
Đường làng, ngõ xóm ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng được bê tông hóa.
Ảnh: Bá Hoạt
- Việc triển khai Chương trình xây dựng
NTM của Hà Nội đang tiến triển khá và đạt hiệu quả. Mô hình điểm của
trung ương chọn là xã Thụy Hương (Chương Mỹ) sau gần hai năm triển khai
thực hiện đến thời điểm này đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí, đang
tiến rất gần đến đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó 3 xã điểm của TP là Song
Phượng (Đan Phượng), Mai Đình (Sóc Sơn) và Đại Áng (Thanh Trì) đều đạt
9-12 tiêu chí. Đối với 15 xã điểm do các huyện, thị xã lựa chọn mặc dù
thời gian triển khai ngắn mới được phê duyệt đề án từ 3-6 tháng nhưng đã
thực hiện khá hiệu quả, trong đó tập trung vào những nhóm tiêu chí quan
trọng, đó là lập quy hoạch, lập các dự án sản xuất, chỉnh trang khu dân
cư. TP đã bố trí kịp thời kinh phí cho 15 xã này gần 200 tỷ đồng, ngân
sách huyện 130 tỷ đồng, ngân sách xã trên 20,5 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ
trợ trên 20,4 tỷ đồng cùng với các nguồn vốn lồng ghép, vốn huy động của
dân tạo ra diện mạo NTM ở những xã điểm tương đối khởi sắc. Tuy nhiên,
theo kỳ vọng của Ban Chỉ đạo chương trình NTM TP thì tiến độ như vậy là
chậm, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
- Vậy đâu là nguyên nhân làm chậm tiến độ?
- Tồn tại lớn nhất chính là do nhận thức và vai trò trách nhiệm của lãnh
đạo ở một số địa phương còn hạn chế, chưa hiểu rõ về NTM. Công tác
tuyên truyền, vận động về NTM còn quá ít. NTM không phải là việc hoàn
toàn mới lạ, nhưng giờ đây phải xác định lộ trình có bộ tiêu chí chuẩn
để phấn đấu. Xây dựng NTM là triển khai làm cho chính địa phương mình,
do người dân làm chủ thể, dân bàn bạc thấu đáo để rồi tham gia, góp sức
và được thụ hưởng thành quả. Nếu có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của
nhà nước cấp vốn đến đâu làm đến đó là hoàn toàn sai lầm, chệch hướng.
Vì thế, thời gian đầu có xã đã làm ngược quy trình, chỉ lo vốn làm đường
giao thông, trường học, nhà văn hóa mà quên khâu tổ chức sản xuất, dồn
điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một số xã khoán
trắng cho tư vấn thuê làm quy hoạch mà không bàn bạc trong lãnh đạo xã,
không lấy ý kiến dân đóng góp nên quy hoạch xa rời thực tế hoặc quy
hoạch có nhưng không làm theo, dẫn đến tùy tiện không kết quả. Bên cạnh
đó trách nhiệm, tâm huyết của một số sở, ngành chưa cao nên sự vào cuộc
thiếu quyết liệt, không đồng bộ.
Xây dựng NTM là việc mới, rất khó, ngành nông nghiệp là cơ quan thường
trực nhưng trách nhiệm và công việc liên quan đến nhiều sở, ngành. Nếu
thờ ơ, chậm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến sở, ngành phụ trách thì sẽ
cản trở guồng máy làm chậm tiến độ. Thứ hai, về nguồn lực cũng gặp khó
khăn, phải cần lượng kinh phí lớn đầu tư cho NTM, bình quân một xã từ
200 - 300 tỷ đồng, bài toán tài chính cần có phép giải tốt. Ngoài ngân
sách TP hỗ trợ ở những khâu thật cần thiết, chủ lực, thì phải huy động
tổng nguồn lực của xã hội đó là doanh nghiệp, vay tín dụng, vốn các
chương trình lồng ghép, đấu thầu đất xen kẹt và sức dân. Phải biết sáng
tạo, khai thác hiệu quả theo đúng chủ trương chung sức, đồng lòng, hưởng
ứng cuộc vận động “cả nước xây dựng NTM”.
- Để đẩy nhanh tiến độ, Hà Nội có biện pháp sáng tạo nào?
- Ban Chỉ đạo Chương trình NTM mới TP có kế hoạch rất cụ thể từ việc
kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn đến kế hoạch tập huấn cho các xã và
giao nhiệm vụ rõ ràng cho các sở liên quan. Điểm nhấn quan trọng nhất là
TP có chủ trương tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã làm tốt, cán bộ
nhiệt huyết, dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp ngày công và kinh phí.
Kiên quyết khắc phục kiểu đầu tư dàn trải, chia đều, cào bằng sẽ không
khuyến khích được những xã làm tốt. TP sẽ xây dựng từ 2 đến 3 mô hình
tốt để các địa phương đến học tập, rút kinh nghiệm. Như vậy thì những
địa phương cán bộ ý thức trách nhiệm yếu, triển khai không hiệu quả, dân
chưa thông suốt sẽ bị xem xét tạm dừng đầu tư, hỗ trợ để ưu tiên vốn
cho các xã làm tốt. TP có chủ trương tuyển chọn, bố trí kỹ sư nông
nghiệp về làm việc ở xã để tăng cường cán bộ làm NTM. Đối với các xã đã
có quy hoạch, phải xác định ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát
triển sản xuất như giao thông nội đồng, kênh, tưới tiêu, công trình
giao thông nông thôn rồi mới đến trường học, trạm xá, nhà văn hóa, trụ
sở làm việc… Sắp tới gần 4 ngàn người là cán bộ huyện và xã sẽ được tập
huấn cách làm NTM tạo ra làn sóng xây dựng NTM.
Chương trình xây dựng NTM đang cần sự chỉ đạo quyết liệt để hết quý III
năm 2011 Hà Nội hoàn thành quy hoạch 161 xã và hết năm 2012 hoàn thành
quy hoạch cho tất cả các xã còn lại trong toàn TP.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.