Thái độ trước sau về tranh chấp tại biển Đông của Mỹ những năm gần
đây tương đối nhất quán: trung lập trong hồ sơ tranh chấp về chủ quyền
đảo, và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải, đồng nghĩa với việc phản đối
các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển. Lựa chọn
này được đánh giá từ góc nhìn Wasington là hợp lý, vì đảm bảo lợi ích
của Mỹ và tránh dính líu trực tiếp vào tranh chấp của các bên liên quan.
Nay với nhập nhằng về hai số sơ biển - đảo và động thái vươn lên thách
thức của Trung Quốc, lựa chọn này với Mỹ dường như đụng trần. Câu hỏi
sắp tới của chính phủ Obama tại biển Đông tập trung làm sao để kết hợp
hai mục tiêu thành một.
Một diễn đàn đa phương giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ do các
nước bên thứ ba đứng ra làm người trung gian, mà Mỹ cộng tác, ủng hộ hay
giữ vai trò đồng điều phối với ASEAN có thể sẽ là một cách tiếp cận.
Không tham gia vào tranh chấp chủ quyền, nhưng tham gia vào giải quyết
tranh chấp chủ quyền không những đảm bảo về lợi ích, mà còn tạo lại đồng
thuận về sự hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương. Đặc biệt từ phản ứng
tích cực của các đồng minh và các nước trong vùng. Nhật Bản và Úc đã đưa
ra quan ngại về tình hình tại biển Đông và ủng hộ phương thức đa
phương. Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật trong một bài viết nhấn mạnh rằng
Nhật và Mỹ cần tích cực hỗ trợ ASEAN trong vấn đề gia giảm căng thẳng.
Mới đây bảy nước thành viên ASEAN, gồm Việt Nam, Philippines,
Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Singapore đã cùng nêu lên tiếng
nói chung tại New York, kêu gọi một giải pháp hòa bình và vận dụng công
ước của Liên Hiệp Quốc trong giải quyết các tranh chấp. Hành động này
chứng tỏ một liên kết nội khối trong điều kiện cần thiết là hoàn toàn có
thể và khẳng định lại lời đại sứ chủ tịch ASEAN 2011 Indonesia đề cao
yếu tố tham gia của "thành phần thứ ba" trong quá trình tìm ra giải
pháp.
Từ góc nhìn các nước ASEAN, gắn lợi ích các thế lực bên ngoài vào một
định chế sẽ tạo ra cơ hội tốt để thực hiện "cân bằng quyền lực mềm"
(soft balancing), giúp giảm bớt khoảng cách sức mạnh với Trung Quốc.
Quan trọng hơn, vũ khí lúc này tập trung vào xây dựng luật pháp, thể chế
và chuẩn mực hành vi. Chiến hạm vẫn chạy, súng có thể lên nòng, nhưng
ít nhất là từ ngoài xa trăm dặm. Giải pháp cho biển Đông lúc đó không
phải là một chạy đua vũ trang hay thiết lập liên minh quân sự để cân
bằng lực lượng, mà đó chỉ là phương tiện giữ nhiệm vụ như một biện pháp
phòng ngừa và răn đe để buộc tất cả các bên ngồi vào đàm phán.
Siêu cường trong tư thế lưỡng nan về ngân sách có thể đặt kỳ vọng
nước Mỹ đứng ra như một người điều phối toàn bộ quá trình định chế hóa
trong một câu trả lời tương đối, và cần thiết những nguồn lực khác bổ
sung.
Sức mạnh của công luận quốc tế
Nhắc lại, trong một cộng đồng tôn trọng luật, thì công luận cũng là
một người chấp pháp. Hiện diện của sức mạnh trong văn cảnh này đến từ
đạo đức và luật pháp, thể hiện rõ nét nhất qua tiếng nói ủng hộ và phản
đối từ cộng đồng quốc tế trước những hành vi đi ngược lại các giá trị
chung. Một trong số đó rõ ràng là chống giải quyết vấn đề bằng vũ lực,
cũng như hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia.