Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Năm 2020, 18% nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu của quy hoạch này là chỉ ra được nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ của nhân lực đất nước; phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh quốc tế; đồng thời nêu ra các giải pháp phát triển nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực và từng bước tiến tới chuẩn quốc tế.
Cụ thể hơn, quy hoạch hướng tới mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nhân
lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau
từ mức 40% năm 2010 lên mức 70% năm 2020, trong đó tỷ lệ nhân lực qua
đào tạo ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%;
ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56%; ngành
dịch vụ tăng từ 67% lên 88%. Ngoài ra, quy hoạch nhằm xây dựng được đội
ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất
nước.
Trong phương hướng phát triển, về cơ cấu bậc đào tạo, phấn đấu năm 2020,
số nhân lực đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng gần 24 triệu, chiếm khoảng
54% tổng số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế, con số tương ứng của
bậc trung cấp là khoảng gần 12 triệu người (khoảng 27%); bậc CĐ hơn 3
triệu người (khoảng 7%); bậc ĐH khoảng 5 triệu người, (khoảng 11%) và
bậc trên ĐH khoảng 300 nghìn người (0,7%).
Năm 2020, cả nước có khoảng 220 nghìn cán bộ lãnh đạo, trong đó số người
có trình độ từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ là 147 nghìn người; đội ngũ
công chức, viên chức có khoảng 6 triệu người, trong đó có trình độ từ
cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ khoảng 3,8 triệu người, chiếm 63% tổng số công
chức, viên chức cả nước; có khoảng 154 nghìn cán bộ KHCN, trong đó số
người có trình độ trên ĐH khoảng 40 nghìn; tổng số cán bộ y tế có khoảng
500 nghìn người, trong đó số bác sĩ khoảng 96-97 nghìn người, đạt 52
cán bộ y tế 10 nghìn dân...