Mất điện thường xuyên giữa trung tâm Hà Nội
 |
Cảnh mất điện giữa đêm hè oi bức như thế này đang xảy ra thường xuyên tại phường Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội) Ảnh: V.H. |
Suốt hai tuần nay, hễ thời tiết nắng nóng là hàng trăm
hộ dân với cả ngàn con người tại các tổ dân phố 22, 24, 25, 26, 27 và 28
ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội lại rơi vào cảnh mất điện.
Cả một khu vực chật hẹp, có mật độ dân số cao nhất thủ đô này, thường
xuyên chìm trong màn đêm từ 20-21 giờ tới tận 2-3 giờ sáng.
Trong lúc lãnh đạo Điện lực Hà Nội tuyên bố mùa nóng
này không cắt điện, thì cứ tối đến hàng trăm hộ dân giữa lòng thủ đô này
vẫn chìm trong bóng đêm. Hai tuần qua, hầu như tối nào cũng bị mất
điện, cả ngàn con người từ già đến trẻ nhễ nhại mồ hôi, phành phạch quạt
nan tới tận 2-3 giờ sáng.
Giữa đêm hè nóng nực ngột ngạt, trẻ em khóc oe oe, đàn
ông, thanh niên cởi trần trùng trục ngồi đầy ngõ, là cảnh tượng xảy ra
thường xuyên tại khu vực này. Khổ nhất là những người phải đi làm sớm
vào sáng hôm sau.
Chị Hoa ở tổ 28 than thở: “Hai tuần nay tôi như người
mất hồn, đến cơ quan cho có chứ còn sức lực đâu mà làm việc, ngồi ngủ
gật suốt...”.
Đáng lưu ý, cảnh mất điện nêu trên không chỉ mới diễn
ra, mà đã xảy ra từ mùa hè năm ngoái (tháng 6 và 7-2010) song đến nay
vẫn chưa hề được khắc phục.
“Việc mất điện thường xuyên, kéo dài đã gây ảnh hưởng
nghiêm trọng tới sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân dân, gây bức xúc trong dư
luận nhân dân phường Khương Thượng” - Thông báo ngày 7-7-2011 của UBND
phường Khương Thượng gửi các tổ trưởng dân phố nêu rõ.
Thông báo kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm điện để
tránh quá tải gây mất điện, và cho biết “đã chủ động làm việc với điện
lực Đống Đa đề nghị đảm bảo ổn định điện sinh hoạt cho nhân dân”.
Lý giải về nguyên nhân mất điện thường xuyên, kéo dài
tại khu vực này, Giám đốc Cty điện lực Đống Đa Ngô Đạt Đức cho biết: Do
trạm biến áp mới (TBA) Khương Thượng 7 được xây dựng từ 3-2010 tại ngõ
43 Chùa Bộc vẫn chưa đóng điện được, nên TBA cũ vẫn thường xuyên bị quá
tải gây mất điện.
TBA Khương Thượng 7 có công suất 630KVA, trị giá gần 2
tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB), song bị một
số người dân tổ 34, ngõ 43 Chùa Bộc phản đối không cho đóng điện với lý
do không đảm bảo an toàn, nhiều tiếng ồn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe...
TBA này được xây dựng trên diện tích 3,8m2 nằm kẹp giữa hai nhà dân.
Tuy nhiên, theo ông Đức mặc dù Cty đã cam kết sẽ thay
máy biến áp mới và đảm bảo an toàn, song người dân vẫn phản ứng quyết
liệt, kiên quyết không cho đóng điện. Nhiều cuộc họp giữa chính quyền
phường Khương Thượng, Điện lực Đống Đa với người dân đã diễn ra trong
năm 2010, song vẫn không giải quyết được vấn đề.
Hơn một năm đã trôi qua, gần 2 tỷ đồng đi vay của WB
vẫn nằm phơi mưa nắng, còn hàng trăm hộ dân không hề liên quan gì đến
câu chuyện tranh chấp nói trên (vì nằm hoàn toàn ở khu vực khác) lại bị
vạ lây, bị đảo lộn toàn bộ sinh hoạt vì mất điện. Nghịch lý này ai sẽ là
người có trách nhiệm phải giải quyết?
Đã đến lúc Cty Điện lực Đống Đa (EVN Hà Nội) cần thực
hiện đầy đủ trách nhiệm của bên cung cấp điện với hàng trăm hộ dân là
khách hàng theo tinh thần Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu
lực từ 1-7.
Có thể khởi kiện Điện lực Đống Đa ra toà án
Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Phương
Nam - Trưởng văn phòng luật sư số 10, Hà Nội. Về cơ sở pháp lý, từ ngày
1-7-2011, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã có hiệu
lực, các hộ dân hoàn toàn có thể dựa vào những điều khoản cụ thể trong
Luật này làm cơ sở khởi kiện. Cụ thể, Điều 8 của Luật quy định rõ quyền
của người tiêu dùng (NTD) về yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa,
dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng...
Trong trường hợp cụ thể này, các hộ dân
hoàn toàn có thể khởi kiện ra toà án cùng cấp, hay tổ chức trọng tài để
yêu cầu bồi thường hoặc đưa ra những đề nghị khác. Đây là một trong
những nội dung được quy định tại Điều 30 Luật BVQLNTD.
Bảo Thắng |
(Theo Tienphong.vn)