Những khoảng tối của làng công nghệ 2011
Phần còn lại của năm xem ra còn sôi động hơn với tin đồn về hai mẫu
iPhone mới sắp ra mắt, thế hệ dế Windows Phone 7 của Nokia ra mắt và hệ
điều hành iOS5 của Apple.
Tuy nhiên, một đồng xu bao giờ cũng có hai mặt. Năm 2011 cũng đã chứng
kiến không ít thất bại và sự thất vọng lớn. Một mẫu smartphone dù chưa
phát hành đã lặn sủi tăm, mẫu tablet bị chê nhiều hơn khen PlayBook của
RIM, một video game rất được chờ đợi lại khiến dân tình ngáp ngắn ngáp
dài. Dưới đây là những cú bước hụt đáng nói nhất của năm 2011, tính đến
thời điểm này.
1. Máy tính bảng Dell Streak 7
Phiên bản hậu duệ của Streak 5-inch dù có cải tiến nhưng vẫn bị chê tới
tấp vì lỗi phần mềm, giao diện nghèo nàn và màn hình phân giải thấp. Tuy
nhiên, nguyên nhân chính khiến Dell Streak 7-inch thất bại là vì giá
thành của nó: 199 USD kèm theo hợp đồng thuê bao dịch vụ 2 năm, hoặc 350
USD cho phiên bản chỉ có Wi-Fi không khóa.
2. Facebook
Ngày 14/1, Facebook phát đi thông báo trên trang blog dành cho giới phát
triển rằng các ứng dụng Facebook sẽ phải yêu cầu người dùng khai báo
địa chỉ nhà và số điện thoại di động. Thông tin này ngay lập tức làm dấy
lên những lời chỉ trích từ giới bảo mật và những người bảo vệ quyền
riêng tư, bởi các ứng dụng hiểm độc có thể sử dụng thông tin này để tấn
công người dùng. 7 ngày sau, Facebook phải thay đổi quyết định và hoãn
thi hành chính sách mới.
3. Điện thoại Windows Phone 7
Giới công nghệ rất khen ngợi hệ điều hành Windows di động mới do độ nhạy
cao, giao diện Metro sáng tạo, tích hợp sâu với Xbox... tuy nhiên cho
tới thời điểm này, người dùng lại không nghĩ như vậy và cũng không chịu
bỏ tiền ra mua. Hãng nghiên cứu thị trường Gartner cho biết Microsoft
chỉ bán được 1,6 triệu chiếc điện thoại Windows Phone trong 3 tháng đầu
năm 2011, trong khi hãng comScore ước tính các thiết bị di động của
Microsoft chỉ chiếm khoảng 5,8% thị phần smartphone tại Mỹ, tụt giảm so
với 13,2% hồi năm ngoái.
Ngoài ra, Windows Phone 7 còn bị chê vì chậm phát hành bản cập nhật để
cải tiến các chức năng của mình. Tháng 5 vừa qua, Microsoft công bố
phiên bản Mango sẽ phát hành vào mùa thu và hỗ trợ đa nhiệm, trình duyệt
web mới cùng một hòm email hợp nhất.
4. iPad thiếu đối thủ
Bất chấp một làn sóng máy tính bảng ồ ạt đổ bộ xuống thị trường như
Samsung Galaxy Tab, Motorola Xoom, LG Optimus Pad, tablet Android vẫn
chưa gây được sức ép nào đáng kể đến ngôi vị độc tôn của iPad. Trong khi
Apple bán được hàng triệu máy tính bảng ipad thì tablet Android chỉ bán
được vài ngàn máy.
Tháng Hai vừa qua, Google đã trình diễn hệ điều hành Android 3.0 dành
riêng cho môi trường máy tính bảng và Motorola Xoom chính là tablet đầu
tiên được trang bị nền tảng này. Tuy nhiên, 5 tháng đã trôi qua nhưng
Android 3.0 cũng chẳng làm thay đổi tình hình nhiều lắm. Android dù rất
cố gắng nhưng dòng máy tính bảng duy nhất mà người dùng đang quan tâm
vẫn là iPad.
5. Máy tính bảng PlayBook của RIM
PlayBook là một trong số hiếm hoi những điểm sáng trong kết quả kinh
doanh gần nhất của RIM khi bán được 500.000 máy trong quý xuất xưởng đầu
tiên. Tuy nhiên, dòng tablet này lại bị chỉ trích vì chưa hoàn thiện,
phần mềm bị lỗi và người dùng phải cài thêm rất nhiều bản update phần
mềm sau khi mua. Nó cũng thiếu một ứng dụng email tối ưu - một nhược
điểm thật mỉa mai vì toàn bộ công việc kinh doanh của RIM vốn được xây
dựng trên nền tảng email.
6. Dropbox
Năm ngoái, người dùng công nghệ rất tán thưởng Dropbox vì đây là một
công cụ lưu trữ tài liệu và truy cập tài liệu trực tuyến hết sức đơn
giản, dễ dùng, nhanh chóng. Tuy nhiên, sang đến năm 2011, mọi sự đã thay
đổi sau khi Dropbox bị cáo buộc đã lừa dối người dùng về khả năng mã
hóa dữ liệu. Thậm chí ngay cả nhân viên của hãng cũng không thể truy cập
được vào ứng dụng lưu trên máy chủ Dropbox.
Đến tháng 6, Dropbox lại vô tình tắt cơ chế bảo vệ bằng mật khẩu trong
suốt 4 tiếng. Trong thời gian đó, bất cứ ai cũng có thể đăng nhập vào
bất cứ tài khoản nào mà không cần phải nêu mật khẩu.
7. Scandal bảo mật của Sony
Hàng rào bảo mật cho các website của Sony trên toàn thế giới đã trở
thành một trò hề lố lăng kể từ sau ngày 20/4, khi hãng này liên tiếp
phải hứng chịu các vụ tấn công của hacker. Mở màn là PlayStation
Network, rồi đến website của các chi nhánh con... Hơn 100 triệu thông
tin người dùng đã bị đánh cắp trong vụ PlayStation Network, cùng thêm
rất nhiều dữ liệu nhạy cảm của Sony Online Entertainment, Sony Pictures,
Sony Nhật Bản, Sony Music...
8. Nokia N9
Thành thật mà nói, Nokia N9 là một smartphone tuyệt vời với thiết kế
tuyệt đẹp, giao diện nhạy và bóng bảy, cấu hình đáng ngưỡng mộ với màn
hình AMOLED 3,9 inch, camera 8 chấm, vi xử lý 1GHz, RAM 1GB.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của N9 lại là việc nó sử dụng hệ điều hành
MeeGo, một nền tảng nguồn mở do Nokia hợp tác với Intel. Nokia cũng
tuyên bố hồi tháng 2 là sẽ không sản xuất thêm bất cứ mẫu điện thoại
MeeGo nào, mà thay vào đó sẽ lựa chọn vWindows Phone 7. Chính điều này
đã khiến giới phân tích phải tự hỏi, có lý gì mà lại mua N9 khi mà hệ
điều hành của nó không có tương lai gì?
(Theo Vietnamnet.vn)