Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, những mô hình chăm sóc
người cao tuổi như trợ cấp xã hội hoặc các khoản ưu đãi khác cho người
già không nơi nương tựa, người già không có lương hưu; xây dựng nhà
dưỡng lão chăm sóc những người có công; lập các trung tâm bảo trợ xã hội
để nuôi dưỡng người già cô đơn, không nơi nương tựa. Bên cạnh đó, các
đoàn thể và tổ chức xã hội như Hội CTĐ, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh,
Hội Người cao tuổi, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm
cũng tổ chức nhiều hoạt động như xây dựng trung tâm chăm sóc người già
nội trú, nhận chu cấp kinh phí để phụng dưỡng trọn đời, hỗ trợ xóa nhà
tạm, chăm sóc, chữa bệnh... cho người cao tuổi. Tuy vậy, số người được
giúp đỡ vẫn còn ít so với số người già đang gặp khó khăn.
Từ thực trạng trên, qua nghiên cứu và khảo sát thực tế một số mô hình
chăm sóc người cao tuổi ở các nước Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc,
Singapore... RECAS đã triển khai mô hình "Tình nguyện viên chăm sóc tại
nhà cho người cao tuổi" ở Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thừa
Thiên-Huế, Bến Tre. Đây là dự án dễ thực hiện, ít tốn kém và phù hợp với
điều kiện nước ta nhằm chăm sóc người cao tuổi bị ốm đau, bệnh tật;
người già cô đơn gặp khó khăn. Cách làm này vừa phát huy được truyền
thống "Tương thân, tương ái", "Uống nước nhớ nguồn", vừa phù hợp với tâm
lý, nguyện vọng của người cao tuổi là muốn được sống tại chính ngôi nhà
thân yêu của mình cho đến cuối đời.
Theo RECAS, tình nguyện viên chăm sóc, hỗ trợ tại nhà có thể là hội viên
các đoàn thể, họ hàng hoặc hàng xóm tự nguyện đến nhà người già cô đơn,
khó khăn để giúp đỡ 3-5 buổi/tuần. Tình nguyện viên trợ giúp người cao
tuổi hoàn toàn tự nguyện, không hưởng lương nhưng phải có cam kết hoạt
động trong một tổ chức với thời hạn nhất định, có quy chế, có kế hoạch
và cũng phải được đào tạo tối thiểu 20 tiết/khóa học. Nhờ sự chăm sóc,
giúp đỡ của các tình nguyện, người già cô đơn được an ủi, động viên đã
bớt mặc cảm và có thêm niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn. "Chồng tôi
mất sớm, sống một mình nên tôi thấy rất cô đơn, buồn chán, nhiều lúc
không muốn sống. Từ ngày tình nguyện viên RECAS đến trông nom, săn sóc,
tôi cảm thấy cuộc sống bớt hiu quạnh và thấy mình như khỏe ra. Tôi vui
hơn và mong muốn được sống lâu hơn" - bà Trần Thị Tư, 68 tuổi, ở phường
Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội tâm sự.
Ông Phạm Duy Nghĩa, 75 tuổi, ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Không có con cái, người thân cũng không còn nên ông phải đi ăn xin.
Biết được hoàn cảnh ông, hằng tháng RECAS hỗ trợ ông một khoản tiền nho
nhỏ. Với số tiền này, ông Nghĩa đã không phải lê la đầu đường, góc chợ.
Để ông khỏi buồn, các tình nguyện viên lại mua tặng ông chiếc ti vi. Bây
giờ thì ông không còn phải đi lang thang, sức khỏe tốt lên và rất vui
vẻ, yêu đời...
Cụ Mạc Thị Chín, ở thôn Bờ Dọc, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải
Dương nhờ sự giúp đỡ của tình nguyện viên Nguyễn Thị Bước đã được phẫu
thuật thay thủy tinh thể. Vui mừng khi lại được nhìn thấy ánh sáng, cụ
Chín xúc động: "Tôi không được may mắn có con như những người phụ nữ
khác để nương tựa lúc tuổi già nhưng không ngờ đến cuối cuộc đời, tôi
lại có một người con gái thảo hiền như Bước". Lời nói giản dị, chân
thành từ đáy lòng của cụ Chín đã động viên chị Bước cũng như nhiều tình
nguyện viên khác có thêm động lực và càng nâng cao hơn nữa trách nhiệm
đối với người cao tuổi.
"Tình nguyện viên chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi" là mô hình mang
tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng sự mong đợi của người già cô đơn, không
những vậy, hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại nhà thông qua đội ngũ
tình nguyện viên đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội và an toàn cho những
người già cô đơn không nơi nương tựa; xây dựng tinh thần tương thân,
tương ái; thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tình nghĩa họ hàng; đem lại
nguồn an ủi, động viên to lớn cho những người già khó khăn. Hy vọng mô
hình sẽ sớm được nhân rộng với sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều bộ, ngành
và các đoàn thể khác trong xã hội.