Bởi vậy việc GS. Phan Huy Lê được Viện này bầu là Viện sĩ là
một vinh dự lớn không phải chỉ của riêng Giáo sư mà của cả giới khoa học
nước nhà. Nhân dịp này, chúng tôi xin điểm lại một số nét chính trong
cuộc đời khoa học của Giáo sư – một chuyên gia đầu ngành về lịch sử và
văn hóa Việt Nam.
GS. Phan Huy Lê
Ảnh: TL
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày
23-2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ
của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú,
Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh ông là Lang trung Bộ
Hình triều Nguyễn Phan Huy Tùng đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ
khoa Quý Sửu - năm 1913. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền
thống khoa bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân
Huy.
Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập
gồm 4 khoa: Toán - Lý, Hoá - Sinh, Văn và Sử. GS. Phan Huy Lê lúc ấy vừa
tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa đã được nhận ngay vào Bộ môn Lịch sử Việt
Nam cổ trung đại của Khoa Lịch sử dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của nhà văn
hóa bậc thầy, GS. Đào Duy Anh. Ngay từ khi còn làm trợ lý giảng dạy, ông
đã được các Giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh giao cho viết bài giảng
và đảm nhiệm các công việc của những chuyên gia thực thụ. Có lẽ vì thế
mà chỉ 2 năm sau, khi GS. Đào Duy Anh chuyển công tác về Viện Sử học,
mới 24 tuổi đời, thầy giáo trẻ Phan Huy Lê đã vững vàng trong trọng
trách của một Chủ nhiệm bộ môn đứng mũi chịu sào tổ chức và xây dựng một
ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học
xã hội Việt Nam.
Sự nghiệp khoa học của GS. Phan Huy Lê được chia ra
thành 4 mảng lớn gần tương đương nhau và đều ở mức rất cao (từ 104 đến
120 công trình). Thật hiếm có một học giả có khối lượng các công trình
nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn.
Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử
Việt Nam và nhận được nhiều giải thưởng do nhà nước trao tặng: GS. Phan
Huy Lê được phong học hàm Giáo sư năm 1980, danh hiệu Nhà giáo ưu tú
năm 1988, danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1994; Giải thưởng Nhà nước năm
2000. Ông cũng là người Việt đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải
thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka năm 1996. Năm 2002, ông được Chính
phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.
Từ năm 1988 cho đến nay, GS. Phan Huy Lê liên tục
là Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Ông còn giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt
và là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo
biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ
Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH
Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Quốc gia
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa
Quốc gia... Ở cương vị nào, ông cũng đều có những đóng góp xuất sắc.

Trong những năm qua Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã
có tiếng nói quan trọng góp phần xác định giá trị lịch sử - văn hóa để
tiến hành lập hồ sơ công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di tích đặc biệt
cấp quốc gia và phát triển thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di
sản văn hóa thế giới. Người "đứng mũi chịu sào” đưa ra những kiến nghị
đầy tinh thần trách nhiệm, khoa học và đau đáu nỗi lòng với những di sản
văn hóa Thăng Long – Hà Nội là GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học
lịch sử VN.
Cùng với hoạt động nghiên cứu, Giáo sư, Nhà giáo Nhân
dân, Nhà Sử học Phan Huy Lê còn dành tâm huyết nghề nghiệp của mình
truyền lại cho các thế hệ sinh viên. Ông một trong "Tứ trụ” của nền sử
học hiện đại Việt Nam như cách vinh danh của nhiều thế hệ học trò: "Lâm –
Lê – Tấn – Vượng” (các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn,
Trần Quốc Vượng). Với nhiều thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp (cũ), nhắc
đến thầy Lê là nhớ đến một giọng nói trầm ấm, biểu cảm, khúc triết và
uyên bác. Những ai đã từng được nghe ông giảng thì không chỉ "tâm phục
khẩu phục''về kiến thức, tri thức sâu rộng mà còn thấy ở ông một phong
cách, một thế ứng xử đầy minh triết, một nhân cách khoa học toàn vẹn.
Quê hương của GS Phan Huy Lê là vùng Núi Hồng Sông
Lam nhưng Hà Nội coi ông là một trong những công dân tiêu biểu nhất của
Thủ đô.
(Theo Daidoanket.vn)