
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: Viết Thành
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội (khóa XII) Nguyễn Phú Trọng
nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XII đã tiếp tục đổi
mới tổ chức và hoạt động, đạt được những tiến bộ rất quan trọng trong
việc thực hiện cả ba chức năng cơ bản: lập pháp, giám sát tối cao, quyết
định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào thành tựu chung
của công cuộc đổi mới, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri
và nhân dân cả nước. Quốc hội khóa XIII bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh
tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp,
tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 còn không ít khó khăn,
thách thức. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong
thời gian tới phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động nắm bắt và
tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, yếu kém, tiếp tục
có giải pháp thích hợp để đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững hơn
trong những tháng cuối năm 2011 và những năm sau.
Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội (khóa XII), Phó Chủ tịch
Thường trực Hội đồng Bầu cử Tòng Thị Phóng đã trình bày báo cáo kết quả
cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm
kỳ 2011 - 2016. Báo cáo nêu rõ, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và đại
biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã thành công tốt đẹp. Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệt
liệt hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và cử
tri cả nước; đánh giá cao sự cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ
và đoàn thể các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử và các cơ quan hữu
quan ở trung ương, địa phương đã thực hiện tốt công tác bầu cử; đánh giá
cao hệ thống chính trị ở cơ sở đã khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thử
thách, quyết tâm triển khai công tác bầu cử đúng pháp luật, đạt kết quả
cao, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc bầu cử.
Thay mặt BCH TƯ Đảng phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng nhấn mạnh, thành công của cuộc bầu cử một lần nữa khẳng định
đường lối đúng đắn của Đảng ta, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và
tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; thể
hiện tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và niềm tin của nhân dân đối
với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Tổng Bí thư nhiệt liệt chào mừng thắng
lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử; nhiệt liệt chúc mừng các vị đại
biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cả nước vừa trúng cử. Quốc
hội khóa XIII có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc kế thừa và phát
huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội khóa trước, bám sát
đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn sinh động của cuộc sống,
thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình để hoàn thành tốt hơn nữa
trọng trách trước đất nước, nhân dân. Với mục tiêu và tinh thần đó, Tổng
Bí thư đã kiến nghị Quốc hội quan tâm thực hiện 5 định hướng
Phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu
Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm khẳng định,
cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi trước kết quả thắng lợi của Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ XI và những thành tựu của đất nước sau 25 năm
đổi mới: Kinh tế tiếp tục phát triển; xã hội ổn định, đời sống của đại
đa số các tầng lớp nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ
vững; đối ngoại được mở rộng và tăng cường, đưa vị thế nước ta trên
trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều
băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế;
nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước còn bất cập; lạm phát, giá cả tiếp tục
tăng cao; chênh lệch giàu nghèo gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường,
mất an toàn vệ sinh thực phẩm... Cử tri cũng quan tâm, lo lắng đến tình
trạng tai nạn giao thông (TNGT), tội phạm, tệ nạn chưa giảm; việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa thật tốt; cải cách thủ tục
hành chính còn chậm; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa
được đẩy lùi… Với những tâm tư như trên, cử tri và nhân dân cả nước kiến
nghị trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện
công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với
đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu; phát huy dân
chủ và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Cũng trong phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực
Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và
ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
trong 6 tháng cuối năm 2011. Đánh giá tổng quát kết quả tình hình kinh
tế - xã hội đầu năm 2011, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ:
"Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn
định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo các nghị quyết của
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực. Lạm phát
có xu hướng giảm, xuất khẩu và thị trường hàng hóa trên đà tăng mạnh;
thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách nhà nước giảm, thị trường ngoại
hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng. Tăng trưởng kinh tế đạt mức
hợp lý; an sinh xã hội được chú trọng. Đây là những kết quả bước đầu
đáng mừng. Song, trước những khó khăn, thách thức hiện nay, để hoàn
thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2011,
Chính phủ đã đề nhóm 8 giải pháp.
*Chiều 21-7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách Ủy ban Thẩm tra
tư cách đại biểu, với Chủ nhiệm Ủy ban là ông Ngô Văn Dụ, đại biểu Quốc
hội tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu đã tiến
hành thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu, đề nghị công
nhận tư cách đại biểu Quốc hội của 500 đại biểu trúng cử tại cuộc bầu
cử ngày 22-5 vừa qua. Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã
thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu
Quốc hội.
*Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã thừa ủy
quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc ban hành bổ
sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và
cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.
*Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng thay mặt
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII trình bày Tờ trình về số phó chủ tịch
Quốc hội và số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Theo nội
dung tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đề nghị Quốc hội khóa
XIII có 18 ủy viên thường vụ, trong đó có một chủ tịch Quốc hội, 4 phó
chủ tịch Quốc hội, giúp việc cho chủ tịch Quốc hội về các lĩnh vực: văn
hóa - xã hội; kinh tế - tài chính; pháp luật - tư pháp; quốc phòng - an
ninh. 10 ủy viên thường vụ đồng thời là chủ tịch hội đồng dân tộc và chủ
nhiệm các ủy ban của Quốc hội...