 |
Quân nổi dậy vui mừng khi chiếm được dinh thự Bab Al-Aziziyah ở Tripoli. |
Đến sáng sớm 24-8, chiến sự vẫn tiếp diễn
tại Tripoli khi người ta nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn và máy bay của
NATO quần đảo trên bầu trời thủ đô. Lực lượng của ông M. Gaddafi cũng đã
bắn tên lửa Scud vào thành phố ven biển Misrata do lực lượng nổi dậy
kiểm soát. Theo các nguồn tin phương Tây, lực lượng của ông M. Gaddafi
hiện có khoảng 240 tên lửa đạn đạo và tên lửa "scud B" với tầm bắn
300km.
Trong khi đó, bất chấp thủ đô Tripoli thất thủ sau các cuộc tấn công dồn
dập của quân nổi dậy dưới sự hỗ trợ của NATO với các cuộc oanh kích dữ
dội, ngày 24-8, nhà lãnh đạo M. Caddafi vẫn tuyên bố sẽ cố thủ tại
Tripoli; đồng thời kêu gọi người dân "quét sạch" các tay súng nổi dậy.
Trong đoạn băng ghi âm được phát trên Đài Truyền hình Arrai Oruba (trụ
sở tại Syria) và trên Kênh truyền hình vệ tinh Al-Arabiya, M.Caddafi cho
biết, ông vẫn đang ở thủ đô Tripoli và bí mật di chuyển trên các tuyến
phố. Trước đó, trong một thông điệp trên trang web của kênh truyền hình
do con trai ông là Seif al-Islam lãnh đạo, ông Caddafi tuyên bố cuộc rút
khỏi dinh thự Bab al-Azizya chỉ là "động thái chiến thuật". Người phát
ngôn Chính phủ Libya, ông Moussa Ibrahim cho biết, nhà lãnh đạo M.
Gaddafi có thể kháng cự trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. Quân
nổi dậy đã chiếm dinh thự Bab al-Azizya gần như bị san phẳng sau 64 lần
không kích của NATO; song tung tích ông M. Caddafi vẫn là một dấu hỏi
lớn. Một lãnh đạo của phe nổi dậy khẳng định, quân nổi dậy đang mở chiến
dịch truy tìm ông M. Gaddafi được cho là đang ẩn náu trên tuyến đường
dẫn ra sân bay Tripoli. Các tay súng đối lập đã lục soát từng xe ô tô,
góc phố và lập nhiều chốt kiểm soát ở Tripoli trong bối cảnh thành phố
chìm trong bóng đêm vì mất điện...
NATO khuyến cáo, tình hình tại Tripoli vẫn rất nguy hiểm và sẽ tiếp tục
các chiến dịch nhằm vào lực lượng trung thành với ông M. Gaddafi. Phát
ngôn viên NATO, Đại tá Roland Lavoie cho hay, sứ mệnh của NATO sẽ không
thay đổi. Tuy nhiên, NATO sẽ không đưa bộ binh vào Libya mà chỉ đóng vai
trò hỗ trợ trong thời kỳ "hậu Gaddafi" nếu được yêu cầu.
Ngày 24-8, Hãng Thông tấn MENA (Ai Cập) đưa tin, phái viên của lực lượng
nổi dậy ở Libya tại Liên đoàn Arab, Abdel Moneim al-Huweini tuyên bố
Libya sẽ không cho phép NATO lập các căn cứ ở nước này sau khi nhà lãnh
đạo M. Gaddafi bị phế truất. Trong khi đó, Người phát ngôn Lầu Năm Góc,
Đại tá Dave Lapan khẳng định Mỹ không có kế hoạch triển khai bộ binh đến
Libya và cho biết Mỹ đang giám sát các cơ sở vũ khí hóa học của Libya,
trong đó có 10 tấn khí độc và các nguyên liệu hạt nhân thô, khoảng
30.000 rocket vác vai có thể tiêu diệt máy bay. Theo nguồn tin tình báo,
các kho vũ khí nói trên dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính
quyền M. Gaddafi mặc dù lực lượng nổi dậy đã tiến vào thủ đô Tripoli.
Theo Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC)
Mahmoud Jibril, một hội nghị về Libya đã được tổ chức ở Qatar ngày 24-8
với sự tham dự của Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Qatar và Các tiểu
vương quốc Arab thống nhất nhằm bàn thảo về tài chính cho Libya. Sau khi
lực lượng nổi dậy tràn vào thủ đô Tripoli, Tổng thống Pháp Nicolas
Sarkozy cho hay ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhất trí cần tiếp
tục các hành động quân sự chống lực lượng trung thành với ông M.
Gaddafi. Chính quyền Mỹ cũng thông báo đang tìm cách giải tỏa 1,5 tỷ USD
trong số tài sản phong tỏa của Libya để giúp thành lập một chính phủ
bền vững tại nước này. Liên minh châu Âu cũng thông báo sẽ giải tỏa các
tài sản của Libya để giúp tái thiết đất nước. Cùng ngày, Người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nêu rõ, quan điểm của Trung Quốc
là tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Libya và sẵn sàng hợp tác với cộng
đồng quốc tế nhằm phát huy một vai trò tích cực trong công cuộc tái
thiết Libya trong tương lai. Còn Văn phòng của Thủ tướng Italia cho
biết, Thủ tướng Silvio Berlusconi cho hay sẽ gặp lãnh đạo NTC trong hôm
nay (25-8) để thảo luận về lợi ích của các công ty Italia tại Libya.
Trong động thái mới nhất, Hàn Quốc ngày 24-8 đã công nhận NTC là đại
diện hợp pháp của Libya. Chiều cùng ngày, Sudan cũng đã chính thức công
nhận tính hợp pháp của NTC, nâng tổng số quốc gia công nhận NTC lên ít
nhất là 32 nước.
Trong khi đó, theo người đứng đầu NTC Mustafa Abdul Jalil, trong ba ngày
giao tranh ác liệt giữa lực lượng của nhà lãnh đạo M. Gaddafi và lực
lượng nổi dậy nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli đã có hơn 400 người thiệt
mạng, hơn 2.000 người bị thương.