Hội
nghị nhằm ghi nhớ 50 năm thảm hoạ da cam (1961-2011), đồng thời chia sẻ
những hiểu biết, cảm thông và giúp các nạn nhân da cam nói riêng vượt
qua nỗi đau và có niềm tin vào tương lai.
 |
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. |
Nỗi đau dai dẳng
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân
chất da cam Việt Nam (VAVA) - nhấn mạnh: Nhiều vết thương chiến tranh
VN đã được hàn gắn cho cả VN lẫn Mỹ và nhiều nước khác, nhưng nỗi đau da
cam quả là dai dẳng. “Mỗi ngày qua đi, lại có thêm nhiều nạn nhân qua
đời do ốm đau, bệnh tật, nghèo đói, tuyệt vọng và khốn khổ tăng lên,
không chỉ với những người phơi nhiễm trực tiếp mà cả với những đứa trẻ
vô tội sinh sau chiến tranh” - ông nói. “Thời gian chờ đợi 50 năm là quá
lâu. Tất cả chúng ta cần hành động và hành động ngay” - ông Rinh kêu
gọi.
Theo ông Rinh, việc giải quyết vấn đề da cam ngày nay không chỉ là vấn
đề công lý, mà còn là vấn đề nhân đạo, vấn đề hoà giải và phát triển
quan hệ có nhiều lợi ích thiết thực giữa các dân tộc có liên quan đến
quá khứ chiến tranh. “Nỗi đau da cam của nạn nhân chất độc da cam VN đã
được nhiều người trên thế giới quan tâm. Nỗi đau này đã thành nỗi đau
chung của toàn nhân loại”.
Để nhân loại không lặp lại sai lầm
Bà Jeanne Mirer - điều phối viên Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm về
chất độc da cam Việt Nam tại Mỹ - kỳ vọng hội nghị tạo cơ hội để những
người quan tâm đến các nạn nhân da cam gặp gỡ, trao đổi để từ đó tìm ra
phương hướng khắc phục hậu quả. Theo bà Jeanne, tổ chức của bà hiện đang
tham gia xây dựng một chiến dịch quốc gia nhằm hối thúc Quốc hội Mỹ tài
trợ cho một chương trình y tế và phục hồi chức năng cộng đồng toàn diện
cho nạn nhân chất độc da cam VN và tiến hành làm sạch tất cả các điểm
nóng nhiễm độc. Kế hoạch trên mới được giới thiệu cách đây 2 ngày ở Mỹ.
Còn ông Kim Sung Wook - Tổng Thư ký Hội Cựu chiến binh thương tật Hàn
Quốc do chất da cam trong chiến tranh VN - đề xuất, các hiệp hội nạn
nhân da cam trên toàn thế giới cần liên kết để có tiếng nói mạnh mẽ hơn
trong vụ kiện đòi công lý. “Sau 45 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc,
chúng ta cùng nhau có mặt ở đây với một mẫu số chung là các nạn nhân của
chất da cam. Họ cần phải được bồi thường và điều trị một cách thích
hợp” - ông kêu gọi.
Bà Masako Sakata là vợ của một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân tại miền
Nam Việt Nam trong những năm 1967-1970. Chồng của bà đã qua đời vì bệnh
ung thư gan, nghi là do chất da cam. Nỗi đau vô tận khiến bà Sakata
quyết định tìm hiểu về chất da cam và thực hiện bộ phim tài liệu có tiêu
đề là “Chất da cam - lời cầu nguyện riêng tư” và mới nhất là “Sống
trong mùa xuân vắng lặng” sẽ ra mắt tại Nhật Bản vào mùa thu này. “Hội
nghị là một cơ hội lớn cho tất cả chúng ta đến với nhau và cùng góp sức
với nhau, do đó nhân loại sẽ không lặp lại một sai lầm tương tự như vậy
nữa” - bà nói.