PV: Xin tiến sĩ cho biết không khí tại Hội nghị "An ninh hàng hải trên Biển Đông" tại Washington vừa qua đã diễn ra thế nào?
Ông Trần Trường Thủy:
Nói chung là Hội thảo lần này được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và
các vấn đề quốc tế của Mỹ (CSIS) tổ chức rất công phu và đúng thời điểm,
tập hợp được nhiều học giả, đại diện của nhiều nước: Từ các nước có
tranh chấp tới các nước sử dụng Biển Đông, các nước quan tâm tới tình
hình ở Biển Đông cũng như các học giả quan tâm tới vấn đề Biển Đông.
Hội nghị lần này được tổ chức vào thời điểm ngay trước khi diễn ra hội
nghi ARF (Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN dự kiến sẽ khai mạc trong tháng
7 tới) đã gây ra tác động tinh thần rất lớn cho cộng đồng quốc tế.
Chính quyền cũng như báo chí, giới học giả nước sở tại cũng quan tâm rất
nhiều.
Tinh thần của Hội nghị là nâng cao tinh thần khoa học, trao đổi thẳng thắn nhưng có tác động tới rất nhiều quốc gia.
 |
Tiến sĩ Trần Trường Thủy trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên
báo Giáo dục Việt Nam tại sân bay Nội Bài lúc 23 giờ ngày 26/6. |
PV: Xin ông cho biết
là bên lề Hội nghị, các học giả nước ngoài có gặp gỡ với các học giả
Việt Nam để thảo luận, trao đổi và đề nghị được xem các chứng cớ chứng
minh chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông hay không?
Ông Trần Trường Thủy:
Ngoài những trao đổi trong Hội
thảo, bên ngoài lề chúng tôi cũng đã trao đổi rất nhiều về diễn biến gần
đây, về đường lưỡi bò của Trung Quốc cũng như quyền chủ quyền của Việt
Nam.
Đại đa số các học giả đánh giá là theo công ước về Luật biển của LHQ,
các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với đối với
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Còn về đường lưỡi bò thì các
học giả quốc tế đánh giá là không có giá trị pháp lý bởi nó được xây
dựng không dựa trên các căn cứ luật pháp quốc tế, mà thực ra bản thân
Trung Quốc cũng không thể làm rõ ràng về con đường này.
PV: Một số học giả trước đó có nhận định rằng bằng chứng pháp lý và
lịch sử của Việt Nam về biển Đông rất vững, nhưng công tác tuyên truyền
của ta còn yếu kém hơn so với phía Trung Quốc rất nhiều (mặc dù Trung
Quốc xuyên tạc sự thật), nhất là việc tuyên truyền ra nước ngoài để bạn
bè quốc tế hiểu và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong việc khẳng định chủ
quyền trên Biển Đông. Là một người nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông,
đồng thời là giám đốc Chương trình nghiên cứu về Biển Đông của Học viện
Ngoại giao, ông có nhận định gì về điều này và có đề nghị giải pháp nào
không?
Ông Trần Trường Thủy
: Chủ đề của Hội thảo lần này chủ
yếu là đánh giá các phát triển gần đây và đề ra các phương hướng, các
chính sách và các giải pháp sắp tới chứ không đi vào những chứng cứ pháp
lý việc tuyên truyền. Tuy nhiên là trong trình bày thảo luận thì các
bên đều có đả động đến vấn đề thực tế đang diễn ra giữa Trung Quốc và
Việt Nam.
Những dịp như hội thảo lần này cũng là một cơ hội Việt Nam trình bầy với
thế giới về các quan điểm cũng như quyền chủ quyền của chúng ta. Chuyện
Trung Quốc tuyên truyền ra nước ngoài thực tế cũng có, nhưng việc tuyên
truyền nhiều hay ít không quan trọng bằng việc bằng chứng của họ có xác
đáng hay không. Nếu chứng cứ và lập luận không không vững thì dù có
tuyên truyền nhiều thì cũng không có tác dụng.
Như trong hội thảo vừa rồi thì học giả Trung Quốc cũng có nói nhiều tới
các chứng cứ, chủ quyền hoặc đối sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò
nhưng đại đa số đều không chấp nhận những lập luận của phía Trung Quốc.
PV
: Theo cá nhân ông, thì ông có nhận định gì về diễn biến tình hình tại Biển Đông trong thời gian sắp tới?
Ông Trần Trường Thủy:
Về tình hình sắp tới thì đại đa
số đều dự báo là các chính sách và các bước đi của Trung Quốc sẽ đóng
vai trò quan trọng trong xác minh tình trạng, tình hình tại khu vực Biển
Đông. Nếu Trung Quốc tiếp tục hung hăng thì tình hình sẽ diễn biến căng
thẳng, nếu Trung Quốc có bước đi mềm mang tính hòa hoãn thì tình hình
sẽ dịu đi.
Nhưng đa số đánh giá là trong thời gian tới, nhiều khả năng Trung Quốc
sẽ điều chỉnh chiến thuật thế này thế kia, nhưng chiến lược của họ sẽ
không thay đổi. Do đó họ dự đoán tình hình sẽ tiếp tục có những diễn
biến nhiều khả năng là gia tăng căng thẳng.
Như thế có nghĩa là tình hình càng đòi hỏi cần phải có bộ Quy tắc ứng xử
cũng như các ràng buộc pháp lý đối với hành động của các bên để tình
hình trở lại ổn định hơn.
PV
: Xin tiến sĩ cho biết, sau Hội nghị lần này các học giả Việt Nam đã đạt được những mục tiêu gì?
Ông Trần Trường Thủy:
Chúng tôi tham dự hội nghị lần
này gồm có 3 người. Một người tham gia trình bày về các lập trường, các
quan điểm cũng như các cơ sở pháp lý của Việt Nam trong việc khẳng định
chủ quyền của mình trên Biển Đông. Người thứ hai tham gia bảo vệ các
quan điểm trên trước các lập luận trái với hoặc ngược với lợi ích của
Việt Nam. Thứ 3 là nêu rõ các chính sách của ta dựa trên luật pháp quốc
tế.
Ngoài ra thì bên lề hội thảo các thành viên trong đoàn cũng tranh thủ
tiếng nói ủng hộ Việt Nam cũng như phê phán các hành động trái với luật
pháp quốc tế của các bên có liên quan.
Tại hội nghị lần này, mục tiêu không phải là đánh giá các chứng cứ
mà là đánh giá về các diễn biến gần đây. Theo đó, đa số các học giả đều
phê phán hành động trái luật của Trung Quốc như các vụ cắt cáp, cản phá
các hoạt động thăm dò dầu khí trên biển của ta cũng như cản phá các hoạt
động của tàu thuyền Philippines tại vùng biển đặc quyền kinh tế của họ.
Đa số các học giả đánh giá hành động của Trung Quốc là sai luật và cũng
nêu ý kiến là cho rằng các hoạt động của Việt Nam đều đúng luật.
PV:
Tại Hội nghị "An ninh hàng hải trên Biển Đông"
diễn ra ở Mỹ vừa qua, xin ông cho biết, là các học giả nước ngoài có
đánh giá gì về cách ứng xử của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh hiện
nay khi Trung Quốc tuyên bố sẽ dùng các biện pháp cứng rắn, thậm chí là
đe dọa, còn Việt Nam lại lựa chọn giải pháp hòa bình, hợp tác với các
quốc gia trong khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế?
Ông Trần Trường Thủy:
Tại Hội nghị này các kiến nghị
được đưa ra một cách chung chung là kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết
trong việc đối phó với Trung Quốc. Trong đó có thể nói Việt Nam đóng vai
trò tiền tiêu trong vấn đề Biển Đông. Thứ nữa là sử dụng các công cụ
luật pháp quốc tế và nêu các vấn đề ra các diễn đàn khu vực buộc Trung
Quốc phải tính đến đánh đồng hình ảnh của Trung Quốc, phải tính tới các
lợi ích của Trung Quốc và thận trọng trong các bước đi.
Nhiều học giả kêu gọi Mỹ cần phải có những lập trường rõ ràng hơn. Ngoài
việc nói thì các hành động của Mỹ cũng cần phải được thực hiện theo
đúng phương châm "lời nói phải đi đôi với việc làm".
Về phía Mỹ, cho thấy nhiều học giả tham gia hội thảo cũng đã thể hiện
thái độ công kích chính phủ Mỹ, đặc biệt là thương nghị sĩ John McCain
đã phát biểu rất mạnh mẽ. Lần đầu tiên ông nhắc tới đường lưỡi bò và yêu
cầu Chính phủ Mỹ cần có lập luận, có lập trường với tư cách mang tính
tích cực hơn, hỗ trợ các nước ASEAN trong thế đối trọng với Trung Quốc.
 |
TS Trần Trường Thủy tại sân bay Nội Bài lúc 23h ngày 26/6/2011 |
PV: Ông có nhắc tới vấn đề là kêu gọi ASEAN đoàn
kết hơn nữa, nhưng cả hội nghị Shangri-La ở Singapore lẫn hội nghị lần
này thì ngoài Philippines dường như tiếng nói của ASEAN chưa được cứng
rắn cho lắm?
Ông Trần Trường Thủy:
Không. Thực ra tại hội nghị lần
này ASEAN cũng đã có tiếng nói rất mạnh. Như ông Termsak
Chalermpalanupap - Giám đốc phụ trách chính trị và an ninh của Ban thư
ký ASEAN gần như là tiếng nói đại diện của ban Thư ký ASEAN - ông đã phê
phán Trung Quốc rất mạnh. Chúng tôi cũng có phần nào thấy bất ngờ vì
trước đó không nghĩ rằng ông sẽ liên tiếng lên án mạnh mẽ như vậy.
Ông Chalerpalanupop đã phê phán Trung Quốc trực tiếp với những từ thẳng
thắn và mạnh mẽ như "các nước ASEAN chỉ nói và nói trong khi Trung Quốc
nói và làm", ông cũng phê phán đường lưỡi bò và các chính sách của
Trung Quốc trong việc ASEAN đã rất thiện chí đưa ra 20 đề xuất về quy
tắc Hướng dẫn xử lý DOC nhưng Trung Quốc từ chối, hoặc là lên án các
hành động gây ảnh hưởng tới hòa bình an ninh khu vực của Trung Quốc, cốt
lõi là các hành động như xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục
địa của các quốc gia ven biển. Ông cũng nhắc tới tính đoàn kết của ASEAN
trong vấn đề Biển Đông trong các tuyên bố cũng như các bản thảo, mà
càng ngày càng có nhiều bản thảo về Biển Đông trong khuôn khổ ASEAN.
PV:
Ngoài các hoạt động chính thức thì còn có các hoạt động ngoài lề nào để quốc tế hiểu và ủng hộ chúng ta nhiều hơn?
Ông Trần Trường Thủy:
Trong hội thảo chúng tôi cũng
tham gia diễn thuyết, bên lề hội thảo cũng có gặp gỡ trao đổi với các
học giả nước ngoài, sau hội thảo cũng có các cuộc tiếp xúc riêng với các
viện nghiên cứu cũng như chính quyền Mỹ, trao đổi qua mail các lập
luận, lập trường, làm rõ các quan điểm của chúng ta.
PV:
Gần đây chính phủ Nhật Bản bắt đầu quan tâm và
liên tiếng về tình hình xung đột tại Biển Đông, Xin ông cho biết là tại
Hội nghị "An ninh hàng hải trên Biển Đông" tại Mỹ vừa qua thì các học
giả Nhật Bản có tham gia hay không? Và họ có đưa ra các ý kiến, kiến
nghị gì?
Ông Trần Trường Thủy: Tham gia hội thảo vừa qua cũng có một đại
diện của tạp chí Asahi. Trong khi lấy ý kiến của các bên liên quan thì
ông cũng có nói rõ về lợi ích của Nhật Bản, nói rõ về lợi ích an ninh
chính trị mà có thể nói rằng đó là lợi ích cốt lõi của Nhật Bản tại Biển
Đông. Trong đó đại diện của Nhật Bản có nêu các chính sách của Nhật về
biển Đông, rằng ngoài lợi ích trực tiếp của Nhật tại Biển Đông thì nó
còn gắn kết với lợi ích của Nhật tại vùng biển Hoa Đông.
PV:
Trong những năm vừa qua Việt Nam đã nổi lên
trên trường quốc tế bằng một loạt các hoạt động đối ngoại, tham gia đăng
cai tổ chức nhiều hội thảo quốc tế tại Hà Nội và được bạn bè quốc tế
đánh giá cao đối với những nỗ lực đó. Vậy theo ý kiến cá nhân ông, sắp
tới chúng ta có nên tổ chức một diễn đàn về Biển Đông ngay tại Hà Nội
hay không?
Ông Trần Trường Thủy:
Học viện Ngoại giao cũng đã từng
tổ chức hai đợt hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông năm 2009 tại Hà
Nội, và năm 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay chúng tôi đang dự
tính sẽ tổ chức thêm hội thảo lần thứ 3 với sự tham gia của các học giả
nổi tiếng trên thế giới. Chắc là hội thảo sẽ diễn ra vào cuối năm nay,
khoảng tháng 11.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Giaoduc.net.vn)