Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 14/06/2011 09:24
Văn hào Anh Somerset Maugham: Chậm mà chắc
Mặc dù khiêm tốn tự đánh giá mình: "Tôi ở vào hàng đầu của những nhà văn thuộc loại trung bình", song trước sau ông vẫn được ghi nhận là một trong những nhà văn lớn, nền tự hào của nền văn học Anh quốc...
Somerset Maugham và vợ.

Sinh thời, từng có lúc ông là nhà văn được trả tác quyền cao nhất. Tài năng của ông được khẳng định ở cả thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch. Về truyện ngắn, ông được so sánh với nhà văn Pháp Guy de Maupassant; về tiểu thuyết - bộ "Kiếp người" của ông được xem như một trong những bộ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của thế giới những năm đầu thế kỷ XX; về kịch - trên tạp chí Punch của Anh từng có một bức tranh vui vẽ cảnh nhà soạn kịch vĩ đại Shakespeare phải... cắn móng tay khi nhìn vào tấm bảng quảng cáo các vở kịch của ông.

Ông là William Somerset Maugham, một nhà văn từ lâu đã trở nên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam qua tập truyện ngắn "Mưa", các bộ tiểu thuyết "Kiếp người", "Mặt trăng và đồng xu"...

Chuyện lạ lúc chào đời

William Somerset Maugham có hoàn cảnh chào đời khá đặc biệt. Là con một luật sư chuyên lo các công việc liên quan đến pháp lý ở tòa Đại sứ Anh tại Paris, cậu bé William sinh ra (vào ngày 25/11/1874) không phải trong một bệnh viện nào của nước Pháp mà ngay trong tòa Đại sứ này. Đó là cả một sự toan tính của người cha cho tương lai của cậu con trai: Luật lệ nước Pháp qui định, tất cả các bé trai sinh ra trên đất Pháp sau này đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự; vậy nhưng, nếu cậu bé William được sinh hạ bên trong tòa Đại sứ Anh thì coi như cậu sinh ra trên đất… Anh và tương lai sẽ thoát được việc bị lôi vào các cuộc chiến tranh tàn khốc vốn dĩ vẫn xảy ra liên miên với nước Pháp thời ấy.

William mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Mẹ cậu mất khi cậu chưa đầy 4 tuổi. Là người phụ nữ phải ngày đêm đối phó với bệnh lao phổi, bà Edith Mary (tên người mẹ của Wlliam) đã được một số bác sĩ "xúi" là có thể chữa được căn bệnh này bằng việc tiếp tục… sinh con. Vậy là, mặc dù đã có tới 4 người con và đã ở tuổi 40, song bà Edith vẫn quyết định sinh thêm một người con nữa. Rốt cục, đứa bé đã chết ngay khi lọt lòng mẹ và với bà Mary, bệnh lao phổi không những không thuyên giảm mà còn đưa dẫn bà tới cái chết (xảy ra sau lần sinh nở ấy chỉ có 6 ngày). Suốt đời, William đã luôn bị ám ảnh bởi cái chết của người mẹ và đứa em trai xấu số. Kè kè bên giường ngủ của William là bức chân dung người mẹ và bức chân dung ấy đã đi theo nhà văn đến phút chót cuộc đời.

Văn hào Somerset Maugham bên bàn làm việc.

Chịu tang mẹ được hai năm thì William lại chịu nỗi đau mất cha (ông qua đời vì bệnh ung thư). Tình cảnh gia đình buộc William phải về London sống cùng một người bác. Ông bác này là một mục sư có lối sống khắc khổ, lạnh lùng. Ông gửi cậu cháu vào học tại một trường trung học có tiếng là hà khắc. Do cả tuổi thơ sống tại Pháp nên khả năng nói tiếng Anh của William rất hạn chế. Đã vậy, cậu còn được "thừa hưởng" từ người cha căn bệnh nói…lắp nên thường xuyên bị bạn bè chế giễu. Ngoài ra, với vóc dáng thấp lùn, bản tính nhút nhát, cậu càng thêm lý do để trở thành một "con mồi" cho chúng bạn trêu chọc. Có thể nói, đây là thời kỳ khổ ải đối với William và nó như một vết thương còn hằn trong ký ức ông mãi về sau…       

Thành công bất ngờ

Ở tuổi 64, trong một cuốn sách có hơi hướng tự truyện mang tên "Tổng kết",   William Somerset Maugham đã kể lại rằng, khi mới chập chững bước vào làng văn, ông viết truyện ngắn. Ông viết đến tập thứ ba mà vẫn không gây được sự chú ý nào đáng kể từ dư luận. Thế là ông bỏ, ông chuyển sang viết kịch. Và chỉ khi ông thành công với thể loại này, ông mới quay lại với truyện ngắn. May mắn là đến lúc ấy, ông có thể "chung thân" với thể loại truyện ngắn mà không phải loay hoay thử tay nghề nữa.

Sự thật là Maugham đến với nghề văn khi ông còn là một sinh viên y khoa về  thực tập ở bệnh viện thánh Thomas nằm giữa một khu dân cư nghèo của Thủ đô London. Chứng kiến cảnh sống nghèo khổ của cư dân nơi đây, Maugham đã viết  tác phẩm "Lisa ở miền Lambeth". Cuốn truyện được nhiều người tìm đọc và là lý do để nhà văn trẻ quyết định chia tay với nghề y, theo đuổi nghề văn. Tuy nhiên, như Maugham sau này thổ lộ "Tôi không sinh ra đã là nhà văn mà chỉ trở thành người làm nghề đó", nghĩa là ông không thuộc típ nhà văn có nhiều tài năng thiên bẩm. Và thực tế sau đó đã chứng minh, Maugham đã phải loay hoay rất nhiều trong quá trình đi tìm nguồn mạch sáng tạo của mình và có lúc, ông phải đi đường vòng: Từ viết những vở kịch ăn khách chuyển sang viết những cuốn tiểu thuyết, những tập truyện ngắn ăn khách.

Liên quan đến hoạt động sân khấu của Maugham, thiên hạ cũng lưu truyền một giai thoại như sau:

Sự nổi danh của Maugham hoàn toàn… ngẫu nhiên. Lần đó (năm 1907), do kịch bản bị đổ bể, một ông bầu nhà hát muốn kiếm một kịch bản khác để thay thế. Trong lúc rơi vào thế bí, ông mở tủ tìm lại một số kịch bản từng bị xếp xó, hy vọng tìm được bản thảo nào có thể khả dĩ lấp tạm "chỗ trống" ít bữa, chờ tìm một kịch bản có giá trị thay thế sau. Trong đống bản thảo hỗn độn ấy, ông tìm thấy vở kịch có tiêu đề "Bà Frederick" của Maugham, là một vở tác giả đã gửi ông từ mấy năm trước. Ông nhớ là ông đã đọc qua. Nó chẳng hay ho gì nhưng cũng có thể dùng tạm. Thật không ngờ, khi "Bà Frederick" được dàn dựng, nó đã gây tiếng vang lớn trong công luận. Cả Thủ đô London, đâu đâu người ta cũng bàn tán về vở kịch. Thậm chí, có bài báo còn viết rằng, kể từ khi xuất hiện Oscar Wilde tới lúc bấy giờ, không có kịch tác gia nào làm cho người Anh thấy vui nhộn, phấn khích đến vậy.

Từ thành công này, ông bầu của một số nhà hát ở London đã tới tấp tìm gặp Somerset Maugham, xin ông chuyển nhượng cho họ những vở kịch vốn dĩ từ lâu đã bị ông bỏ quên trong các ngăn tủ. Thêm ba vở kịch của Maugham được công diễn tại những sân khấu lớn thời gian tiếp đó và cứ thế, tiền bạc chảy về túi Maugham như suối lũ.

Ham đi và… sống thọ

Với bản tính ham xê dịch, sinh thời, Somerset Maugham đã đặt chân tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 1916, ông làm chuyến du lịch một loạt các đảo trên Thái Bình Dương. Trong chuyến phiêu du này, ông tìm kiếm được nhiều tư liệu liên quan đến cuộc sống của danh họa Pháp Paul Gauguin thời kỳ ở đảo Tahiti và đó chính là chất liệu để ông viết nên cuốn tiểu thuyết trứ danh "Mặt trăng và đồng xu". Trong những năm hai mươi, ba mươi (của thế kỷ trước), Maugham cũng đã tới thăm viếng một loạt nước ở châu Á bấy giờ còn là thuộc địa như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam…Somerset Maugham từng tiết lộ rằng, nhiều  truyện ngắn của ông được ra đời từ những câu chuyện ông nghe kể lại trong các chuyến tham quan du lịch. Bản thân ông cũng được ghi nhận là tác giả viết sách du ký ấn tượng nhất giữa hai cuộc thế chiến…

Về đời sống gia đình, Somerset Maugham gặp nhiều rắc rối. Trước hết là bởi những lý do thuộc về "cơ địa", về "tố chất" của ông (Maugham được xác định là người lưỡng tính). Năm 40 tuổi, ông tư tình với một phụ nữ tên gọi Gwendoline Maud Syrie Barnado, khi ấy đang là vợ một nhà tài phiệt. Một năm sau, bà Syrie sinh cho Maugham một bé gái và đó là lý do để nhà tài phiệt nọ ly dị vợ. Năm 1916, Maugham và Syrie làm lễ kết hôn. Năm 1927, bà Syrie quyết định chia tay Maugham sau khi nhận thấy đức ông chồng có những quan hệ "mờ ám" với anh chàng Gerald Haxton, người mà ông thường xuyên "dẫn đi" trong các chuyến du lịch khắp thế giới suốt cả chục năm qua. Năm 1944, Haxton chết, Maugham đã "thay thế" bằng anh chàng Alan Searle, là người ông đã gặp vào năm 1928. Trước khi mất (ngày 16/12/1965 tại Nice, Pháp), Maugham đã có một quyết định gây nhiều tranh cãi: Ông làm thủ tục nhận Alan Searle làm con nuôi và cho người đàn ông này thừa hưởng toàn bộ gia sản mà ông để lại. Trước đó 3 năm, ông còn cho xuất bản cuốn hồi ký "Nhìn lại" với nhiều lời trách cứ nặng nề dành cho bà vợ cũ là Syrie. Sự việc này (cộng với việc di chúc cho người con nuôi thừa hưởng toàn bộ gia sản của mình) đã khiến người con đẻ của ông (với bà Syrie) là cô Elizabeth Liza Mary Maugham hết sức công phẫn. Cô này đã cùng chồng đưa vụ việc ra vòng tranh tụng khiến cho Maugham bị mang tiếng là người sống thọ (ông mất năm 91 tuổi) nhưng không… minh mẫn



(Theo vnca.cand.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)