Khi còn nhỏ, Samia thường chơi trò làm bác sĩ với
"bệnh nhân" là những quả dưa hấu. Cô bé mơ ước trở thành một bác sĩ phẫu
thuật và xây dựng gia đình với một người đàn ông tốt. "Tôi bắt đầu mơ
về chiếc váy cưới khi mới 10 hay 11 tuổi gì đó. Tôi mong ước tạo dựng
được một tổ ấm nhỏ, với một người chồng lương thiện và những đứa con,
giống như mẹ tôi trước đây vậy", Samia tâm sự.
 |
Không chỉ đang tranh đấu cho quyền được lái xe giống
như nam gới, nhiều phụ nữ Ảrập Xêút còn đang tham gia cuộc chiến vì
quyền được yêu và tự quyết định hạnh phúc hôn nhân. Ảnh: Htekidsnews |
Hơn 30 năm trôi qua, Samia giờ đây đã là một bác sĩ
được đào tạo bài bản. Thế nhưng, tại một đất nước có cả một hệ thống
giáo lý Hồi giáo cũng như giám hộ phức tạp và người phụ nữ không được
làm chủ cuộc sống của chính họ, ước mơ giản dị về một đám cưới với người
đàn ông mình yêu mà Samia ấp ủ đã không thể trở thành sự thực.
Bị dồn nén và uất ức trong một thời gian dài, Samia
giờ đây đang chuẩn bị những thủ tục cuối cùng để đưa chính cha đẻ của cô
ra trước Tòa án Tối cao Ảrập Xêút, với mong muốn được tiếp tục theo
đuổi ước mơ của mình. Hành động này có thể mở đường cho một phong trào
vùng lên vì quyền được yêu của nữ giới tại quốc gia có diện tích lớn
nhất trên bán đảo Ảrập.
Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy
Tại Ảrập Xêút, một quốc gia bảo thủ vào loại bậc nhất
của thế giới Hồi giáo, mỗi phụ nữ đều phải có một người giám hộ là nam
giới. Những người cha không chỉ là trụ cột trong gia đình mà còn là
người giám hộ của con gái họ cho tới khi chúng kết hôn. Vai trò này
trong từng trường hợp cụ thể có thể được gánh vác bởi những người chú
bác, anh em và thậm chí cả những đứa con trai trong cùng gia đình.
Theo truyền thống kể trên, phụ nữ Ảrập Xêút không được
làm việc, đi lại, học hành, cưới xin hoặc thậm chí là tham gia vào một
số loại hình chăm sóc sức khỏe nhất định, nếu không có sự cho phép của
người giám hộ. Với trường hợp của Samia, cô đã mất nhiều tháng trời để
cố gắng thuyết phục người cha, một doanh nhân thành đạt, rằng việc vào
học ở một trường y dành cho cả nam và nữ là một ý tưởng thiết thực đối
với tương lai của cô.
 |
Phụ nữ Ảrập Xêút đều phải có một người giám hộ là nam giới. Ảnh minh họa: Islamwatch |
"Tôi đã phải mặc cả với cha mẹ của mình", Samia nhớ
lại. "Tôi gắng sức thuyết phục họ rằng nếu tôi nộp đơn xin học vào
trường y đó, tôi sẽ được trả lương hậu hĩnh sau khi tốt nghiệp, và tôi
sẽ dành khoản tiền này cho họ. Cha mẹ tôi chấp nhận sự mặc cả này".
Mọi việc sau đó diễn ra đúng như thỏa thuận. Tuy
nhiên, điều đáng quan tâm hơn đó là việc Sami tự mình lựa chọn một đối
tượng tìm hiểu là nam giới.
"Rất nhiều bạn học nam tại trường y đã cầu hôn tôi",
Samia kể. "Nhưng cha mẹ tôi đều từ chối họ vì những lý do vô lý". Cha
của Samia và các anh em trai của cô cho rằng những người đàn ông đó
thuộc những sắc dân khác hoặc chẳng qua chỉ đang tìm cách "đào mỏ" mà
thôi.
Có một người đàn ông thực sự đặc biệt đối với Samia và
anh ta đã cầu hôn sau khi cô tốt nghiệp. Thế nhưng, dù đó là người xuất
thân từ một gia đình danh tiếng và mộ đạo, đồng thời chính người này
cũng rất giàu có, gia đình Samia vẫn lắc đầu từ chối.
"Nhưng tôi vẫn rất gắn bó và theo sát anh ấy", Samia nghẹn ngào kể lại.
Dẫu vậy, "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" vẫn là nếp
nghĩ đã hằn sâu với nhiều thế hệ người Ảrập Xêút. Bởi vậy, cha của Samia
đã tìm cho cô một người để lấy làm chồng. Đó là một người họ hàng, trẻ
và ít học vấn hơn cô rất nhiều.
"Cha tôi nói rằng ông ấy đã dạm hỏi tôi cho anh ta", Sami nói.
Tranh đấu tới cùng
Cho tới năm 2002, khi đã 33 tuổi, Samia nhận ra rằng
sự đối đầu giữa cô và cha ruột chẳng đi tới đâu cả. Cuối cùng, cô quyết
định tới tòa án để đưa ra khiếu nại chống lại chính cha đẻ của mình. Thế
nhưng, vị doanh nhân thành đạt ấy đã thuyết phục được các thẩm phán
rằng các đối tượng mà Samia lựa chọn để kết hôn đều không thích hợp.
Sau vụ việc phải cùng nhau ra trước tòa đó, cha và các
anh em trai của Samia đối xử rất bạo lực với cô. "Ngay sau khi tôi bước
ra khỏi tòa án, cha tôi đưa tôi về nhà và đánh đập, sau đó tôi còn bị
nhốt trong chính căn phòng của mình suốt 3 tháng ròng", Samia kể lại với
giọng run run.
Quyết tâm quay trở lại con đường học hành, Samia đồng ý
từ bỏ việc đề cập tới chuyện kết hôn. Năm 2006, cô lấy được tấm bằng
bác sĩ phẫu thuật và kiếm được một khoản tiền lương hậu hĩnh. Phần lớn
trong số tiền này được dành cho gia đình Samia đúng như thỏa thuận trước
đó.
Giờ đây, khi đã 42 tuổi, nữ bác sĩ phẫu thuật có tay
nghề cao ấy cảm thấy cô không còn nhiều thời gian để có một cuộc hôn
nhân như mong muốn.
Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua nhưng chẳng có gì
thay đổi trong suy nghĩ của cha mẹ Samia. Cũng giống như trước đây, khi
cô đề đạt với cha mình về việc mong muốn được chấp thuận việc kết hôn,
vị doanh nhân đáng kính ấy lại nổi giận. Cô gái một lần nữa lại bị nhốt
trong căn phòng của mình với thời gian tính bằng hàng tháng trời. Cha
của Samia giải thích với bệnh viện nơi cô làm việc rằng sức khỏe của cô
không ổn định, để họ không thắc mắc vì sự vắng mặt này.
 |
Sau khi xây dựng gia đình, Samia sẽ phải dùng mạng che
mặt khi tới những nơi công cộng, nhưng cô muốn được làm điều này vì
người mình yêu. Ảnh minh họa: Islamizationwatch |
May mắn cho Samia, một trong những người chị em gái
của cô đã tìm cách lén đưa vào "buồng giam" một chiếc điện thoại di
động. Chẳng có nhiều thời gian để đắn đo, Samia ngay lập tức gọi tới một
nhóm nhân quyền và được khuyên nên viết một lá thư kêu cứu. Cô viết thư
rồi ném qua cửa sổ căn phòng ở tầng một cho một người bạn đã chờ sẵn ở
bên ngoài.
Không lâu sau, các đại diện của nhóm nhân quyền nói
trên đến gặp cảnh sát để đề nghị giải cứu Sami ra khỏi căn nhà của cha
cô tại thành phố Medina, miền trung Ảrập Xêút. Họ giúp nữ bác sĩ phẫu
thuật ẩn náu trong một tòa nhà chính phủ tại một thành phố khác, đồng
thời giúp cô đưa vụ việc ra tòa. Nhưng, một lần nữa, Samia lại thua
kiện.
Giờ đây, Samia đang làm bác sĩ tại nơi ẩn náu nói trên
với đồng lương bèo bọt hơn rất nhiều mức mà cô kiếm được khi còn là bác
sĩ phẫu thuật. Thế nhưng, mối quan ngại lớn nhất của người phụ nữ đã
luống tuổi lúc này đó là gia đình có thể tìm ra cô.
Sau khi Samia chia sẻ câu chuyện đời mình với một
phóng viên, tin tức về cảnh ngộ của cô đã lan khắp Ảrập Xêút. Nó gây xúc
động đến nỗi một luật sư đồng ý đứng ra bảo vệ quyền lợi của cô trong
vụ việc khiến cả đất nước Ảrập Xêút phải chú ý.
Sau nhiều năm thua kiện, Samia và nhóm nhân quyền bảo
trợ cho cô đang khởi động lại một cuộc chiến pháp lý sẽ được đưa ra
trước Tòa án Tối cao Ảrập Xêút. Theo nhà nghiên cứu người Ảrập Xêút Dina
el-Mamoun của tổ chức Ân xá Quốc tế, đây sẽ là một cuộc chiến cam go.
"Thật khó để có thể thắng trong những vụ kiện như thế
này, vì chẳng có nguyên tắc rõ ràng nào liên quan tới điều họ cần phải
chứng minh. Các thẩm phán sẽ rất thận trọng trong những vụ việc kiểu
này. Kết quả của vụ kiện phụ thuộc vào việc thẩm phán nào sẽ xử vụ này
và ai sẽ đưa ra phán quyết", bà Mamoun nói.
Nhưng Samia không đơn độc trong cuộc chiến vì quyền
được yêu và tự quyết định hạnh phúc hôn nhân của mình. Trên khắp vương
quốc có trữ lượng dầu mỏ dồi dào này, hàng chục phụ nữ đang ra trước tòa
để khiếu nại về những người giám hộ. Và họ đang có được sự ủng hộ của
dư luận.
Ở tuổi 42, Samia vẫn đang theo đuổi giấc mơ thời thơ
ấu về một gia đình nhỏ tự mình tạo dựng. Người đàn ông yêu cô và ngỏ lời
cầu hôn ngày trước hiện vẫn chờ đợi và sát cánh cùng cô trong cuộc
chiến có thể đánh đổi bằng cả đời người.
"Tôi vẫn mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ", Samia nói, "Ngọn lửa khát khao ấy sẽ còn cháy mãi cho tới khi tôi không còn nữa".
(Theo Vnexpress.net)