 |
Đỗ Nhật Nam và tấm bằng chứng nhận "Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam"
do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng.
|
|
Lúc ấy là hơn 4 giờ chiều, bố mẹ Nam chưa đi làm về. Thoạt nghe có khách lạ hỏi thăm, Nam thoáng chút ngập ngừng. Nhưng sau khi nghe tôi bảo để chờ bố mẹ về thì mở cửa cũng được, Nam lại dứt khoát: "Thôi, để cháu mở cho cô". Tôi hỏi: "Thế cháu không sợ người lạ vào nhà à?". Nam bảo: "Dạ không ạ".
Nam
vừa học xong lớp 4 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Em đạt danh hiệu học
sinh tiêu biểu. Để đạt được danh hiệu này, tất cả các môn của em đều
được điểm 10. Trong lớp, duy nhất có Nam đạt được danh hiệu này. Nam cho biết, em vẫn học tiếng Anh. Năm nay em sẽ thi Toefl iBT, em sẽ cố gắng để được 100 điểm. Trước đó em đã thi được 87 điểm.
Mục tiêu của Nam
là vào được trường đại học danh tiếng Harvard của Mỹ. Tôi hỏi em, sau
này em sẽ làm nghề gì? Cậu bé lém lỉnh cho biết, em thích trở thành nhà
sinh học hoặc Bộ trưởng Ngoại giao. Là Bộ trưởng Ngoại giao, trong mắt
cậu bé học sinh lớp 4 là được "đi khắp nơi trên thế giới để đàm phán với
các nước, đem lại hòa bình và ấm no cho đất nước Việt Nam".
Có thể nói, Đỗ Nhật Nam là cậu bé có năng khiếu học tiếng Anh. Bí quyết học của Nam
rất đơn giản, đó là tự nghiên cứu tìm hiểu, nghe băng đĩa. Không những
thế, em còn là "thầy giáo" của mẹ. Hàng tối, em vẫn dạy mẹ học tiếng
Anh. Hai mẹ con thường trao đổi qua lại, đó cũng là cách học của hai mẹ
con.
Tôi hỏi: "Thế cháu có thích
chơi trò chơi không? Và thích chơi trò gì?". "Dạ, cháu thích chơi ô ăn
quan và trò cá sấu lên bờ". Thấy tôi ngạc nhiên, Nam hỏi lại: "Thế thì sao ạ?". Rồi Nam kể thêm: "Cháu còn học cả violon nữa ấy chứ. Cháu học cũng tốt, được thầy giáo khen…".
Tôi và Đỗ Nhật Nam trò chuyện được một lúc thì mẹ Nam
đi chợ về. Chị không giấu vẻ tự hào về cậu con trai giỏi giang: "Cháu
học tiếng Anh rất khá. Ngày mai ở trường mình có hội thảo và Nam đang dịch tài liệu cho hội thảo hộ mẹ". Rồi chị quay sang hỏi Nam: "Nam
đã dịch xong chưa con?". "Dạ còn hai trang nữa mẹ ạ" - Cậu bé vừa nói
chuyện với mẹ và khách vừa đi đi lại lại trong bếp như người đang diễn
thuyết.
Trong phòng khách của nhà Đỗ Nhật Nam treo cơ man nào là bằng khen, giấy chứng nhận và cái tên Đỗ Nhật Nam
được làm nổi bật. Chứng chỉ công nhận trình độ tiếng Anh của Trường
Cambrigde trao tặng. Khi chuẩn bị vào lớp 1, Nam được mẹ cho đi học
tiếng Anh, sau vài tháng, em đã thi được chứng chỉ Stater của Đại học
Cambrigde, sau đó lại thi đạt được chứng chỉ Mover, cũng của trường đại
học này với số điểm tuyệt đối. Mẹ Nam chỉ vào cái chứng chỉ của Đại học
Cambrigde và bảo Nam dịch nghĩa cho tôi nghe, bên cạnh là rất nhiều giấy
khen học sinh tiêu biểu của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn và bằng công
nhận kỷ lục "Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam" do Trung tâm sách kỷ lục
Việt Nam trao tặng.
Nói về việc dịch sách của Nam thì thật đáng nể. Hiện em vẫn cộng tác với nhà sách Thái Hà để dịch những quyển sách cho thiếu nhi. Bắt đầu là việc Nam
đi nhà sách, và em chỉ chọn sách thiếu nhi bằng tiếng Anh. Thấy lạ, các
cô chú ở nhà sách Thái Hà để ý và biết "anh chàng" này rất "siêu" tiếng
Anh. Nam được dịch thử, và đạt kết quả tốt. Em đã được nhà sách Thái Hà mời cộng tác mảng sách dịch dành cho thiếu nhi.
"Thế còn việc dẫn chương trình “Chúc bé ngủ ngon” thì sao? Thời gian đâu mà Nam
có thể làm nhiều việc thế?". "Dạ cháu vẫn tham gia đấy ạ. Nhưng một
buổi cháu ghi hình nhiều chương trình, có thể phát sóng vài buổi". Nam cho biết, rất hiếm khi Nam xem lại chương trình "Chúc bé ngủ ngon" phát trên truyền hình. Khi tôi hỏi lý do vì sao, Nam trả lời hồn nhiên: "Cháu xem trong lúc cháu quay rồi còn gì?".
"Thế cháu thích xem chương
trình gì?". "Cháu thích xem National Geographie chanel, BBC, CNN, CNBC,
Bloomberg". Tôi hỏi: "Sao cháu lại thích xem BBC". "Vì cháu muốn xem tin
tức".
Thú thực là trò chuyện với Đỗ Nhật Nam, tôi thấy quá nể phục cậu bé mới học lớp 4 này. Nam
học giỏi, ham hiểu biết, kể cả những vấn đề mà trẻ em khác ít hoặc
không quan tâm. Đặc biệt, cậu bé trả lời rất nhanh, từ ngữ cứ thế tuôn
ra như được sắp sẵn trong đầu vậy.
Tôi bảo:"Cháu ngồi để cô chụp
một kiểu ảnh nhé". "Không cần cô ạ, cô cho cháu email, cháu sẽ gửi ảnh
cho cô". Nói thế nhưng khi tôi giơ máy ảnh lên, Nam cũng rất "trẻ con",
giơ hai ngón tay lên làm dáng để chụp ảnh. Tôi thầm buồn cười về cậu bé
này. Lời lẽ thì chẳng khác nào "ông cụ non" mà hành động thì đáng yêu
đến thế, và thành tích của "ông cụ non" này đã khiến cho tất cả mọi
người đều phải nể phục

|