Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX: “Bà đỡ” cho kinh tế tập thể
Quỹ HT PTHTX có nhiệm vụ hỗ trợ cho vay vốn đối với HTX, tổ hợp tác,
liên hiệp HTX trên địa bàn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh,
phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm… Từ số vốn ban đầu 5 tỷ đồng,
sau 3 năm đi vào hoạt động với việc tổ chức vay vốn an toàn, hiệu quả,
đúng mục đích, đúng đối tượng, đến năm 2011, quỹ đã được UBND TP Hà Nội
cấp thêm 65 tỷ đồng, nâng tổng số nguồn hoạt động của quỹ lên 70 tỷ
đồng. Việc tổ chức hỗ trợ vay vốn được triển khai trên tất cả 29 quận,
huyện, thị xã, thông qua nguồn vốn này, các HTX và tổ hợp tác đã giải
quyết việc làm cho 1.740 xã viên, tạo việc làm mới cho gần 4.000 lao
động. Quỹ đã giải ngân được 385 dự án với tổng số tiền cho vay 91,9 tỷ
đồng. Các dự án vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, bảo đảm đúng các điều
khoản trong hợp đồng tín dụng.
Ông Ngô Ngọc Khương, Chủ nhiệm HTX NN Đông Sơn - Chương Mỹ cho biết: Từ
nguồn vốn vay của Quỹ HT PTHTX, HTX NN Đông Sơn đã đứng ra làm cấp liên
nhiệm, giúp nhiều hộ xã viên được vay vốn từ 60-70 triệu đồng/hộ. Hiện
xã viên HTX NN Đông Sơn đã được Quỹ HT PTHTX TP Hà Nội cho vay 1,8 tỷ
đồng để phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Trong bối cảnh giá
thức ăn, giống, chi phí chăn nuôi khác đều tăng cao với nguồn hỗ trợ
này, xã viên phần nào yên tâm sản xuất. Tổng đàn gà, lợn trên địa bàn có
chiều hướng gia tăng. Là một trong những HTX điển hình của thị xã Sơn
Tây, HTX DV chăn nuôi Cổ Đông sử dụng nguồn vốn khá hiệu quả với việc
xây dựng nhiều mô hình trình diễn và đưa tiến bộ khoa học - công nghệ
vào sản xuất thịt lợn, gà sạch, an toàn, thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế
trang trại phát triển, trở thành HTX chăn nuôi lớn nhất miền Bắc, thu
hút được 150 hội viên với 275 trang trại.
Hiện nay năng lực nội tại của các HTX còn nhiều hạn chế, yếu kém. Quy mô
hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, mặc dù chuyển đổi mô hình hoạt động nhưng
tính thích ứng trong cơ chế thị trường của các HTX nhất là HTX NN còn
hạn chế; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý còn thấp, do đó
khả năng hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh còn hạn chế, việc
xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh cũng như việc thiết lập
hồ sơ vay vốn gặp nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội
Phạm Văn An, mặc dù cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho kinh tế hợp
tác, giúp các HTX phát triển đã có nhưng tính thực thi trong thực tiễn
còn nhiều bất cập, đặc biệt là chính sách về đất đai, vốn. Nhiều HTX
không có mặt bằng để sản xuất, kinh doanh, không có tài sản thế chấp… do
đó khó tiếp cận nguồn vốn của hệ thống NH để mở rộng, đầu tư sản xuất,
kinh doanh. Vì vậy, các HTX rất cần được tiếp sức về vốn và chỉnh sửa
những bất cập trong cơ chế, chính sách mới hoạt động tốt.
Để các HTX phát triển, khẳng định vai trò, vị trí trong quá trình phát
triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân, TP cần bổ sung thêm
nguồn vốn để Quỹ HT PTHTX cho vay giúp xã viên phát triển sản xuất. Thêm
nữa, hiện nay, việc thực thi chính sách đối với khu vực kinh tế HTX còn
có nhiều bất cập. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra,
đánh giá tình hình thực thi các chính sách đối với khu vực này để sửa
đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những chính sách không còn phù hợp, đặc biệt là
chính sách về đất đai đối với các HTX, tạo điều kiện để các HTX có mặt
bằng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và nâng
cao thu nhập cho người lao động.
Giám đốc Quỹ HT PTHTX Hà Nội Nguyễn
Tiến Phong: “Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng hoạt động
của quỹ vẫn còn không ít khó khăn do cơ sở vật chất của quỹ, trang thiết
bị, phương tiện và điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế. Hiện nhu cầu
về vốn của khu vực kinh tế tập thể rất lớn nhưng nguồn vốn của quỹ còn
rất hạn chế. Với 70 tỷ đồng, trung bình mỗi quận, huyện chỉ được vay
trên dưới 2 tỷ đồng, một số vốn còn khá khiêm tốn so với đối tượng phục
vụ là 1.571 HTX với 1,2 triệu xã viên. Trung bình mỗi món vay cũng rất
ít (bình quân 300 triệu đồng), các HTX và xã viên khó có điều kiện phát
triển sản xuất quy mô lớn”.