Thứ sáu, 05/08/2011 08:30
Nhân lực cho ngành công nghệ thông tin: Cần sự liên kết nhà trường với doanh nghiệp
Có chế độ đãi ngộ tốt với mức lương hấp dẫn từ 500 USD/tháng trở lên nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) lớn ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với bài toán thiếu nhân sự chất lượng cao. Điều đó dường như mâu thuẫn khi nguồn nhân lực CNTT được đào tạo ra ngày càng nhiều.
Lý thuyết vẫn "lên ngôi"
Thực tế này đã kéo dài trong suốt nhiều năm qua, ngay cả khi số lượng
đào tạo nhân lực tại các trường ĐH, CĐ chuyên ngành về CNTT đã tăng gấp 3
cho đến 4 lần so với trước đây. Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng,
đào tạo CNTT ở các trường hiện chủ yếu dạy nguyên lý, giải quyết các bài
toán tổng quát. Nhiều sinh viên tốt nghiệp có kiến thức nền khá nhưng
thiếu thực tiễn, khả năng giao tiếp ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vẫn
còn yếu. Thêm vào đó, các kỹ năng mềm khác như khả năng trình bày, khả
năng chủ động, tư duy sáng tạo, làm việc nhóm và cập nhật công nghệ mới
còn rất yếu.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin rơi vào tình trạng thiếu nhân lực. Ảnh: N. Ánh
Ông Phan Phương Đạt, Phó Tổng Giám đốc
Công ty Phần mềm FPT cho biết, mỗi năm nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT
của đơn vị này tăng từ 30-40%. Cụ thể, năm 2011 dự định tuyển mới hơn
1.500 nhân viên, trong đó có 1.000 sinh viên mới tốt nghiệp thì đến năm
2020, con số này vào khoảng hơn 18.700 người. Tuy vậy, số tuyển dụng
thành công thường ở khoảng dưới 50% nhu cầu. "Ngay cả khi tuyển dụng
xong, DN xác định đối tượng sinh viên mới ra trường phải qua đào tạo lại
ba tháng. Ngoài việc làm quen với văn hóa DN, các quy trình làm việc,
họ bắt buộc phải ôn luyện thêm về ngoại ngữ, công nghệ và những kỹ năng
mềm cần thiết khác như cách thức làm việc nhóm hiệu quả, phương pháp tư
duy sáng tạo" - ông Đạt nhấn mạnh.
Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Thành Nam, Trường ĐH Công nghệ (ĐH
Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Nguyên nhân là do chương trình đào tạo thiếu
cập nhật, chất lượng giảng viên còn yếu, hạn chế về cơ sở vật chất, thư
viện, thiếu sự liên kết nhà trường với DN. Ngoài ra, giảng viên tại hầu
hết các trường ĐH, CĐ có chuyên ngành đào tạo CNTT đang phải "gánh"
việc giảng dạy cho một lượng sinh viên lớn gấp đôi, gấp ba so với trước
đây. Những "lỗ hổng" trên dẫn đến hệ quả là phần nhiều sinh viên trong
quá trình học tập không tham gia nghiên cứu khoa học và khi ra trường
phần đông không đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
Bao giờ bắt kịp trình độ quốc tế?
Muốn phát triển ngành CNTT, vấn đề đầu tiên là có nguồn nhân lực chất
lượng cao và trong điều kiện hiện nay càng bức thiết hơn vì đây là ngành
công nghiệp mang tính toàn cầu, nhân lực đòi hỏi có trình độ quốc tế.
Muốn vậy, hệ thống đào tạo phải có chất lượng quốc tế. Điều này đòi hỏi
các cơ sở đào tạo về CNTT trong nước cần thay đổi phương pháp giảng dạy,
đồng thời tạo cho sinh viên có cơ hội được tiếp cận với những khóa học
kỹ năng mềm có tính thực tiễn cao.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Công ty BKAV cho rằng, thế giới đã hình
thành những tiêu chuẩn chung về đào tạo CNTT nên các cơ sở đào tạo CNTT ở
nước ta có thể đi theo những tiêu chuẩn đó để phát triển phương pháp
giảng dạy cho mình. Bên cạnh đó, việc giúp cho sinh viên có thói quen tự
đào sâu nghiên cứu cũng rất quan trọng vì thực tế, khối lượng kiến thức
học được trên lớp không nhiều. Ngoài ra, hướng đi tắt đón đầu, chủ động
mời các đơn vị đào tạo CNTT lớn trên thế giới vào hoạt động tại Việt
Nam cũng là một giải pháp tốt trong bối cảnh hiện nay.
Minh chứng cho sự phát triển của mô hình này là Hệ thống đào tạo lập
trình viên quốc tế FPT-Aptech trực thuộc Trường ĐH FPT. Học viên
FPT-Aptech sau khi tốt nghiệp sẽ nhận bằng cấp được công nhận rộng rãi
trên toàn thế giới do Aptech Ấn Độ cấp, giúp họ tăng thêm cơ hội tìm
việc. Bên cạnh đó, học viên còn có thể hoàn thiện học vấn ở bậc ĐH bằng
cách theo học một năm Trường Đại học FPT để lấy bằng ĐH CNTT do Trường
Đại học Greenwich (Anh quốc) cấp.
Lý giải cho việc những mô hình đào tạo chất lượng quốc tế như FPT-Aptech
cần được tiếp tục nhân rộng và phát triển, ông Vũ Hải Long, Giám đốc
FPT - Aptech cho rằng: "Các cơ sở lớn về giảng dạy CNTT trên thế giới từ
lâu đã chứng tỏ tính ưu việt trong việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn của
DN thông qua việc đem lại cho sinh viên những kiến thức không chỉ về
chuyên ngành, mà còn cả về kỹ năng mềm. Về lâu dài, đây là điều mà các
trường tại Việt Nam cần học hỏi".
Mặt khác, để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cần quan tâm đến việc
chuẩn hóa chương trình đào tạo, có những đột phá trong hợp tác, nhập
khẩu chương trình và nội dung đào tạo của các ĐH tiên tiến hàng đầu thế
giới. Bên cạnh đó, vấn đề phối hợp giữa trường ĐH và DN cũng phải được
xem như một móc xích của quá trình đào tạo. Nhà trường và DN phải thực
sự "bắt tay" cùng với một mục đích chung là DN có nguồn nhân lực chất
lượng cao, sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt, nhà trường có uy tín
trong đào tạo nhân lực.
Theo Sách trắng CNTT - Truyền thông năm 2011 do Bộ Thông tin và Truyền
thông vừa ban hành, trong vòng 5 năm tới, thị trường lao động trong lĩnh
vực CNTT sẽ cần đến 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT, điện
tử và viễn thông; trong đó có 217.000 người trình độ CĐ, ĐH. Vào năm
2010, cả nước đã có 277 trường ĐH, CĐ có đào tạo về lĩnh vực này. Rõ
ràng, việc đào tạo được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao khó hơn nhiều
so với gia tăng số cơ sở đào tạo được cho là một trong những ngành
"thời thượng" hiện nay.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|
|
|
Tin đọc nhiều
Hà Nội từ lâu được bạn bè ...
11:18 | 10/06/2015
Nói về đóng góp của ...
02:58 | 12/12/2013
Bạn có nghe thông tin có ...
08:26 | 14/05/2013
Có lẽ, trong nhiều ...
02:22 | 26/05/2014
Nhìn lại khoảng thời ...
03:26 | 10/10/2014
|