, thần thái của Nguyễn Chu Nhạc được nhà thơ “thần đồng” bóc gỡ phơi ra cả. Thế thì đọc xong, tôi còn viết gì? Nhưng đọc kỹ, thấy có thêm những điều muốn nói, thế là tôi tìm đến bàn phím.
Nguyễn Chu Nhạc quả là con “ma xó”, đông tây kim cổ rành rọt cả. Theo những gì anh viết, tôi biết anh vốn là “con mọt sách”, thừa hưởng sự dạy dỗ của người bố am hiểu chữ Hán. Rồi anh tự học, tìm hiểu Hán ngữ, nên những bài viết của anh về khảo cứu, đàm đạo về thơ chữ Hán, thơ Đường, văn học Trung Quốc rất thú vị và sâu sắc. Bạn đọc cuốn hút với câu chuyện “Mưa Xuân cỏ mọc” bởi anh không chỉ đưa bạn đọc hiểu tường tận về danh nhân “lưỡng quốc trạng nguyên” Nguyễn Trực, mà còn tạo nên cảm giác êm ái, ấm áp mùa Xuân, về ý nghĩa cuộc sống. Nhờ đó đọc sách người ta không cảm thấy nặng nề. Cũng với cách viết dung dị nhưng thấm như mưa Xuân, anh dựng nên chân dung nhà thơ Trần Ngọc Thụ, mà theo tôi anh đã thành công trong phần viết về thơ chữ Hán của Trần Ngọc Thụ. Thơ chữ Hán vốn được ký thác nhiều triết lý, suy ngẫm, trải nghiệm, nhiều điển tích, song qua ngòi bút của Nguyễn Chu Nhạc vẫn rất nhẹ nhàng, dễ thấm mà thẫm đẫm tình người.
Có nhiều thời gian sống ở nông thôn, vùng đồng bằng Bắc Bộ nên Nguyễn Chu Nhạc dễ đồng cảm với các tác phẩm văn học, thơ ca viết về mảng đề tài này. Vì thế, anh dựng nên khá thành công các chân dung nhà thơ Phạm Công Trứ, Trần Ngọc Thụ, Phùng Cung và những bài tản văn đầy chất thơ như “Lối đi đầy mùi khói cuối năm”, “Oi nước lên”, “Vị minh mạc thác hoa”, “Một năm có hăm bốn tiểu tiết”, “Tết vui là nhờ có không khí”… Riêng bài “Vị minh mạc thác hoa”, anh viết về thú ẩm trà tao nhã từ việc dẫn thơ Chu Thần Cao Bá Quát, cách thưởng trà người xưa, về ý nghĩa của chúng mà anh cảm được, thành gia phong. Theo tôi, bài viết giống như một trường ca đầy thi vị. Anh viết về những tác giả-“những người bình thường” trong văn chương, nhưng qua đó anh đã khéo léo giới thiệu về truyền thống, lịch sử, văn hóa, con người, phong tục ở những làng, các vùng miền, qua đó thắp lửa trong lòng người đọc, nhen lên những tình cảm cao đẹp, thêm yêu quê hương, con người, gìn giữ và vun đắp những giá trị nhân văn con người. Điều đó thể hiện trong các bài viết “Người tìm giữ hồn làng”, “Khát vọng văn chương”, “Chân dung cuộc sống”. Khi anh viết về các nhà văn, nhà thơ: Nữ sĩ Anh Thơ, Phùng Quán, Phùng Cung, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Lâm Huy Nhuận, Nguyễn Huy Thiệp… tuy chỉ là những chấm phá, phác họa chân dung, song đã có những điểm nhấn gây chú ý. Chẳng hạn, nữ sĩ Anh Thơ có tiểu thuyết “Răng đen” mà chưa nhiều người biết; nhà thơ Phùng Quán nghẹn lời khi bị ai đó chặn lời; Phạm Hổ chăm chút các cây bút trẻ; Nguyễn Huy Thiệp lặng lẽ, Lâm Huy Nhuận có tài bốc thuốc …
Ở mảng văn học nước ngoài, Nguyễn Chu Nhạc đề cập đến văn học Nga; văn học Trung Quốc cổ thì có “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần, hiện đại có Mạc Ngôn, Kim Dung; anh đề cập đến văn học, văn hóa Nhật Bản thông qua nhà văn Yasunari Kawabata. Qua những bài viết, bạn đọc ghi nhận sự cố gắng của anh, chia sẻ với anh về cảm xúc, nhưng chưa thỏa mãn về sự nhận diện văn học. Là nhà báo nên Nguyễn Chu Nhạc có điều kiện đi đến nhiều vùng đất, địa danh trong nước và quốc tế, đến đâu anh cũng chịu khó quan sát, ghi chép, nhờ đó mà mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích và suy ngẫm thú vị.
28 bài viết in trong tập “Những người thắp lửa” đã cho anh số lượng tác phẩm riêng xuất bản lên tới con số 7. Tuy nhiên ở tập sách này anh hơi ôm đồm, dẫn đến cảm rác rời rạc, phân tán sự tập trung của người đọc. Có câu “quý hồ tinh…” nên một số bài viết anh cần phải gia công nhiều hơn để trở thành tác phẩm văn học. Đọc tập sách thấy anh còn để lộ mình nhiều, khi cái tôi có hàm lượng nhiều lên thì sẽ gây nên hiệu ứng cản trở cho sự tiếp nhận của người đọc. Đấy là suy nghĩ của riêng tôi và tôi sẽ còn trở lại với những tác phẩm của anh trong các bài viết sau.
(Theo www.qdnd.vn)