Lược sử ký Việt Nam thời trung đại
Giai
đoạn đầu tiên từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, đây là giai đoạn đặt nền móng
cho dòng tự sự viết dưới dạng ký. Nếu giai đoạn này, truyện ngắn chưa
tách khỏi văn học dân gian và văn học chức năng, lấy cả hai mạch nguồn
để xây dựng cốt truyện, hình tượng nghệ thuật... Loại hình truyện ngắn
đã đạt được những thành tựu đáng kể với các tác phẩm Việt điện u linh
tập (Lí Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái lục (Trần Thế
Pháp)... Ký chưa đạt được thành tựu như truyện ngắn vì ký vẫn dựa hoàn
toàn vào văn học chức năng, trong đó đa phần là văn học chức năng lễ
nghi. Mặt khác, nếu truyện được phép đi tìm thời gian đã mất, được tưởng
tượng thì ký bị hạn chế trong cái khuôn viết về hiện tại, những điều
phi hư cấu. Thêm vào đó, cuộc sống lúc đó không có nhu cầu về ký và
phương tiện in khắc cũng chưa nhiều nên loại ký viết thành tập chưa có
điều kiện ra đời.
Giai
đoạn này, ký chủ yếu ở dưới dạng văn khắc và tự bạt. Nội dung của văn
khắc không nổi bật nhưng văn phong khá đa dạng. Mỗi bài thường kết hợp
giữa tả cảnh, tả tình, kể việc, kể người với việc phát biểu trực tiếp
cảm nghĩ cá nhân khiến chúng mang đậm chất ký. Tự (đặt đầu tác phẩm) và
bạt (đặt sau tác phẩm) viết ra nhằm mục đích giới thiệu, bình tác phẩm
của người khác hoặc bản thân tác giả để bày tỏ quan điểm của mình đối
với văn chương, học thuật.
Giai
đoạn thứ hai từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, xảy ra nhiều biến cố lịch sử.
Sau khi giành được độc lập, vua Lê đặt ngay cho đình thần nhiệm vụ sưu
tầm, sao chép, khôi phục các thư tịch đã mất hoặc còn sót lại trong dân
gian. Sự bùng nổ về tác phẩm sưu tầm, san định cũng như sáng tác trên
nhiều lĩnh vực làm cho thể văn tự bạt bùng nổ theo. Tác giả của những tự
bạt đã trình bày trực tiếp và thẳng thắn quan điểm của mình trên nhiều
lĩnh vực, bởi vậy, vai trò của người sưu tầm, tuyển soạn phải ra sức
biện bạch đúng sai. Ký dưới dạng tự bạt đến hậu kì trung đại tách dần ra
thành phê điểm văn học và chia tay văn xuôi tự sự. Song, nó đã đặt nền
móng cho loại ký nghệ thuật: Tự bạt là tiếng nói cá nhân người viết, khi
chưa có vai trò cá nhân thì ký đích thực chưa thể ra đời.
Ở giai
đoạn này, ký chưa thành một thể riêng, nó chỉ là một phần nhỏ nằm trong
tác phẩm tự sự nhiều thiên. Ranh giới giữa truyện và ký hết sức mờ
nhạt, và phân biệt dựa vào thái độ người viết. Nếu người cầm bút tách
mình khỏi các sự kiện, các nhân vật đang được miêu tả như người ngoài
cuộc thì đấy là truyện, ngược lại, tác giả hòa mình với tư cách là người
trong cuộc thì đấy là ký. Hồ Nguyên Trừng với tác phẩm Nam Ông mộng
lục, Lê Thánh Tông với Thánh Tông di thảo và Nguyễn Dữ với Truyền kì mạn
lục là những người đặt nên móng cho ký trung đại với việc “ghép” đoạn
suy tư và bình giá đối tượng đang phản ánh vào cuối mỗi thiên tự sự.
Ký chỉ
thực sự ra đời ở giai đoạn thứ ba từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX
với sự ra đời của Thượng kinh ký sự (1783) của Lê Hữu Trác. Tác phẩm là
đỉnh cao, hoàn thiện thể ký trung đại, và là mẫu mực cho lối viết ký với
tác phẩm sau đó như: Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, Vũ trung tùy bút
của Phạm Đình Hổ và Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn
Án... Lê Hữu Trác không tự thuật về cuộc đời của mình, mà chỉ ghi lại
chuyến đi kinh đô trong 9 tháng 20 ngày. Tác phẩm mang nặng cảm xúc của
tác giả với các sự kiện dồn dập được sử dụng để tác giả bộc lộ tâm sự
của mình đối với thời cuộc. Chưa bao giờ có một tác phẩm mà cái tôi cá
nhân của tác giả bộc lộ rõ ràng: tôi thấy, tôi nghĩ, tôi chỉnh đốn hành
lý... Tác phẩm còn là sự kết hợp tài tình nhiều bút pháp nghệ thuật: du
ký, nhật ký, hồi ký...
Giai đoạn thứ tư của ký trung đại Việt Nam
là nửa cuối thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn đời sống xã hội và văn học
nghệ thuật bị đảo lộn dưới những chiến dịch xâm lược của thực dân Pháp.
Cũng như truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi, sau khi đạt đỉnh cao ở
giai đoạn thứ ba, ký rơi vào bế tắc. Song, ở giai đoạn này vẫn có một
tác phẩm ký đáng chú ý là Giá Viên biệt lục của nhóm tác giả Phạm Phú
Thứ, Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Đản. Nội dung của tác phẩm là kể về 9
tháng ở Tây Âu của phái bộ Đại Nam. Tuy có hạn chế là tác phẩm dành cho
vua đọc (tức trở thành một biên bản) nhưng Giá Viên biệt lục vẫn đánh
dấu bước phát triển mới về quy mô phản ánh và đối tượng phản ánh của ký.
Những
nỗ lực cuối cùng này không thể cứu vãn được sự bế tắc của ký trung đại.
Cũng như truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi, đến đây ký trung đại kết
thúc sứ mệnh lịch sử nhường bước cho ký hiện đại với những tên tuổi như
Phạm Quỳnh, Nguyễn Tuân...
(Theo www.qdnd.vn)