Tiến Minh vào tứ kết giải Vô địch thế giới
Đây
là cặp đấu được xem là cân sức nhất của vòng 3 khi cả 2 tay vợt khi thứ
hạng không quá chênh lệch. Trong lịch sử đối đầu, Tiến Minh và Ponsana
cũng mới gặp nhau 2 lần với kết quả 1-1. Tay vợt người Việt Nam thua năm
2008 với tỷ số 0-2 nhưng đòi nợ đối thủ ngay trên đất Thái Lan tại giải
Grand Prix 1 năm sau đó với kết quả tương tự.
Bước vào cuộc chạm
trán ở vòng 3, trong khi Boonsak Ponsana không mất quá nhiều sức khi
vượt qua đối thủ người Malaysia ở vòng 2 với tỷ số 2-0, thì tay vợt
người Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã có trận đấu tra tấn thể lực với tay
vợt người Ấn Độ KashYap và chỉ giành quyền đi tiếp khi có cuộc lội ngược
dòng ở séc đấu thứ 3 sau 80 phút tranh tài.
Tiến Minh đã hoàn thành chỉ tiêu vào đến vòng tứ kết
Dù vậy, những lo lắng
về thể lực của Tiến Minh trước trận gặp Ponsana của người hâm mộ cầu
lông Việt Nam đã hoàn toàn tan biến khi tất cả được chứng kiến sự màn
trình diễn không thể ấn tượng hơn của tay vợt TP.HCM. Cũng cần phải nói,
Boonsak Ponsana năm nay đã gần 30 tuổi (sinh năm 1982) và lối chơi cũng
không quá thiên về sức mạnh.
Thế mạnh của tay vợt
này chính là có chiều cao và đặc biệt chiếc cổ tay có độ dẻo nên công
thủ rất toàn diện. Ngoài ra, thái độ thi đấu của Boonsak Ponsana cũng
rất điềm tĩnh, khiến rất nhiều đối thủ của anh gặp phải tâm lý.
Thế nhưng, mọi thế mạnh
của tay vợt số 1 Thái Lan đã trở nên vô nghĩa bởi Tiến Minh trong trận
đấu này đã chơi không thể đòi hỏi hơn. Tấn công và tấn công, Tiến Minh
đã không cho đối thủ có cơ hội tìm cách hóa giải. Sau vài phút làm “nóng
máy”, tay vợt người Việt Nam mở hết công suất và nhanh chóng chiếm được thế thượng phong.
Tỷ số liên tục được
nâng lên với khoảng cách ngày một lớn. Dường như không thể chống đỡ,
Boonsak Ponsana quyết định bỏ séc 1. Tiến Minh kết thúc séc đầu tiên chỉ
sau 14 phút với tỷ số chênh lệch 21/11.
Sang séc 2, những gì
mà tay vợt người Thái Lan cố gắng nhất cũng chỉ giúp anh cầm cự được
trong vài điểm số đầu tiên. Kịch bản giống như séc 1 tiếp tục được tạo
ra và khoảng cách 4-5 điểm liên tục được Tiến Minh duy trì. Ponsana đã
thi đấu rất cố gắng nhưng cũng chỉ cải thiện điểm số hơn séc 1 lên 15.
Trong khi đó, Tiến Minh càng đánh càng hay, trước khi kết thúc séc 2 với
tỷ số 21/15, chung cuộc thắng 2-0 sau 36 phút tranh tài.
Đối thủ của Tiến Minh ở vòng tứ kết sẽ là Gade
Một chiến thắng không
những thể hiện được đẳng cấp, bản lĩnh của tay vợt hạng 7 thế giới, mà
nó còn cho thấy những tiến bộ rõ rệt trong lối chơi của Tiến Minh tại
giải này. Trong trận này, theo thống kê, Tiến Minh thực hiện thành công
18 cú smash, một điều ít thấy bởi tay vợt Việt Nam vốn thường chơi bỏ
nhỏ chờ đối thủ tự sát.
Hiệu suất tấn công của
Tiến Minh được nâng lên thấy rõ và người hâm mộ đang rất kỳ vọng Tiến
Minh sẽ làm nên kỳ tích tại vòng tứ kết, nơi mà anh sẽ gặp “bức tường”
Peter Gade người Đan Mạch, hạt giống số 3 của giải. Đây là một trong
những tay vợt tài năng nhất của Đan Mạch cũng như châu Âu sản sinh ra.
Dù sinh năm 1976 nhưng
Peter Gade sở hữu nền tảng thể lực dẻo dai đáng kinh ngạc. Chơi cầu lông
từ 6 tuổi, cao 1m83 nặng 73kg, khôn khéo và bản lĩnh, tất cả những yếu
tố rất cần thiết cho môn cầu lông đều hội tụ ở Peter Gade. Tay vợt người
Đan Mạch này đã thống trị BXH thế giới suốt các năm từ 1998 đến 2001 và
liên tục các năm sau đó là các vị trí trong tốp 3 thế giới, anh được
bầu chọn là VĐV xuất sắc nhất thời đại.
Rõ ràng cửa đi tiếp của
Tiến Minh là vô cùng hẹp, nhưng sau những gì đã thể hiện ở vòng 3,
Peter Gade chắc chắn không dễ dàng có chiến thắng. Thậm chí, việc đạt
chỉ tiêu lọt vào tứ kết (cầm chắc 6.600 điểm trong tay), sẽ giúp Tiến
Minh có sự thoải mái nhất.
Trong trường hợp điều
kỳ diệu xảy ra, Tiến Minh có khả năng sẽ “đụng” tay vợt hạt giống số 2
người Trung Quốc Lin Dan ở vòng bán kết.
(Theo Dantri.com.vn)