Thứ hai, 01/08/2011 08:35
Vững bước vào ngày mới
Hôm nay ngày 1-8-2011. Cũng vào ngày này cách đây 3 năm, người Hà Nội, Hà Tây (cũ) và đồng bào cả nước đón nhận một quyết định mang tầm vóc lịch sử: Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội chính thức có hiệu lực, theo đó, hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây (cũ) huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc cùng 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về Hà Nội.
Thủ đô đã rộng lớn hơn. Chưa nói đến nguồn lực con người, nguồn lực văn
hóa chỉ tính riêng diện tích tự nhiên mà Thủ đô có thêm, cũng đủ góp
phần giúp cho các dự án quy hoạch, phát triển Hà Nội với tầm nhìn đến
năm 2050 và cả cho những thế kỷ sau vốn ngày nào chỉ nằm trong ý tưởng
của các nhà hoạch định chính sách, giờ đã thành hiện thực.

Đường Lê Văn Lương kéo dài đang hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ảnh: Linh Ngọc
Ba năm, quãng thời gian chưa dài; nhưng
những việc làm của một Đảng bộ mà bước đầu được hợp nhất theo phép cộng
đơn thuần cũng đủ nói lên quyết tâm lớn lao của tập thể Ban chấp hành
Đảng bộ ngày hợp nhất. Những quyết định đầu tiên nếu không muốn nói là
những xáo trộn đầu tiên đã đánh thức ở mỗi cán bộ, đảng viên trách nhiệm
và nghĩa vụ một cách đầy đủ nhất.
Trong thử thách mới biết ai chính trực, lúc khó khăn mới thấu được tình
người. Chính từ công việc, các chân giá trị thêm một lần được khẳng
định, để thêm một lần vai trò then chốt của công tác tổ chức cán bộ được
nhìn nhận, khẳng định một cách khách quan hơn, trung thực hơn và cũng
quyết liệt hơn.
Ba năm, những cán bộ đã được "quăng vào lửa" ai còn trụ được để vượt
lên, ai tự biết mình không đảm đương nổi công việc… dường như đều biết
chọn cho mình cách ứng xử phù hợp nhất. Không phải tất cả đã toàn mỹ.
Đây đó, ở một vài cơ sở, ban, ngành, đoàn thể, những chuyện va vấp trong
nếp nghĩ, cách làm dường như là quy luật tự nhiên của quá trình ráp
nối, để cũng lại từ đó nảy thêm nhiều nhân tố mới. Mà sự thành công của
Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV là một minh chứng.
Tất cả những điều ấy nói lên rằng dù làm việc gì, ở đâu, công tác tổ
chức cán bộ vẫn luôn là yếu tố quyết định của mọi sự thành bại.
Ba năm đã qua. Thủ đô giờ có thêm những ban, ngành mang tính đặc thù rõ
nét khi mà đất Thăng Long vốn là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị và
văn hóa. Với Hà Nội, cái lớn nhất ấy chính là văn hóa. Nhiều thế hệ
người Kinh kỳ luôn gắng gìn giữ, phát huy những giá trị cao đẹp tích tụ
từ những tinh hoa của dân tộc.
Những di sản văn hóa dù là vật thể hay phi vật thể vốn có của Hà Nội lại
được sự đóng góp của văn hóa xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng đã, đang và
sẽ làm phong phú thêm truyền thống của văn hóa Kinh kỳ.
Nhưng, Hà Nội lại là nơi tiếp nhận, giao thoa nhanh nhất những màu sắc
văn hóa bốn phương. Cái khác biệt của tâm lý dân tộc, tập quán phong tục
đang vỡ dần, để cùng làm xáo trộn không ít chất hào hoa, thanh lịch của
đất Thăng Long. Và, Hà Nội đã nhận ra điều ấy để tìm cho mình lời giải
trong tiến trình hội nhập và phát triển mới.
Ba năm, vật lộn trong những bài toán hóc búa của quá trình hoàn thiện
một quy hoạch hạ tầng, phù hợp với định hướng phát triển Thủ đô, Hà Nội
đã dám làm, nếu không muốn nói là dũng cảm làm khi từ bỏ những dự án ít
tính khả thi, thiếu tầm nhìn hoặc không phù hợp để giữ lại cho Thủ đô
những mảng màu dịu xanh màu lá, giờ đã nghe ríu rít cả tiếng chim.
Hà Nội cũng đã quyết và sẽ làm được khi tới đây có thêm nhiều trường đại
học, cao đẳng, các nhà máy, xí nghiệp sẽ chuyển khỏi nội thành, để
không phải những khu đất vàng ấy dành cho các cao ốc đủ loại chen chúc
nhau đến ngộp cả khí trời. Bởi, trẻ em Thủ đô không thể vì một lý do gì
lại thiếu chỗ học tập, vui chơi.
Ngay cả với các cơ sở khám, chữa bệnh, những trung tâm y tế lớn của đất
nước đang tập trung khá dày đặc tại nhiều khu vực nội thành, câu trả lời
cho bài toán chăm sóc và chữa trị bệnh cho người dân cũng đã và đang
được Hà Nội xem xét một cách nghiêm túc.
Trong định hướng phát triển chung của Thủ đô, vẫn biết Hà Nội đã và sẽ
mãi là trung tâm đầu não về chính trị của cả nước; bởi thế, không chỉ
Đảng bộ Hà Nội mà mọi người dân Thủ đô luôn biết mình sẽ phải làm gì,
chấp nhận điều gì cho một Thủ đô hiện đại mà không mất đi bản sắc, văn
minh mà vẫn đậm nét cổ truyền.
Ba năm đã qua. Dẫu không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá,
nhưng Hà Nội biết đất Kinh kỳ vẫn là một trung tâm kinh tế lớn của cả
nước. Chính vì thế, sau ngày hợp nhất, Hà Nội đã làm tất cả giữ cho hài
hòa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, nâng cao mọi mặt
đời sống của nhân dân, tạo việc làm tại chỗ và ổn định cho mọi tầng lớp
dân cư, Hà Nội đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần
kinh tế, chọn cho mình nhiều cách làm phù hợp để bên cạnh các khu công
nghiệp, khu chế xuất, những làng nghề truyền thống không mai một mỗi
ngày.
Một thành phố đã có tới 6,5 triệu dân, trải rộng trên một địa bàn với
nhiều đặc điểm về bố trí dân cư, về nhận thức dân trí, về nếp sống sinh
hoạt vừa là điều kiện thuận lợi cho hội nhập và phát triển vừa đặt ra
những thách thức không nhỏ cho công tác bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.
Ba năm đã qua, cái bình yên vốn có của nhiều làng xóm xưa đã đón thêm
cái ồn ã của không khí công trường, để cũng bất ngờ nảy sinh nhiều điều
mà người nông dân quen "tắt lửa tối đèn" có nhau giờ đôi khi bỗng trở
thành xa cách. Thế trận lòng dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự
cũng đổi thay nhiều, để được đề cập cụ thể hơn, sâu sát hơn trong mỗi
quyết định của Đảng bộ Hà Nội.
Hà Nội đang đứng trước những vận hội mới, nhưng cũng là những thử thách
mới. Nhìn lại 3 năm đã qua để vững bước vào ngày mới, để mỗi người dân
Thủ đô ý thức rõ hơn trách nhiệm công dân, quyết định xây dựng Hà Nội
xanh hơn, đẹp hơn, sạch hơn, hiện đại và văn minh hơn, để không chỉ
người Hà Nội mà người dân cả nước, bạn bè quốc tế có dịp về với mảnh đất
Thăng Long, thấy ấm lòng hơn.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|