Bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII: Sẽ sửa Hiến pháp, giảm thuế
Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc kỳ họp. Ảnh: TTX |
Chiều 6/8, Quốc hội đã Thông qua Nghị quyết về việc
triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và
thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy ban có 30 thành
viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch.
Cũng trong phiên họp ngày 6/8, Quốc hội đã thông
qua Nghị quyết về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 và thông qua
Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. |
Theo Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số
giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân vừa
được Quốc hội thông qua, Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được miễn trong
5 tháng. Cụ thể, miễn thuế TNCN từ ngày 1/8/2011 đến hết ngày
31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền
công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế
luỹ tiến từng phần quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra,
thuế TNCN đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào
thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trừ cổ tức
của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng cũng
được miễn theo thời gian như trên.
Riêng đối với thuế TNCN của hoạt động chuyển nhượng
chứng khoán của cá nhân, mặc dù Chính phủ đề nghị miễn toàn bộ, tuy
nhiên nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (chiếm 57,04%) cho rằng có thể giảm
với một tỷ lệ nhất định, không miễn hoàn toàn. Tiếp thu ý kiến đại
biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giảm 50% (trong 5 tháng) thuế
TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán. Quốc hội đã nhất trí
thông qua.
Đối với đề nghị của Chính phủ về việc giảm 30% số
thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 và giảm 50% mức thuế khoán
thuế giá trị gia tăng, đa số các đại biểu đã tán thành với đề nghị trên.
Theo các đại biểu, tại thời điểm hiện nay, việc áp dụng chính sách giảm
50% mức thuế khoán giá trị gia tăng, thuế TNCN và thuế thu nhập doanh
nghiệp đối với các đối tượng (cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ
cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ
trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân) là hợp lý
vì hiện nay đời sống của công nhân, sinh viên, học sinh đang gặp nhiều
khó khăn do tác động bởi lạm phát, giá cả tăng cao.
Nâng cao đời sống người dân
Trước đó, ngày 5-6/8, trong phiên họp toàn thể tại
hội trường, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng đầu
năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và
ngân sách nhà nước sáu tháng cuối năm 2011. Các đại biểu đã chỉ ra những
bất cập trong điều hành chính sách của Chính phủ thời gian qua, khiến
việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và
bảo đảm an sinh xã hội chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Các đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Nguyễn Bá
Thuyền (Lâm Ðồng) cho rằng, mặc dù Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp
quyết liệt, nhưng tốc độ lạm phát sáu tháng đầu năm 2011 tiếp tục gia
tăng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, điện, xăng, dầu tăng
cao gây khó khăn cho người dân, nhất là các hộ nghèo, người lao động.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm tăng, nhưng với tốc
độ lạm phát cũng tăng cao, khiến chất lượng đời sống người dân có xu
hướng giảm.
Các đại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai) và Bùi Sĩ Lợi
(Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ cần đưa ra tiêu chí cụ thể về cắt giảm
đầu tư công; tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục, giao thông nông thôn,
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những vùng khó khăn. Chính phủ cần
quan tâm hơn nữa đến việc tổ chức thực hiện các đề án nhằm nâng cao đời
sống người dân, nhất là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng
sâu, vùng xa.
Trước dự báo những tháng còn lại của năm 2011, tình
hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến phức
tạp, khó lường, các đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan
phải theo dõi, nắm chắc tình hình để kịp thời có chính sách điều hành
phù hợp. Các đại biểu cũng ủng hộ Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện
tám nhóm giải pháp và ba khâu đột phá Chính phủ đã đề ra để thực hiện
thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Chính phủ Chuyển giao nhiệm vụ nhiệm kỳ khóa XII và khóa XIII: Thủ tướng mong muốn sự chung sức, đồng lòng
Chiều 7/8, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra phiên
họp chuyển giao nhiệm vụ giữa Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII và Chính phủ
nhiệm kỳ khóa XIII.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do tác động của khủng hoảng, suy thoái
kinh tế toàn cầu, thiên tai dịch bệnh...nhưng Chính phủ khóa XII đã
nghiêm túc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, chấp hành hiến pháp,
luật pháp, đoàn kết, nhất trí, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được
giao. Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp quan trọng, có hiệu quả của
các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ nhiệm
kỳ Chính phủ khóa XII.
Tại phiên họp, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh
Trọng, Phạm Gia Khiêm đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác chỉ
đạo và bày tỏ sự tin tưởng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII sẽ hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, đưa đất nước phát triển nhanh và
bền vững.
Bày tỏ tình cảm tới các Thành viên Chính phủ khóa
XII, phát biểu với các thành viên Chính phủ khóa XIII, Thủ tướng nêu
rõ,nhiệm kỳ Chính phủ mới đã bắt đầu, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ cần
bắt tay ngay vào công việc, không vì chuyển giao mà để công việc gián
đoạn. Thủ tướng cũng mong muốn các Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa
XIII phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng để vượt qua
những khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao
quà lưu niệm cho các Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII và trao
Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các thành viên Chính phủ nhiệm
kỳ khóa XIII.
N.Hoàng – N.Bắc |
(Theo giadinh.net.vn)