Thứ hai, 04/07/2011 09:05
Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân: Hồn thiêng còn mãi nước non này
Hôm nay (4-7), Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - người con gái tài sắc đất Thăng Long - vợ Anh hùng dân tộc Quang Trung (Nguyễn Huệ) sẽ được khánh thành.
Với sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là Hội Di sản văn hóa
Thăng Long - Hà Nội và Tập đoàn Việt Á, Khu tưởng niệm được xây dựng
khang trang tại quê ngoại của bà (làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia
Lâm, Hà Nội) như lời giải oan cho Hoàng hậu, đồng thời ghi lên bản đồ
Thủ đô một điểm di tích mới.
Một con người tài sắc vẹn toàn

Tượng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân trong khu tưởng niệm bà.
Hoàng hậu Lê Ngọc Hân sinh ngày 27-4 năm Canh Dần (tức ngày 22-5-1770).
Bà là con vua Lê Hiển Tông (1740-1786) và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền,
người làng Phù Ninh (hay còn gọi là làng Nành), huyện Đông Ngàn (Bắc
Ninh), nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Năm 1786, sau khi
đem quân ra Bắc hoàn thành sứ mệnh “Phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ đã
vào cung yết kiến vua Lê. Cảm kích trước việc làm ấy, vua Lê Hiển Tông
đã gả công chúa yêu Lê Ngọc Hân cho chàng Anh hùng “áo vải, cờ đào”. Lúc
này, công chúa vừa tuổi trăng tròn (16 tuổi), kiều diễm, đoan trang,
tài sắc hơn người.
Sau hơn một tháng sống ở kinh đô, Ngọc Hân theo chồng trở về Phú Xuân
(Huế) và gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp của chồng bằng tình cảm đặc
biệt. Năm 1788, bà được tôn phong là Hữu cung Hoàng hậu và sau khi
Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, nàng công chúa
Ngọc Hân yêu kiều được phong là Bắc cung Hoàng hậu vào năm 1789. Thế
nhưng, chỉ sau 6 năm chung sống, Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà ở
tuổi 40 (năm 1792), để lại Hoàng hậu trẻ cùng một công chúa, một hoàng
tử thơ dại sống bơ vơ giữa thời ly loạn, rối ren. Sau đó, bà viết bài
“Tế vua Quang Trung” và “Ai tư vãn” để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực, cũng
như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.
Khi vua Quang Trung mất, Quang Toản là con bà Chính cung Hoàng hậu Phạm
Thị Liên lên thay, tức Cảnh Thịnh đế. Hoàng hậu gượng sống đến ngày mồng
8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, khi mới 29 tuổi. Không lâu
sau, con trai và con gái cũng qua đời.
Thương con gái và cháu ngoại chết yểu ở nơi xa, bà Nguyễn Thị Huyền, vợ
vua Lê Hiển Tông lúc này đang sống ở làng Phù Ninh thuê người mang hài
cốt của 3 mẹ con Ngọc Hân về làng. Ngày 28-6-1804, hài cốt ba mẹ con
Hoàng hậu được đưa về bến Ái Mộ (Gia Lâm), sau đó chuyển về dinh Thiết
Lâm và an táng tại bãi Cây Đại ở đầu làng Phù Ninh. Đến đời Thiệu Trị
(1842), có người trong làng tố cáo việc thờ cúng này nên vua Thiệu Trị
đã sai người khai quật, hủy đền thờ, đổ hài cốt xuống sông Hồng.
Như vậy, cuộc đời Hoàng hậu Ngọc Hân phải chịu nhiều oan khuất và việc
xây dựng Khu tưởng niệm khắc ghi công ơn bà như một lời giải oan cho bà.
Chung sức, chung lòng xây dựng khu tưởng niệm
Xót xa trước nấm mộ cô hồn của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và hai con ở bãi
Cây Đại, làng Phù Ninh xưa, ông Nguyễn Đình Kiu và con cháu dòng họ bà
Nguyễn Thị Huyền đã gửi hàng chục lá đơn thống thiết lên các cấp chính
quyền đề nghị tu bổ khu mộ và có nơi thờ cúng Hoàng hậu. Biết được tin
này, Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã chủ động đề xuất hình
thức tưởng niệm Hoàng hậu ở quê ngoại của bà. Bắt đầu từ tháng 11-2007,
Hội làm việc với các cơ quan hữu quan; tổ chức hội thảo khoa học để
thống nhất đánh giá về cuộc đời, sự nghiệp của bà. Trên tinh thần đó, dự
án xây dựng Khu tưởng niệm danh nhân Lê Ngọc Hân được triển khai từ
cuối năm 2008 với sự ủng hộ của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cùng
đông đảo nhân dân.
Đến nay, Khu tưởng niệm Hoàng hậu gồm hai phần: Tu bổ, tôn tạo khu mộ và
xây dựng đền thờ đã cơ bản hoàn thành. Khu mộ ở bãi Cây Đại với diện
tích 286m2, gồm các hạng mục: Cổng chính xây bằng gạch, cửa gỗ lim hai
cánh. Mộ Hoàng hậu và hai con, mộ bà Nguyễn Thị Huyền được xây bằng đá
xanh Thanh Hóa, dáng tay ngai, kích thước bệ 3,3 x 2,8 x 0,5m. Nhà bia
ghi tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp Hoàng hậu Lê Ngọc Hân cùng một số hạng
mục khác. Khu mộ được GS Vũ Khiêu đề tên là “Di lăng Bắc cung Hoàng hậu
Lê Ngọc Hân”.
Đền thờ Hoàng hậu được xây mới hoàn toàn, cách khu mộ khoảng 200m, trên
diện tích 1.100m2, gồm: nghi môn xây kiểu trụ biểu, bốn trụ tạo ba lối
đi; đền chính có mặt bằng hình chữ “Đinh”, gồm tiền tế và hậu cung;
trong hậu cung đặt tượng đồng Hoàng hậu, vua Quang Trung, Hoàng tử Quang
Đức, Công chúa Ngọc Bảo. Tiền đế đặt tượng đồng Vua Lê Hiển Tông và
Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. GS Vũ Khiêu đã tặng đôi câu đối đặt trong
đền chính: “Quốc sắc thiên tài, chỉ thắm nối liền Nam Bắc lại/Sương đài
Ai vãn, hồn thiêng còn mãi nước non này”… Ngoài ra, khu đền thờ còn có
sân, vườn, giếng, lầu hóa vàng, tường rào… Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê
Ngọc Hân do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) thiết kế, Công ty Xây
dựng công nghiệp (Tập đoàn Việt Á thi công). Tổng dự toán công trình là
14,56 tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.
Hà Nội đã có phố Lê Ngọc Hân, có Trường Lê Ngọc Hân, nay có thêm Khu
tưởng niệm Lê Ngọc Hân đã phần nào nói lên tình cảm của người dân Thủ đô
đối với vị Hoàng hậu tài sắc vẹn toàn.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|