Nhiều nhà phân tích đã không sai khi dự báo rằng, vài phiên giảm nhẹ
hoặc đi ngang của giá vàng trong những ngày qua dưới áp lực chốt lời sẽ
sớm kết thúc khi thực tế đã xuất hiện những động lực đẩy giá vàng tiếp
tục đi xa hơn. Thất bại của các nhà lập pháp Mỹ nhằm cài đặt lại chiếc
đồng hồ nợ ở New York khỏi ngưỡng kịch sàn 14.300 tỷ USD đã khiến biểu
tượng hùng mạnh của nước Mỹ là đồng USD đổ đèo suốt nhiều ngày qua.
Theo đúng quy luật tất yếu của vòng quay tiền tệ, dòng vốn sẽ phải tìm
nơi trú chân an toàn hơn như dầu mỏ hay kim loại hiếm. Thế nhưng, tin
xấu báo về là tăng trưởng GDP Mỹ quý II chỉ đạt 1,3%, thấp hơn dự đoán
1,7% và theo đà này, GDP quý tới cũng khó đạt mục tiêu 3,1% đã đề ra. Do
đó, hy vọng kiếm lời ở dầu thô đã tan biến khi các nhà đầu tư tin rằng
một nền kinh tế giật lùi sẽ không thể là triển vọng tốt cho khả năng
tiêu thụ nhiên liệu. Tại New York, giá dầu trượt mạnh gần 2% xuống điểm
đáy của hai tuần để các hợp đồng đứng ở mức 95,70 USD/thùng. Tâm lý càng
đè nặng khi từ Phố Wall, chứng khoán Mỹ xác lập tuần giảm điểm mạnh
nhất trong năm với kỷ lục thuộc về Dow Jones là 4,2%, khiến giới buôn
"chứng" khắp thế giới gánh thêm thất bát. Vậy là, thói quen cũ lặp lại,
vàng một lần nữa chói sáng như một lựa chọn an toàn duy nhất để các
luồng tiền dừng chân trong đoạn trường kinh doanh đầy cạm bẫy từ các
khối nợ lơ lửng và một nền kinh tế toàn cầu quá nhiều trắc trở.
Cho dù xu hướng đổ xô về "miền đất hứa" đã khiến kim loại quý nhận thêm
1,9% giá trị trong tuần và tăng đến 128,40 USD/ounce so với tháng 6,
song giới phân tích nhận định, những cú đột phá của giá vàng vẫn đang ở
phía trước. Có thể chịu sức ép tạm thời ngay khi xứ Cờ hoa tìm thấy sự
đồng thuận về mức trần nợ mới, nhưng về lâu dài, vàng vẫn được xem là
chiếc mỏ neo chắc chắn ghìm giữ giá trị tài sản trong giai đoạn sóng gió
của kinh tế thế giới. Nếu cơn sốt vàng đang giữ nhiệt lượng ở khắp các
lục địa có dịu bớt cùng với sự hạ hỏa của các điểm nóng từ Mỹ đến châu
Âu thì sự cuồng nhiệt với vàng sẽ không dễ đảo ngược khi nó hấp dẫn từ
các tầng lớp đầu tư mới vốn chỉ quen với tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu,
cổ phiếu đến các ngân hàng trung ương mất lòng tin buộc phải đa dạng
hóa nguồn dự trữ. Trong hơn một năm qua, sự trở lại của các nhà đầu tư
khổng lồ được cho là lớn nhất trong 21 năm trở lại đây về vàng là những
ngân hàng trung ương đã tác động mạnh đến cục diện thị trường vàng thế
giới. Bên cạnh nhà nhập khẩu số 1 thế giới là Ấn Độ đã mua vào 286 tấn
vàng trong quý I, tăng gần 10% so với năm trước, tin về nhu cầu vàng của
Trung Quốc sẽ tăng khoảng 20% lên 700 tấn trong năm nay, so với 570 tấn
năm 2010 và nâng dự trữ vàng từ mức 1.054 tấn lên 8.000 tấn, đã củng cố
lòng tin của giới đầu tư vào sự ổn định của cái gọi là "kim bản vị".
Vì vậy, dù giá vàng có phi nước đại trong thời gian tới thì cũng khó
khiến các nhà đầu tư sợ hãi. Châu Âu vùng vẫy trong nợ nần, nước Mỹ chưa
hết căng thẳng về ngân sách, châu Á và một số quốc gia mới nổi Mỹ Latin
vẫn chạy đua với lạm phát… cho thấy chuỗi tăng của giá vàng xem ra thật
khó dừng. Tất cả đang cho thấy, thị trường đã sẵn sàng đón nhận những
bước nhảy mới của vàng chừng nào các bến đỗ an bình hơn chưa được thiết
lập trong đại dương kinh tế thế giới.