Điểm 5,6 sẽ chiếm đa số
 |
Thí sinh làm bài thi tại cụm thi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. |
Chỉ
làm được khoảng 60 – 70% là chia sẻ của các thí sinh ở cả hai môn toán
và lý. Em Nguyễn Thị Hoa, thí sinh Đại học Thủy lợi (Hà Nội) cho biết,
môn toán em phải bỏ lại tới 3 ý. Ở môn lý, mặc dù làm hết bài nhưng Hoa
cũng chỉ chắc chắn đúng được 60%, 40% còn lại là “năm ăn năm thua”.
Theo
Hoa, đề thi cả môn toán và lý đều có tính phân loại thí sinh cao. Đề cơ
bản, nằm trong chương trình và thí sinh học trung bình cũng có thể gỡ
được vài điểm, nhưng để đạt được điểm 8 lại rất khó “nhằn”.
Tương
tự, thí sinh Nguyễn Hoàng của Học viện Bưu chính viễn thông cho biết,
chỉ hoàn thành được khoảng 70% bài thi. “Nếu đúng hết em mới được 7
điểm, nhưng điều này có lẽ hơi khó vì trong khi làm, chắc chắn sẽ rơi
rụng điểm do sai đâu đó”.
Tại điểm thi của
Đại học Xây dựng, bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá tiếc nuối,
thí sinh Phùng Tuấn Ngọc đến từ Nam Định cho hay, em làm bài môn toán
buổi sáng không được tốt. Vì thế, Ngọc đã cố gắng để gỡ điểm trong môn
lý, nhưng kết quả làm bài không như mong đợi. “Em sẽ phải dốc sức cho
môn thi hóa, may ra mới có hy vọng” - Tuấn ngậm ngùi nói.
Tại
các điểm thi khu II của Trường Đại học Cần Thơ, Trường Châu Văn Liêm,
Lê Quý Đôn, Trường Chính trị… có nhiều thí sinh ra sớm vì không làm được
bài môn toán. Rất ít thí sinh cho biết làm được khoảng 50% bài thi, còn
lại phần lớn thí sinh trả lời có thể chỉ được 1-2 điểm.
Em
Lê Thanh Thủy - học sinh Trường Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ, buồn
bã cho biết: “Trước khi phát đề thi, em còn rất tự tin. Nhưng đến khi
nhận đề, em đã mất bình tĩnh vì đề quá khó”. Là học sinh khá - giỏi, ôn
bài rất kỹ và rất cố gắng nhưng Thủy chỉ hy vọng mình được 3-4 điểm là
mừng.
Còn em Dương Hùng Huy - học sinh Trường
Phạm Hùng (Vĩnh Long), là học sinh khá, cũng cho rằng đề thi toán chỉ
có câu 2 (II) là dễ và tự tin là làm đúng, còn những câu khác không biết
đúng sai.
Thí sinh Trần Thị Tuyết Ngân - quê
ở Bến Tre, dự thi tại điểm thi Trường Chính trị Cần Thơ, cho biết: “Đề
thi môn toán năm nay rất khó. Khó nhất trong đề thi là phần hình học và
giải hệ phương trình, học sinh trung bình rất khó kiếm điểm. Tuy vậy,
thí sinh vẫn có thể kiếm điểm ở phần khảo sát hàm số và phần tích phân”.
Một
số thí sinh khác cho biết, với đề môn toán năm nay chỉ học sinh khá,
giỏi mới có thể đạt điểm từ 5 - 7, còn lại dự đoán hầu như điểm ở mức
dưới trung bình.
Hàng nghìn thí sinh bỏ thi lý
Theo
thống kê của Bộ GDĐT, tỷ lệ thí sinh dự thi môn toán đạt 76,92% so với
tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, đến buổi thi môn lý, tỷ lệ này
chỉ còn 76,34%. Như vậy, tới buổi thi môn lý đã có khoảng 5.000 thí sinh
bỏ thi. Tỷ lệ thí sinh thi cao nhất thuộc về khối trường công an, đạt
93,5%.
Làm không tốt môn toán buổi sáng nên
đến buổi chiều, có khá nhiều thí sinh bỏ thi môn lý. Tại ĐH Kinh doanh
và Công nghệ Hà Nội, tổng số thí sinh dự thi môn toán là 7.252 nhưng đến
môn lý còn có 7.191 em dự thi, vắng 61 thí sinh.
ĐH
Khoa học tự nhiên, ĐH QGHN cũng có 36 thí sinh bỏ thi môn lý. Số thí
sinh bỏ thi môn lý ở ĐH Giao thông vận tải là 55 em. Đại học Bách khoa
Hà Nội cũng có 57 thí sinh kết thúc kỳ thi sớm, ngay sau môn toán. Tại
Học viện Ngân hàng, theo ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, tỷ
lệ thí sinh thi môn lý giảm hơn so với môn toán từ 53,46% xuống còn
53,01%.
ĐH Mỏ - Địa chất, theo ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, buổi thi môn lý có 30 thí sinh bỏ thi.
Theo
báo cáo của Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Cần Thơ, trong ngày
thi đầu tiên (môn toán, lý), có 52.350 thí sinh vào thi. So với ngày 3.7
(ngày làm thủ tục thi) vắng tới 8.416 thí sinh.
(Theo Danviet.vn)