Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 14/06/2011 09:57
Văn nghệ sĩ qua lời kể của người thân: Quà sinh nhật cho ba
Mùa xuân Tân Mão này, thi sĩ của "Bến My Lăng" - nhà thơ Yến Lan vừa tròn 95 tuổi. Vâng! Yến Lan là ba tôi đó! Mặc dù người đã đi xa gần một phần tư thế kỷ, nhưng chúng tôi, những người con của ông vẫn cảm nhận sự có mặt của người cha bên cạnh mình. Tên của ba tôi đã đi liền với quê hương, bản quán đến nỗi chỉ mới nghe nhắc đến hai từ Yến Lan là người dân Bình Định, hay khách thơ thốt ra ngay "Nhà thơ của Bến My Lăng".
Nhà thơ Yến Lan cùng vợ và con gái.

Năm nay, kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông, tôi xin được kể với ông về những điều khi còn sống ông từng ước ao: 

Ba biết không? Đã gần 13 năm ba đi khỏi thế giới của chúng con. Trong thời gian đó có nhiều đổi thay lắm; thay đổi đến chóng mặt. Cuộc sống của người dân thị trấn mà ba tâm huyết đang từng ngày được cải thiện; đường, phố khang trang hơn. Ngày xưa, ba ao ưsớc có một chiếc điện thoại cho gia đình dùng, giờ đây đã thành đại trà ba ạ, nhiều đến nỗi những người đi mua ve chai, vệ sinh đường phố đều có để cầm tay thông tin cho nhau mọi lúc mọi nơi - giới trẻ gọi là điện thoại di động đấy nghen ba. 

Con kể cho ba nghe một chút về má. Má giờ tuy tuổi rất cao, sức tàn, song cái gì có thể lẫn lộn, quên, nhưng hình ảnh của ba chưa một giờ phai mờ trong tâm trí. Không hiểu sao cứ chiều đến, má ra ngồi trước cửa, nơi ngày trước ba hay ngồi để nhìn về phía chợ Gò Chàm, nghe âm thanh của cuộc sống đời thường, giờ đây má cũng ngồi vào chỗ ấy và da diết nhớ ba, rồi lầm bầm trong miệng như đang niệm phật hay nghe như không vừa lòng con cái. Con hỏi: "Má lầm bầm gì thế?". Vẻ thẹn nhưng tự hào, má bảo: “Má đọc thơ ba” và đọc lại, rõ to cho con nghe.

Mấy năm nay, má đã xuống ở dưới phòng khách. Trên đầu giường, má luôn treo một cái túi nhựa hoa cũ kỹ, quê mùa. Nhiều lần con đem giấu, để lúc nào má quên thì vất đi. Bởi chúng con sợ, khách đến thăm sẽ cười con cháu nhà thơ không mua được cho mẹ chiếc túi tử tế. Nhưng ba biết không, em Tú Thủy đã tặng  má nhiều túi mới, hiện đại và đắt tiền, nhưng má không dùng. Đi đâu, kể cả vào thành phố Sài Gòn hoa lệ, má cũng chỉ dùng chiếc túi nhựa cũ kỹ này thôi. Nếu phát hiện mất, má lục tung các xó xỉnh, tìm bằng được, để rồi lại treo về chỗ cũ. Phải là chúng con thì đã vứt nó đi từ đời tám hoánh nào rồi.

Quái lạ, chiếc túi đó có gì quý giá mà má giữ gìn nó như báu vật gia truyền vậy?

Rồi một hôm con thắc mắc và má đã trải lòng: "Túi này con đừng vứt đi của má. Tuy xấu và quê mùa vậy nhưng là vật kỷ niệm của ba đó. Để nó ở đây má có cảm giác ấm lòng lạ thường. Hồi đó, nhân dịp gặp lại nhau, kể từ sau năm 1943, nhà ta và nhà chú Chế Lan Viên rủ nhau đi chợ. Ba mua tặng má một chiếc, chú Chế mua tặng cô Giáo (người vợ trước - LBT) một chiếc, tại chợ Hàng Da cách đây đã mấy chục năm rồi. Vất đi không đành".

Nghe má nói, con trố mắt kinh ngạc: "À thì ra là vật kỷ niệm của người thân". Con không thể ngờ được rằng - người đàn bà - vợ của ba chỉ là một phụ nữ chuyên nội trợ trong gia đình, ốm đau liên miên, về mất sức chỉ sau khi ra Bắc 4 năm, mà ý thức được những giá trị văn hóa từ những vật bình thường như vậy.

Và chắc ba không thể biết sự ảnh hưởng của ba đến má như thế nào đâu. Con thường nghe má lầm bầm nên cũng thuộc lòng bài thơ ba "Dặn vợ".

Bà bảy mươi rồi, tôi bảy ba
Trời còn tặng thọ để xa hoa
Bấy lâu ki cóp giờ chung giữ
Giữ chút lương tri để dưỡng già.

Gần đây, một giáo viên chuyên ngành Văn học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Qui Nhơn đã tâm tình với tôi:

"Em thấy nhà thơ Yến Lan là người suốt cuộc đời,sống vì quê hương và cái chữ, ông yêu ghét rõ ràng. Một nhà thơ có đức có tài, góp nhiều sức lực và tuổi trẻ cho quê hương, nhưng không gặp may mắn trong đời như các nhà thơ cùng thời, em muốn làm một chút gì cho cụ, không biết có được không!?".

Tuy không biết việc làm của người giáo viên ấy có hiệu quả hay không, nhưng chúng con thấy vui vì có người đã hiểu về ba như vậy. Người giáo viên tâm huyết đó đã hướng dẫn cho cô giáo trẻ mới vào đời làm luận văn thạc sĩ với đề tài "Cái tôi trữ tình trong thơ Yến Lan".

Ngay từ thời xa xưa ba đã nói với cô Châu Thị Hạnh, rồi cô nhắc lại cho con: "Cách đây năm sáu chục năm, cái tuổi sắp bước vào đời. Cuộc sống chưa biết gì về đời mà ba cháu đã gửi cho cô 3 tập giấy vở học trò với rất nhiều bài thơ với một lời dặn: "Chia nhau cất giữ vì sắp chiến tranh! Con người sẽ mất, còn thơ sẽ sống mãi với đời".

Ba thường day dứt khi tâm sự cùng con: "Ba sợ nhất là mình sẽ chết đi trong lòng mọi người".

Không! Ba sẽ không bị mất đi trong lòng họ đâu! Chúng con còn nhận rõ cái tình mà người đời dành cho ba; vẫn nghe người ta nhắc đến tên Yến Lan bằng tâm trạng kính trọng có âm hưởng của sự tiếc nuối. Họ tiếc nuối vì nhận ra sự thiệt thòi của ba trong cuộc đời; họ kính trọng ba vì những tâm huyết ba lặng lẽ dâng cho đời mà không mảy may đòi sự đền đáp.

Dẫu ba không được như các chú, các bác, song chúng con vẫn luôn tự hào về ba. Chúng con tin thế hệ trẻ sẽ sớm nhận ra một chân dung đẹp về người nghệ sĩ Việt Nam thông qua nhà thơ Yến Lan - người cha thi sĩ của chúng con


(Theo vnca.cand.com.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)