Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 86 năm phát triển và trưởng thành.
Sự
ra đời của Báo Thanh Niên đã khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt
Nam mang tính chiến đấu, gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh giải phóng
dân tộc và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo con đường mà
Đảng và Bác Hồ đã chọn.
86 năm qua, báo chí Việt Nam không
ngừng phát triển phong phú và đa dạng, luôn giữ vững vai trò là vũ khí
sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, đóng góp to lớn vào
thành công chung của sự nghiệp cách mạng của đất nước, là diễn đàn tin
cậy của nhân dân. Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm
1986), báo chí Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc, cả về
loại hình, số lượng cơ quan báo chí, cả nội dung, hình thức và chất
lượng thông tin, đội ngũ và tính chuyên nghiệp của những người làm báo
ngày càng được hoàn thiện. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu
giành chính quyền, đến nay đã có 754 cơ quan báo chí với 1.003 ấn phẩm
báo chí, 3 đài phát thanh và truyền hình ở T.Ư, 64 đài phát thanh và
truyền hình địa phương. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát
triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một
mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt
người truy cập hàng ngày. Đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh
chóng, từ 300 người trong kháng chiến chống Pháp lên hơn 17.000 người
được cấp thẻ nhà báo, được đào tạo cơ bản về chính trị, chuyên môn,
nghiệp vụ. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả,
hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Các cơ quan báo chí đã bám sát
thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định
hướng thông tin của Đảng, Nhà nước. Truyền tải thông tin, phong phú,
kịp thời, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế -
xã hội trong nước và quốc tế, đáp ứng tốt quyền được thông tin của công
dân, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội. Trong
cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội,
báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng
giám sát của nhân dân. Đồng thời báo chí cũng góp phần mở rộng quan
hệ đối ngoại; quảng bá ra thế giới hình ảnh đất nước và con người Việt
Nam với bạn bè quốc tế, tích cực, chủ động, kiên trì đấu tranh với thông
tin, quan điểm, luận điểm sai trái, phản động, thù địch. Vị thế nghề
nghiệp của những người làm báo nhờ thế, ngày càng được nâng cao. Việc
Đảng và Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Sao vàng - huân
chương cao quý nhất cho lực lượng làm báo cách mạng nước ta ( tháng
6/2010) chính là sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn ấy của
báo chí Cách mạng Việt Nam.
Để xứng
đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân, xứng đáng là người “Chiến sĩ”
trên mặt trận truyền thông hiện đại, những người làm báo còn cần phải
phấn đấu nhiều hơn nữa. Các cơ quan báo chí cần nâng cao hơn nữa nhận
thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề
nghiệp, trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Coi trọng tính
cách mạng, tính chuyên nghiệp và tính hiện đại của báo chí trước yêu
cầu mới. Tập trung khắc phục một số yếu kém, khuyết điểm kéo dài như
thông tin thiếu toàn diện, thiếu cân nhắc mặt lợi hại, những biểu hiện
“thương mại hóa," xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu tầm
thường, thiếu trung thực … Báo chí cần phản ánh sinh động những vấn đề
thực tiễn cuộc sống, phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới,
gương “người tốt, việc tốt,” những điển hình tiên tiến; đấu tranh chống
các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội. Đặc biệt truyên truyền sâu
rộng hơn nữa về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, hội nhập quốc tế mà toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh thực
hiện. Mỗi nhà báo cần tự rèn luyện, không ngừng học tập để nâng cao phẩm
chất và trình độ hiểu biết mọi mặt, nhất là trình độ chính trị và trình
độ nghiệp vụ; giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.
Báo
chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 86 năm phát triển và
trưởng thành. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam
cần vừa giữ vững bản chất cách mạng vừa nâng cao tính chuyên nghiệp, đưa
nền báo chí cách mạng nước ta ngang tầm và hội nhập sâu rộng với nền
báo chí chuyên nghiệp và hiện đại của thế giới, kiên định mục tiêu lý
tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà
nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn tin cậy của nhân dân
(Theo Congluan.vn)