Còn
nhớ, năm 1999, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân
vận" đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15/10/1949, Đảng ta đã có chủ
trương tổ chức học tập những quan điểm, tư tưởng, đạo đức cách mạng,
phong cách làm việc mà Người dặn dò cán bộ thể hiện qua bài báo "Dân
vận" trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Theo tư tưởng chỉ đạo của Bác
qua bài báo trên, Đảng ta đã từng bước cụ thể hóa thành những vấn đề có
tính lý luận và thực tiễn, tăng cường các giải pháp có tính khả thi nhằm
giữ vững và phát huy quan điểm "lấy dân làm gốc". Đây là cơ sở để Trung
ương bổ sung, phát triển Cương lĩnh, cũng như hoạch định đường lối,
chính sách phù hợp với thực tiễn cánh mạng nước ta qua từng giai đoạn
của lịch sử, đáp ứng với quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; quyết
tâm chăm lo xây dựng nhà nước pháp quyền XHNC của dân, do dân và vì
dân. Theo đó các phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua đã được
khơi dậy một cách mạnh mẽ, đạt hiệu quả tốt thông qua việc phát huy
được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở
thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí Cách mạng Việt Nam. |
Khi học tập trở lại bài báo
"Dân vận" của Bác, chúng ta thấy rõ ràng đây là một trong những bài báo
tiêu biểu của Người khi nói về vai trò của quần chúng nhân dân. Ý nghĩa
chính trị của bài báo có sức lan tỏa mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến
phong trào cách mạng qua nhiều giai đoạn. Chỉ gần 5 năm sau khi bài báo
"Dân vận" của Bác ra đời, sức mạnh của nhân dân đã được khơi dậy vô cùng
to lớn, tạo thành lực lượng vật chất và tinh thần hùng hậu, đập tan
quân viễn chinh Pháp xâm lược bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động
năm châu, lừng lẫy địa cầu, đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc
bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất Tổ quốc. Bài báo tiếp tục có những ảnh hưởng to lớn và sâu
sắc đến quá trình cả nước chung sức, đồng lòng xây dựng CNXH và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam XHNC.
Đối với người viết báo, Bác Hồ từng dạy: "Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:
Viết cho ai xem?
Viết để làm gì?
Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?
Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.
Chớ tự ái, tự cho bài của mình
là "tuyệt". Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn
chặn con đường tiến bộ của chúng ta…" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB
Chính trị Quốc gia, 2002)".
Phải thừa nhận rằng, từ khi học
tập lại bài báo "Dân vận" của Bác Hồ, chúng ta càng thấy vị trí, vai
trò của nhân dân được rõ nét hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Theo đó, mối
quan hệ giữa Đảng với dân, giữa chính quyền với dân được gắn bó chặt chẽ
hơn, mật thiết hơn. Đó chính là cơ sở chính trị vững chắc để chúng ta
vượt qua những khó khăn thách thức trong thời gian qua, cũng như sẵn
sàng đón nhận những thách thức mới của thời kỳ bắt đầu hội nhập sâu vào
nền kinh tế thế giới như hiện nay, tiếp tục vượt qua những khó khăn của
tình trạng lạm phát tạm thời, chặn đứng nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh
tế so với các nước trong khu vực và châu lục, quyết tâm xây dựng đất
nước ta ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Di chúc thiêng liêng
của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, toàn tâm toàn ý, chung sức chung lòng,
tăng cường đoàn kết trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị và toàn dân,
phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XI của Đảng, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2020, nước ta cơ bản
trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đà Nẵng, tháng 6/2011

|