Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức trong hai ngày 28, 29/7,
nhằm triển khai sáng kiến của Việt Nam về tăng cường hợp tác APEC trong
lĩnh vực phòng chống và ứng phó, giảm nhẹ thảm họa do thiên tai, lũ lụt
gây ra.
 |
Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khiến triều cường
xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền nuốt chửng nhiều nhà dân ven biển
miền Trung. Ảnh: Trí Tín |
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tác
động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang làm cho thiên tai ngày bất
thường và khốc liệt hơn, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh
tế và xã hội. Riêng Việt Nam hằng năm phải chịu tác động nặng nề của
nhiều loại hình thiên tai, nhất là bão, lũ. Theo số liệu thống kê trong
10 năm gần đây, trung bình mỗi năm thiên tai ở Việt Nam đã cướp đi 450
người, thiệt hại về kinh tế ước tính từ 1,2 đến 1,5 GDP, trong đó lũ lụt
đã làm 270 người chết và mất tích.
Các chuyên gia nhận định, mực nước biển
dâng với kịch bản 1 m vào năm 2100, thì 10% dân số của Việt Nam bị ảnh
hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40 nghìn km2
đồng bằng ven biển sẽ bị ngập hàng năm. Đặc biệt, đối với đồng bằng sông
cửu Long, khoảng 70% diện tích đất bị xâm nhập mặn, mất chừng 2 triệu
ha đất trồng lúa, thời gian ngập úng có thể kéo dài từ 4 đến 5 tháng,
38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị
nhiễm mặn, sẽ có 8,5 triệu người bị mất nhà ở.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học lo ngại: "Việt Nam là một trong nhóm
các nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Do
vậy, các nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế cần tích cực
trao đổi thông tin, tìm kiếm những bài học thực tiễn tốt, kinh nghiệm
quản lý ứng phó với tình trạng lũ lụt, qua đó góp phần hình thành, xác
định tầm nhìn mới cho các nền kinh tế thành viên APEC về công tác quản
lý lũ lụt trong thời gian tới".
Ông Học cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn đang phối hợp với các Bộ ngành triển khai nghiên cứu xây dựng
luật Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai; thực hiện chiến lược quốc gia
phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao nhận thức và quản lý thiên
tai dựa vào cộng đồng trên pham vi cả nước, xây dựng hệ thống công trình
phòng tránh thiên tai.
Đại diện Trung Quốc, Indonesia, Mỹ, Asutralia và nhiều
thành viên khác đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác dự báo, ứng
phó, giám sát và phục hồi sau lụt bão, cũng như những công nghệ mới nhằm
giảm thiểu tác động của lũ lụt quy mô lớn. Nhật Bản thông tin về kinh
nghiệm trong việc thiết lập bản đồ lũ lụt và các bài học trong công tác
khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất, sóng thần tháng 3 vừa qua.
Đại sứ Muhamad Noor Yacob, Giám đốc điều hành Ban thư
ký APEC đã đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, đồng thời cho rằng:
"Phòng chống và đối phó với thiên tai là một trong những ưu tiên hàng
đầu của APEC. Trong thời gian tới, APEC sẽ tiếp tục dành ngân sách để hỗ
trợ cho các dự án hợp tác, xây dựng năng lực về đối phó với thiên tai
và các tình trạng khẩn cấp".
Hội thảo lần này là một trong những hoạt động quan
trọng nhằm triển khai kế hoạch hành động của Nhóm công tác APEC về đối
phó với tình trạng khẩn cấp. Trọng tâm ưu tiên của APEC năm 2011 là
phòng chống và đối phó với thiên tai. Kết quả thảo luận và những khuyến
nghị từ hội thảo sẽ được trình lên Hội nghị các quan chức cao cấp APEC
diễn ra tháng 9 tại San Fransisco và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao -
Kinh tế APEC lần thứ 23 được tổ chức vào tháng 11 sắp tới tại Hawaii,
Mỹ.
(Theo Vietnamnet.vn)