Thứ năm, 04/08/2011 08:27
Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ
Sáng 3-8, Quốc hội họp phiên toàn thể, tiếp tục phần việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng đã báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội
(ĐBQH) về dự kiến nhân sự các phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành
viên khác của Chính phủ. Về nội dung này, qua thảo luận, đa số các ĐBQH
nhất trí hoàn toàn với tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Qua giải
trình thêm của UBTVQH, các ĐBQH đã nhất trí tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn
đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các
bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các thành viên Chính phủ. Ảnh: Viết Thành
Theo kết quả bỏ phiếu, Quốc hội đã phê chuẩn 4 Phó Thủ tướng Chính phủ
nhiệm kỳ khóa XIII gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc (95,2% số phiếu
tán thành); Hoàng Trung Hải (93,8% số phiếu tán thành); Nguyễn Thiện
Nhân (91,6% số phiếu tán thành) và Vũ Văn Ninh (81,8% số phiếu tán
thành). Quốc hội đã phê chuẩn chức vụ các bộ trưởng, gồm: Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng Phùng Quang Thanh (97,4% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ
Công an Trần Đại Quang (95% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Phạm Bình Minh (94% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn
Thái Bình (87,4% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
(96,2% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang
Vinh (87,4% số phiếu tán thành), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
(90,2% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (91%
số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Cao Đức Phát (93,6% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Đinh La Thăng (71,2% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh
Đình Dũng (92,2% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường Nguyễn Minh Quang (80,8% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (90,4% số phiếu tán thành); Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền (63,2% số phiếu
tán thành); Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh
(81% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân
(92,8% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ
Luận (74,4% số phiếu tán thành); Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
(79,2% số phiếu tán thành). Quốc hội cũng đã phê chuẩn các thủ trưởng cơ
quan ngang bộ thuộc Chính phủ, gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Giàng Seo Phử (96% số phiếu tán thành); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam Nguyễn Văn Bình (92% số phiếu tán thành); Tổng Thanh tra Chính
phủ Huỳnh Phong Tranh (91,2% số phiếu tán thành) và Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (92,6% số phiếu tán thành). Với kết quả
kiểm phiếu như trên, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị
của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ
trưởng và các thành viên khác của Chính phủ với 98,4% số đại biểu tán
thành.
Ngay sau khi các thành viên Chính phủ ra mắt Quốc hội, Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ phát biểu nhậm chức
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ
trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội
đồng Quốc phòng và An ninh. Theo tờ trình của Chủ tịch nước, Hội đồng
Quốc phòng và An ninh có Phó Chủ tịch là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng và các ủy viên là: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, tuyệt
đại đa số ý kiến ĐBQH tán thành, các vị được giới thiệu đã được bầu vào
các chức danh trên. Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết phê chuẩn
danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh với
97,2% số ĐBQH biểu quyết tán thành.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Chính phủ khóa XIII xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó
có chiến lược tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường
thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống của
người dân. Đây là một nội dung rất lớn. Về huy động nguồn lực, phần của
Nhà nước là quan trọng để định hướng đầu tư, nhưng còn phải huy động các
nguồn lực khác từ xã hội, thông qua các cơ chế chính sách, tạo điều
kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước, người dân
tham gia vào đầu tư. Đồng thời phải tranh thủ các nguồn vốn của nước
ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước cần, trên cơ sở bảo đảm an
ninh tài chính quốc gia. Đây là nguồn lực rất quan trọng, phải lựa chọn
từng nguồn vốn, đầu tư vào từng lĩnh vực hoặc từng dự án… bảo đảm trả
được nợ. Bên cạnh đó phải có cơ chế thông thoáng để cho xã hội tiết kiệm
thực sự, dành vốn để đầu tư.
Về vấn đề thuế, đây là nguồn thu của Nhà nước, nhưng thuế
lại là sản phẩm từ sản xuất, kinh doanh, nên quan điểm xây dựng chính
sách thuế trước hết phải bảo đảm được nguồn thu, đồng thời thúc đẩy sản
xuất, kinh doanh, chứ không phải thu thuế để người dân khó khăn. Vì vậy,
định hướng chiến lược thuế trong 10 năm tới là phải động viên để từng
đơn vị, doanh nghiệp hay người dân tích lũy được vốn, phát triển sản
xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả để tạo ra nguồn thu lâu dài, vững
chắc, mà trong giới tài chính thường gọi là "nuôi dưỡng nguồn thu". Bên
cạnh đó, công tác quản lý thu phải mở rộng đối tượng, phải làm sao chống
được thất thu, bảo đảm vừa công bằng, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách.
Về đầu tư đối với quy hoạch chung của Hà Nội, đây là vấn đề
dài hơi, đến 2030, thậm chí đến 2050. Theo tôi, phải xây dựng một quy
hoạch chi tiết theo từng lĩnh vực và từng ngành, trên cơ sở đó xây dựng
cân đối tổng thể để huy động các nguồn lực của bản thân Hà Nội và của cả
nước dành cho Hà Nội đầu tư dần và lựa chọn dự án quan trọng để làm
trước.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng: Xây dựng cơ chế đột phá
Kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông là điểm nghẽn đang được
tập trung chỉ đạo giải quyết, trong đó có đầu tư xây dựng hạ tầng, trước
hết là hạ tầng giao thông, giải quyết tai nạn giao thông và ùn tắc giao
thông.
Để thực hiện giải pháp đột phá trong đầu tư hạ tầng, ngành
giao thông phải xây dựng được cơ chế đột phá. Trước hết là cần đột phá
về cơ chế huy động nguồn lực, về phương thức và hình thức đầu tư, cũng
như đột phá về thủ tục triển khai dự án. Xây dựng cơ chế đột phá này là
điều kiện để bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện giải pháp đột
phá... Trước mắt, ngành giao thông ưu tiên giải quyết những địa bàn bức
xúc về giao thông (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) với hệ thống các giải pháp
đồng bộ. Đối với ngành giao thông, tôi nghĩ là phải phát triển, nâng cao
chất lượng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện vận tải cá nhân và
nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ý
thức tham gia giao thông của người dân phải thay đổi vì người dân vừa là
chủ thể, vừa là đối tượng tham gia giao thông.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Trung thực, trong sạch để thực hiện nhiệm vụ
Việc được bổ nhiệm chức danh Tổng Thanh tra Chính phủ là
vinh dự rất lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, bởi Tổng Thanh tra
Chính phủ vốn được xem là ghế "nóng", phải đối diện với nhiều vấn đề
nhạy cảm. Nhưng tôi tin, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp
lực của anh em trong cơ quan, cũng như ngành thanh tra cả nước và kinh
nghiệm, sức phấn đấu và quyết tâm của bản thân, tôi sẽ hoàn thành tốt
nhiệm vụ.
Trong quá trình thực hiện chức trách, chắc chắn tôi sẽ gặp
phải nhiều khó khăn nhưng đây cũng là nơi thử thách, rèn luyện để tích
lũy kinh nghiệm phục vụ tốt cho công việc. Tôi đã xác định, "thanh tra
là bạn của dân và tai mắt của trên". Vì mới nhận nhiệm vụ nên cũng nói
thật là tôi chưa biết lĩnh vực này có cám dỗ hay không nhưng tôi sẽ cố
gắng tránh, đồng thời giáo dục cán bộ công chức trung thành, trung thực,
trong sạch để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Cần phân cấp trách nhiệm trong đầu tư
Cắt giảm đầu tư công là một trong những giải pháp để kiềm
chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, tới đây phải tiếp tục
thực hiện. Cụ thể là phải phân bổ, điều chỉnh, tiết giảm vốn đầu tư phát
triển trong năm 2011, đồng thời tiết giảm, thu hẹp đầu tư.
Trong thực tế đã có tình trạng đầu tư nhiều sân gôn, cảng
biển, sân bay… Do vậy, vấn đề quy hoạch phải được thực hiện một cách
quyết liệt. Những cảng biển đơn thuần là bến đỗ thì cho phép các tỉnh tự
quyết định và tự lo vốn, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào những cảng
quốc tế, cảng trung chuyển lớn. Sân bay, đường cao tốc cũng làm theo
hướng này. Lãnh đạo các địa phương đều muốn địa phương mình phát triển,
nhưng với vai trò là người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, tôi sẽ cố
gắng thuyết phục các địa phương bằng luận cứ khoa học để không xảy ra
tình trạng phát triển ồ ạt. Tôi cho rằng, cần phân cấp việc gì thuộc
Chính phủ, việc gì thuộc Bộ trưởng hay thuộc UBND tỉnh để có đủ quyền
thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm.
Tư Đô lược ghi |
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|