Sự phát triển mạnh mẽ của ngành báo chí, truyền thông thời gian qua đang
đặt ra nhiều thách thức đối với việc đào tạo đội ngũ làm báo, đòi hỏi
công tác này phải được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống
cũng như của chính đời sống báo chí.

Sinh viên khoa Báo chí trong một buổi thực hành. Ảnh: Nhật Nam
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đào
tạo báo chí, cho tới nay, phần lớn các cơ sở đào tạo báo chí truyền
thông ở Việt Nam vẫn được thiết kế theo kiểu đơn ngành. Hai khoa Báo chí
- Truyền thông của Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH
Quốc gia TP Hồ Chí Minh suốt 20 năm qua vẫn đào tạo một ngành chung duy
nhất, không phân ngành. Học viện Báo chí và Tuyên truyền có chia thành
các chuyên ngành Báo mạng điện tử, Báo in, Báo truyền hình, Báo phát
thanh... song các chuyên ngành lại độc lập với nhau, không có sự liên
thông vì chưa áp dụng mô hình đào tạo theo tín chỉ.
Thời gian qua, mỗi mô hình đào tạo đều đã khẳng định tính hợp lý và hiệu
quả ở nhiều khía cạnh, tại các thời điểm và điều kiện khác nhau. Tuy
nhiên, nhiều ý kiến đồng tình rằng công tác đào tạo báo chí cần có những
điều chỉnh, thay đổi kịp thời để thích ứng với những nhu cầu mới đang
đặt ra từ chính thực tiễn của đời sống báo chí.
Một trong số những đề xuất nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào
tạo báo chí là xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng thích ứng
với xu thế hội tụ truyền thông, tích hợp đa phương tiện.
Báo chí đa phương tiện - chuyên ngành mới
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Trưởng khoa Phát thanh -
Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện đã có những bước
đi đầu tiên tương đối khả quan thông qua dự án MediaPro, một chương
trình đào tạo "Báo chí đa phương tiện" đã được xây dựng. Đây là dự án
được Bộ Ngoại giao Anh tài trợ, Hội đồng Anh tại Việt Nam điều phối. Mục
tiêu chính của chương trình là nâng cấp giáo trình giảng dạy tại đơn vị
đối tác là 3 cơ sở đào tạo báo chí lớn: Học viện Báo chí và Tuyên
truyền, Khoa Báo chí và Truyền thông của ĐH KHXH&NV của ĐH Quốc gia
Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ban điều hành dự án cho biết, hiện
nay 3 khung chương trình đào tạo báo chí theo phương pháp modul hóa đã
được hoàn thành và có kế hoạch thực hiện chi tiết tại cả 3 cơ sở đào tạo
báo chí của Việt Nam vào năm học 2012-2013. Một vài modul sẽ được dạy
thử nghiệm ngay trong năm học 2011-2012.
Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, sau 2 năm tham gia
dự án, Học viện đã xây dựng được một khung chương trình đào tạo báo chí
mới, hiện đại, thiết kế theo tín chỉ, dành cho hệ đào tạo 4 năm, lấy
bằng ĐH thứ nhất. Trên cơ sở đó "Báo chí đa phương tiện", một chuyên
ngành mới, đào tạo báo chí chất lượng cao được xây dựng. Cùng với khung
chương trình đào tạo đó, Học viện đã hoàn thiện nội dung và phân bổ thời
lượng chi tiết của một số modul quan trọng trong chương trình như modul
"Tác phẩm báo chí cơ bản" (10 tín chỉ); modul "Tác phẩm báo chí nâng
cao" (10 tín chỉ); modul "Sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình"
(10 tín chỉ). Ngoài ra, dự án đã biên soạn "Sổ tay sinh viên" có tính
chất như một cuốn cẩm nang đào tạo dành cho người học…
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, mục đích của chương trình "Báo chí đa phương
tiện" là đào tạo ra những cử nhân báo chí có kỹ năng tổng hợp để thích
ứng với các loại hình báo chí hiện đại, đáp ứng được những yêu cầu ngày
càng cao của nghề báo tại Việt Nam. Những người thực hiện dự án cho
biết, để nâng cấp giáo trình cũ, chuyên gia của Anh cùng các cơ sở đào
tạo báo chí Việt Nam đã tiến hành đánh giá, so sánh và xây dựng bộ giáo
trình giảng dạy mới, thậm chí dự giờ để có được những kinh nghiệm thực
tiễn về tình hình giảng dạy báo chí tại Việt Nam. Nhóm tư vấn về đào tạo
báo chí cũng đã được hình thành nhằm tạo ra mối quan hệ hợp tác mật
thiết giữa các nhà báo và các cơ sở đào tạo báo chí cũng như các nhà tài
trợ trong lĩnh vực báo chí.
Theo dự kiến, chuyên ngành "Báo chí đa phương tiện" sẽ bắt đầu tuyển
sinh từ năm 2012. Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền hy vọng
khung chương trình mới và phương pháp giảng dạy hiện đại sẽ góp phần cho
ra trường những phóng viên có năng lực tác nghiệp cao, đáp ứng được
những yêu cầu ngày càng cao của báo chí hiện đại.