 |
Các nhà báo Vũ Trọng Phụng, Trúc Khê và Vũ Bằng (Ghép ảnh: Nguyễn Anh/Vietnam+)
|
Đó là thời kỳ có nhiều biến động lớn, nhiều sự kiện lịch sử. Mấy chục
năm đầu thế kỷ 20, trên các báo xuất hiện các tên tuổi nổi tiếng: Ngô
Tất Tố, Trúc Khê, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng… Giáo sư Hà Minh Minh Đức đã
khẳng định: "Thời đó cầm bút viết để đảm bảo cuộc sống. Không thể gọi là
nhà báo mà viết ít hoặc không viết."
"Vua phóng sự đất Bắc" lăn lộn sống và viết
Phóng viên Vietnam+ đã đến thăm tư gia, thăm mộ của nhà văn-nhà báo Vũ
Trọng Phụng, người được mệnh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc.” Có được
xem những bức ảnh cùng những món đồ kỷ niệm đơn sơ mà vô giá ông để lại
mới thấu hiểu sự lăn lộn vì nghề để sống và viết của Vũ Trọng Phụng.
Giáo sư Hà Minh Đức nhận định: "Thời của Vũ Trọng Phụng, báo chí ngoài
mục đích hoạt động của mình, còn hỗ trợ văn học đăng tải dài kỳ các tiểu
thuyết trên báo. Có những tác phẩm đăng báo trước, hai ba năm sau mới
xuất bản thành sách như 'Số đỏ' của Vũ Trọng Phụng."
Vũ Trọng Phụng viết về thành thị với sự thâm nhập vất vả với cuộc sống
thị thành. Vũ Trọng Phụng đã thành công với tư cách một nhà báo trước là
nhà văn. Ông thành danh trước ở các thể phóng sự rồi mới đến tiểu
thuyết. Với hàng loạt phóng sự như “Kỹ nghệ lấy tây,” “Cạm bẫy người,”
“Cơm thầy cơm cô...” Vũ Trọng Phụng đã được mệnh danh là “Ông vua phóng
sự đất Bắc.” Sau đó mới có các tiểu thuyết đặc sắc như “Giông tố,” “Số
đỏ,” “Vỡ đê”…
Ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã kể về người
cha vợ mà ông đã và đang hết lòng để tôn vinh văn nghiệp: "Ông cụ nhà
tôi là người có tài mà rất vất vả. Ông không viết văn, làm báo để chơi
văn chương bao giờ. Khi viết, ông luôn nghĩ đến mục đích xã hội. Đó là
cất tiếng nói bảo vệ điều gì, lên án những thói xấu nào trong xã hội
đương thời."
"Ông viết văn để kiếm sống, để nuôi mẹ, nuôi vợ và mụn con gái duy nhất
là nhà tôi - bà Vũ Mỵ Hằng. Sinh thời ông đã sống rất nghèo nhưng hết
sức tình nghĩa. Xem những giấy tờ ông để lại không thể không cảm động vì
tình bạn của các nhà văn, nhà báo thời đó. Họ cùng nghèo khổ mà vẫn bao
bọc lẫn nhau lắm. Khi ông Vũ Trọng Phụng cưới vợ, khi vợ sinh con thì
bất cứ ai mừng, ai tặng, ai cho cái gì ông cũng ghi lại chi tiết và đầy
đủ. Ghi kỹ như lời tự nhắn nhủ trả nghĩa về sau," ông Sơn chia sẻ.
Trên mái ngôi mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng có kẻ bằng sơn một câu nói
của nhà thơ Tố Hữu: "Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng nhưng cách
mạng phải cảm ơn Vũ Trọng Phụng." Chính những sự xấu xa, đen tối trong
xã hội thực dân nửa phong kiến thời đó được phanh phui dưới ngòi bút của
tác giả "Giông tố" mà những người đọc văn Vũ Trọng Phụng càng thêm
quyết tâm đổi thay, lật đổ chế độ cũ trong cuộc cách mạng thần kỳ.
Người chủ bút "thả văn chương"
Tại gia đình của nhà báo, nhà văn Trúc Khê-Ngô Văn Triện, bên ban thờ
ông có đôi câu đối do Giáo sư-Anh hùng lao động Vũ Khiêu viết: "Trúc đủ
ngàn cây ghi khí tiết/ Khê dài muôn dặm thả văn chương." Không chỉ được
biết đến là dịch giả của "Truyền kỳ mạn lục," "Bao công kỳ án," Trúc Khê
còn là nhà báo tiêu biểu trong hoạt động báo chí Việt Nam đầu thế kỷ
20.
Nhà văn Trúc Khê đã là một tấm gương về lao động lạ kỳ. Trong hơn 20 năm
cầm bút ông đã để lại gần 60 tác phẩm, không kể các bài bình luận, biên
khảo đăng trên các báo.
Theo Từ điển Văn học Việt Nam, ông đã mở "Trúc Khê thư cục" và tham gia
với nhiều nhà xuất bản, báo chí ở Hà Nội, ông từng có thời gian làm Tổng
Biên tập, chủ bút báo Thương mại, chủ bút báo Bắc Hà và tham gia viết
cho các báo Khuyến học, Văn học tạp chí, Phổ thông bán nguyệt san, Thực
nghiệp dân báo, Tiểu thuyết thứ bảy, Nước Nam, Ích Hữu, Tao Đàn, Tri
Tân, Đông Tây... Bên cạnh việc làm báo, sách do ông sáng tác và dịch
thuật cũng có rất nhiều tác phẩm có giá trị lớn.
Nhạc sĩ Ngô Hoàng Dương, con trai thứ của nhà báo Trúc Khê kể với phóng
viên Vietnam+: "Thời đó, cha tôi dịch cùng một lúc ba cuốn sách. Ông
ngồi dịch, ba đứa con là chúng tôi ghi chép lại. Ông dịch câu này đọc
cho người anh, cầm quyển tiếp theo ông dịch cho người chị, và quyển nữa
là cho tôi ghi. Ba chúng tôi cứ mê tơi ghi chép không kịp với việc dịch
của cụ."
"Cuộc sống chất nhiều gánh lo lên vai ông, nhưng ông cụ vẫn rất lãng
mạn. Dường như đó là nét của nhà báo xưa. Nhà báo thời trước gần văn hơn
nhà báo bây giờ chăng. Cha tôi cho đào một hào nước trong vườn lấy đất
đắp lên thành gò cao, trên gò trồng hoa và cây ăn quả. Ông đặt tên là
Ngô sơn và Đỗ thủy. Đó là họ của cha và mẹ chúng tôi. Cha là núi, mẹ là
sông, bảy anh em chúng tôi lớn lên trong không gian lãng mạn rất đẹp ấy.
Và cả gia đình chúng tôi sống bằng tiền làm báo, viết văn từ cây bút và
trí óc của cha tôi."
"Những ngày đẹp trời, ông thường mời các bạn văn chương mà hầu hết đều
làm báo về nhà chúng tôi ở Cầu Diễn, Hà Nội - nơi có Ngô sơn, Đỗ thủy để
bình thơ văn, bàn luận các việc của nghề báo lúc bấy giờ khá sôi động,"
nhạc sĩ Hoàng Dương hồi tưởng.
Nhà báo Vũ Bằng - người tình báo X10
Vũ Bằng là tác giả của cuốn "40 năm nói láo" nhưng theo Giáo sư Hà Minh
Đức thì đó là cuốn sách chân thực viết về 40 năm làm nghề báo của nhà
báo Vũ Bằng.
Theo nhà phê bình văn học Văn Giá: Cuộc đời của Vũ Bằng có nhiều ngang
trái theo những biến động lịch sử của dân tộc. Ông từng bị coi là người
không gắn bó với cách mạng. Nhất là bao nhiêu năm ở nhà trường người dạy
văn thường nói cho học trò lớp 12 của mình biết: Nguyên mẫu của nhân
vật văn sĩ Hoàng trong tác phẩm "Đôi mắt" là Vũ Bằng.
Cô giáo Ngô Lan Anh, trường trung học phổ thông Trần Phú, Hà Nội cho
biết: Trong bài văn phân tích nhân vật Hoàng, các thế hệ học sinh ra sức
"chê" từ cách ăn mặc, nói năng đến thái độ với nông dân, với cách mạng
khiến cho nhân vật Hoàng trở nên rất đáng ghét, trì trệ và phản động.
Nhưng Hoàng trong văn Nam Cao có phải là Vũ Bằng không, và Nam Cao sáng
tác truyện ngắn "Đôi mắt" là viết văn chứ không phải viết báo. Vậy nên
"áp đặt" đánh đồng nhân vật văn sĩ Hoàng chính là Vũ Bằng thì "oan uổng"
cho nhà báo giỏi này quá.
Theo ông Vũ Hoàng Tuấn, con trai trưởng của nhà văn Vũ Bằng: Mấy chục
năm xa gia đình, sống dưới chế độ Mỹ Ngụy ở miền Nam hướng về Hà Nội,
cha tôi nhớ mẹ tôi lắm. Ông đã viết 'Thương nhớ mười hai' để gửi gắm nỗi
nhớ Hà Nội, nhớ người vợ thảo hiền, đảm đang."
Nỗi oan của nhà báo Vũ Bằng đã được giải cách đây hơn 10 năm, công của
nhà phê bình văn học Văn Gíá trong cả quá trình "khôi phục danh dự" cho
Vũ Bằng quả là rất lớn. Đó là hành trình tìm được đồng đội và người chỉ
huy năm xưa đã liên lạc và giao nhiệm vụ cho Vũ Bằng. Từ năm 2000, nhà
báo Vũ Bằng đã được công nhận chính thức là chiến sĩ tình báo có bí danh
X10, và được tổ chức biệt phái vào Nam năm 1954.
Khi trao đổi cùng người viết bài này, ông Hoàng Tuấn đã rưng rưng kể:
Khi cha tôi qua đời ông vẫn chưa hề được khôi phục danh dự. Có những
người cho ông là nhà báo không có tinh thần yêu nước. Ngày ông mất,
chúng tôi đi đăng cáo phó cho ông, bản báo còn bỏ đi chữ 'nhà báo, nhà
văn' Vũ Bằng mà thay vào đó là 'ông' Vũ Bằng. Ngày nhận được giấy chứng
nhận, tôi đã đặt ngay lên ban thờ và thắp cho cha mình những nén nhang
báo cáo cùng ông./.