Thứ năm, 28/07/2011 08:37
Nghiên cứu, học tập nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI của Đảng: Suy nghĩ về vai trò gia đình và xây dựng con người ở Thủ đô hôm nay
1. "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)” đã nhấn mạnh phải xây dựng gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội (1).
Cương lĩnh cũng chỉ rõ quan điểm của Đảng ta về vị trí, vai trò
của yếu tố con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước: "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là
chủ thể phát triển" (2). Như thế, con người vừa là động lực, vừa là mục
tiêu của phát triển. Hay nói cách khác, mọi chủ trương, đường lối của
Đảng, pháp luật của Nhà nước đều có xuất phát điểm từ con người, thông
qua con người và vì con người.
Gia đình, xưa và nay vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong giáo dục
và hình thành nhân cách cho con cái. Gia đình hôm nay cần chuẩn bị những
gì cho họ? Đó là câu hỏi lớn, mà sự trả lời ấy lại không chỉ là của
riêng mỗi gia đình, mà của cả xã hội.

Gia đình có vai trò quan trọng để xây dựng con người ở Thủ đô hôm nay. Ảnh: Thái Hiền
2. Bồi đắp, hình thành những tố chất
nhân cách, đạo đức, tri thức, ý thức làm chủ bản thân, lối sống có văn
hóa của mỗi người luôn bắt đầu từ môi trường gia đình. Trong tâm lý, mọi
gia đình đều mong muốn các thành viên gia đình mình đủ sức hội nhập vào
xã hội với tư cách là một con người chân chính giữa đời. Nhưng, do tác
động của ngoại cảnh, do xuất phát điểm kinh tế - xã hội của mỗi gia đình
và nhất là do nhận thức khác nhau về trách nhiệm giáo dục con người,
nên "số phận" con người, "số phận" mỗi gia đình được biểu hiện trong xã
hội cũng khác nhau.
3. Phải chăng, trong điều kiện xã hội hôm nay, giáo dục sự ứng xử cho
mỗi thành viên trong gia đình, nhất là những thành viên nhỏ tuổi, đang
là một yêu cầu cấp thiết. Trong khuôn khổ gia đình, trước hết cần bồi
đắp cho con cái văn hóa ứng xử với chính mình (xử kỷ), ứng xử với người
khác, ứng xử với môi trường sống xung quanh đúng chuẩn mực.
Trong môi trường kinh kỳ với nền văn hóa sâu lắng tạo nên văn hiến quốc
gia, thái độ ứng xử của người Thăng Long đạt tới mức chuẩn mực của thanh
tao, lịch lãm đậm chất nhân văn và tất yếu tạo nên thần thái của cốt
cách người Thăng Long - Hà Nội xưa, mà người đời gọi là thanh lịch. Cách
ứng xử với công việc, với người khác, với môi trường của người dân
Thăng Long luôn toát lên tính tự chủ, tạo niềm tin và thân thiện.
Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia,
trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, đầu mối giao
dịch quốc tế. Nhưng chính vị thế ấy đòi hỏi người dân Hà Nội hôm nay
phải vượt lên chính mình, phát huy giá trị thanh lịch người Thăng Long
xưa, có trách nhiệm lớn đóng góp xây dựng giá trị thanh lịch thời hiện
đại bằng chính lối sống của mình.
4. Xét về yếu tố tầm nhìn trong chiến lược con người, gia đình có vai
trò quan trọng trong việc xây dựng những yếu tố thanh lịch, hiện đại của
người Hà Nội. Môi trường xã hội của Hà Nội hiện chứa đựng biết bao nhân
tố mang tính thời cơ nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy của tâm lý chỉ
vun vén cho quyền lợi cá nhân, ít chú ý đến lợi ích cộng đồng. Nhưng
đẩy lùi như thế nào, bằng cách nào là cả một câu hỏi lớn cho toàn bộ hệ
thống chính trị và cho mỗi người dân Thủ đô.
Vị trí, vai trò của những chủ nhân gia đình có ảnh hưởng rất lớn như một
tấm gương đối với các thành viên trong gia đình. Những tố chất của đạo
đức con người phải được giáo dục ngay từ trong gia đình với những yếu tố
sơ đẳng, giản đơn nhất, kèm theo những động thái ứng xử làm gương của
người lớn.
5. Hà Nội hôm nay có địa dư rộng lớn, không ít xã, thôn còn nghèo; tuy
tiềm năng các nguồn lực rất lớn, nhưng khai thác, sử dụng hiệu quả vẫn
đang là vấn đề đang được quan tâm rất nhiều; dân số xấp xỉ 6,4 triệu
người, hơn 4 triệu người sống ở nông thôn, khoảng cách giàu nghèo khá
lớn, tiến bộ và công bằng xã hội đang đòi hỏi được chú trọng một cách
thực tế hơn; hạ tầng kỹ thuật có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu
cầu phát triển, hạ tầng xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
vốn có; Hà Nội còn là tấm gương phản chiếu con người và văn hóa Việt Nam
trong con mắt người nước ngoài đang sống, làm việc và tham quan Thủ đô.
Thêm vào đó, những chủ thể phát triển của Hà Nội với những hệ thống,
thiết chế cụ thể chưa ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Đã đến
lúc mỗi người dân Thủ đô, trước hết là cán bộ, đảng viên ứng xử với
chính mình ngay ngắn hơn để thực sự là tấm gương sáng về nhân cách cho
thế hệ trẻ.
6. Thực tiễn Thủ đô đang đòi hỏi phải nhận thức cái thanh lịch của người
dân Thủ đô theo hướng bổ sung những tố chất hiện đại. Phải chăng, tính
hiện đại của thanh lịch, trước hết phải là ý thức xây dựng nhân cách và
tự giác chấp hành luật lệ, quy tắc của đời sống đô thị trong bối cảnh
hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng với tinh thần "tự luật". Sự làm gương
hằng ngày của bậc cha, mẹ và những thành viên lớn tuổi là phương thức
hiệu quả nhất trong giáo dục tinh thần "tự luật" cho con trẻ.
7. Xây dựng con người Hà Nội thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cốt
cách thanh lịch của người Thăng Long xưa, đương nhiên phải được chú
trọng triển khai qua nhiều thiết chế chính trị - văn hóa - xã hội. Nhưng
gia đình là thiết chế cơ bản, luôn là, mãi là điểm khởi nguyên sự hình
thành tố chất nhân cách cho mỗi người. Trong phong trào Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa, thì điểm nhấn phải là xây dựng gia phong.
Có lẽ cần nghiêm túc đánh giá, tổng kết và đưa phong trào này phát
triển theo hướng thực chất hơn. Một câu hỏi làm trăn trở bao người là Hà
Nội có tỷ lệ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa cao, mà sao ở ngoài đường,
công sở, trường học, chợ lại có nhiều hiện tượng thiếu văn hóa thế. Có
lẽ ở đây phải giải quyết thấu đáo các mối quan hệ: Tiêu chuẩn và sự đánh
giá; thực chất và hình thức; tự giác và trách nhiệm của các cấp chính
quyền và các gia đình.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|