- Ông đánh giá thế nào về hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội?
- Trong khoảng 15 năm qua, xã hội đã ghi nhận một số đóng góp tích cực
của các siêu thị (ST). Đó là việc hình thành một mạng lưới hạ tầng
thương mại hiện đại hơn hẳn so với các loại hình phân phối trước đây,
thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm
thỏa mãn nhu cầu mua sắm của NTD. Mặt khác, sự xuất hiện của ST cũng
tạo ra sự đa dạng về phương thức mua - bán và trong chừng mực nào đó
cũng tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa ST và chợ truyền thống, từ đó nâng
cao chất lượng phục vụ trong toàn ngành thương mại. Vì vậy, NTD có thêm
sự lựa chọn và được hưởng lợi nhiều hơn. Hoạt động của ST còn bộc lộ
nhiều tồn tại. Đó là tình trạng hình thành tự phát theo ý riêng của chủ
đầu tư, chưa tuân thủ một quy hoạch thống nhất, từ đó hệ thống ST chưa
đồng bộ, chỗ thừa chỗ thiếu, trang thiết bị chưa đạt chuẩn, nhất là nếu
đối chiếu với quy định xếp hạng, phân loại của cơ quan quản lý. Nhiều ST
chưa đủ diện tích kho, bãi, hệ thống giao thông nội bộ nên đôi khi gây
ra ách tắc giao thông cục bộ…
Trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 200 điểm kinh doanh treo biển ST, nhưng
theo tôi chỉ có khoảng 30% trong số này đủ điều kiện là ST.
 |
Các siêu thị bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được người dân tín nhiệm. Ảnh: Phương Nguyên |
- Vậy luật sẽ tạo ra cú hích để bên mua và bên bán cùng nâng cao nhận thức?
- Về lý thuyết là như vậy. Theo tôi một ST muốn phát triển phải cầu thị
và phải tuân thủ quy định của pháp luật để có thái độ ứng xử, coi khách
hàng đúng là "thượng đế". Họ phải xác định tinh thần là sẵn sàng chịu
trách nhiệm đến cùng với hàng hóa bán ra. Việc tuân thủ luật cũng là
cách ST tự bảo vệ và quảng bá thương hiệu cho mình. Luật sẽ là tác nhân
để mỗi ST nghiêm túc nhìn lại mình, từ đó chủ động vươn lên, không ngừng
nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt là tôn trọng quyền lợi khách
hàng.
NTD sẽ tìm hiểu, nhận biết rõ hơn về quyền lợi, nhất là biết cách yêu
cầu bên bán hàng bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình. Luật cũng sẽ góp
phần vào sự hình thành tập quán, cách hành xử mới cho NTD là thực hiện
quyền khiếu kiện khi bị xâm hại. Điều này sẽ từng bước giảm số trường
hợp NTD rơi vào cảnh ấm ức, mang tâm lý e ngại phiền hà, sợ mất thời
gian rồi đi đến quyết định "tiêu cực" là không "bắt đền" cơ sở kinh
doanh khi bị xâm hại quyền lợi. Và đã đến lúc NTD sử dụng quyền "chấm
điểm" các ST.
- Theo ông, các ST phải làm gì để luật đi vào cuộc sống đạt hiệu quả?
- Luật ra đời là việc quan trọng, nhưng làm thế nào để thực hiện có hiệu
quả là cả vấn đề lớn. Đã có trường hợp có luật hoặc quy định nhưng lại
chậm, thậm chí không thể vào cuộc sống, gây phản cảm cho xã hội do thiếu
hướng dẫn hoặc hướng dẫn không phù hợp. Riêng với luật này, cơ quan
chức năng cần nghiên cứu kỹ và thấu đáo để soạn thảo nghị định, thông tư
hướng dẫn thi hành phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là xem xét cụ
thể từ hai phía để xác định quyền lợi, nghĩa vụ của bên bán và bên mua
hàng, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền lợi NTD. Nội dung nghị định, thông
tư phải đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện, tránh những nội dung
chung chung, dàn trải, không rõ trách nhiệm, nhất là tình trạng lửng lơ
khiến người đọc muốn hiểu hay vận dụng thế nào cũng được. Bên cạnh việc
thực thi nghiêm luật, các cấp quản lý cần theo sát diễn biến tình hình
nhằm kịp thời động viên, khen thưởng những đơn vị làm tốt và xử lý nặng,
cũng như công khai những ST vi phạm để NTD biết, lựa chọn đúng địa chỉ
mua hàng.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo Hanoimoi.com.vn)