Tín dụng đối với nền kinh tế giảm 0,19% so với tháng trước (tín dụng
bằng VND giảm 0,88%, cho vay bằng USD tăng 1,96%). So với cuối năm
trước, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 7,57%.
Như vậy, sau 3 tháng kể từ khi ngành chức năng có thông tư quản lý chặt
đối tượng được vay ngoại tệ, xu hướng vay ngoại tệ của các DN tiếp tục
tăng. Nguyên nhân, do lãi suất vay USD chỉ 6-8% thấp hơn 12-18% so với
VND (tùy ngân hàng và số lượng tiền vay). Với thực tế này, không ít DN
đã kiếm lời từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD khi DN vay USD bán
lấy VND gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại
là huy động USD vẫn tiếp tục giảm trong tháng 7 khi lãi suất huy động
USD chỉ ở mức 2%/năm, trong khi lãi suất huy động VND là 14%/năm, thậm
chí đến 20% (tùy theo lượng tiền gửi) do nhiều ngân hàng cổ phần đã
"lách" trần.
Các chuyên gia tài chính lo ngại, khi các khoản vay USD đáo hạn cùng
lúc, nhu cầu mua ngoại tệ trả nợ của DN sẽ tăng cao và lúc đó sẽ gây áp
lực lên tỷ giá. Như vậy, việc vay USD để đổi sang VND gửi tiết kiệm để
hưởng lãi suất cao sẽ dễ xảy ra hậu quả rủi ro. Mặc dù hiện nay thị
trường ngoại hối vẫn giữ ổn định, tỷ giá liên ngân hàng mới chỉ tăng
30-60 đồng, đạt mức 20.800 đồng/USD (tỷ giá trên thị trường tự do cũng
tương đương) trong những tuần qua. Song nếu ngân hàng giảm lãi suất huy
động và cho vay trước khi lạm phát theo năm dịu xuống sẽ tiềm ẩn những
rủi ro khó lường.
Giá vàng trong nước đang tăng mạnh, sẽ dễ xuất hiện tình trạng buôn lậu
vàng nếu giá trong nước cao hơn thế giới. Buôn lậu vàng cũng là một
trong những nguyên nhân gây áp lực lên tỷ giá và ngoại tệ trên thị
trường tự do sẽ bị mua gom để nhập vàng lậu, làm tăng đột biến nhu cầu
ngoại tệ. Mặc dù dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng lên khoảng 4 tỷ USD
và ngành chức năng có đủ để can thiệp khi có sự cố trên thị trường, tuy
nhiên, với những diễn biến thực tế trên thị trường ngoại hối và vàng,
rất có thể từ nay đến cuối năm, một trong những rủi ro mà nền kinh tế
phải đối mặt là rủi ro tỷ giá.