Hãng thông tấn Mỹ AP mở
đầu bài viết về sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như
vậy và nhấn mạnh rằng ở Việt Nam, tướng Giáp được tôn kính thứ nhì sau
Hồ Chí Minh. Hai người đã cùng nhau hoạch định những chiến dịch từ vùng
rừng núi, chỉ sử dụng chiến thuật du kích để tiến hành cách mạng giành
độc lập cho Việt Nam, và rồi đưa cả khu vực Đông Dương khỏi ách thực dân
của người Pháp. Hai thập kỷ sau đó, đoàn quân của ông tiếp tục đẩy
người Mỹ về nước và tiến hành thống nhất đất nước.
"Có thể nói rằng hầu hết những sự kiện vinh quang và quan trọng nhất của đất nước đều gắn với tên tuổi và sự nghiệp của ông", AP dẫn lời ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông, phát biểu tại Hà Nội nhân kỷ niệm tướng Giáp tròn trăm tuổi.
Dù đã không còn ở trong chính phủ nhiều năm, nhà chiến
lược quân sự có mái tóc bạc trắng này vẫn là một thứ quốc bảo và vẫn
đón tiếp các nhà lãnh đạo trên thế giới đến thăm, cho đến tận cách đây
ba năm khi sức khỏe của ông yếu đi, AP nhận xét.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại một hội nghị năm 2004. Ảnh: AFP. |
Trong triển lãm ảnh về tướng Giáp tại Hà Nội có nhiều
ảnh quý. Một bức năm 1946 cho thấy "một người đàn ông trẻ tuổi, gầy,
nhưng đã là tướng cao cấp trong quân đội Việt Nam". Nhiều bức ảnh khác
chụp khi tướng Giáp tiếp lãnh đạo các nước khác, như Chủ tịch Cuba Fidel
Castro.
Một tấm ảnh cho thấy tướng Giáp bắt tay cựu thù trong
cuộc chiến tranh chống Mỹ - cựu bộ trưởng quốc phòn Mỹ Robert S.
McNamara. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, ông Giáp
hồi tưởng cuộc gặp năm 1997.
"Tôi nói với McNamara ... Mỹ thua ở Việt Nam bởi Mỹ không hiểu Việt Nam".
Sau cuộc chiến, ông Giáp trở thành người ủng hộ việc
xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Mỹ, AP viết. Quan hệ
mọi mặt giữa hai nước, từ kinh tế thương mại đến nhân đạo và quân sự
đang có nhiều bước tiến quan trọng.
"Ông ấy không bao giờ nghỉ", hãng này dẫn lời John
Ernst, một chuyên gia về Việt Nam thuộc đại học Morehead State
University của Mỹ bình luận. "Tôi nghĩ điều đó khiến ông ấy thêm huyền
thoại và được yêu mến".
Bài viết của AP về tướng Giáp được đăng trên nhiều trang báo lớn của phương Tây như The Washington Post, Forbes.
The Diplomat, tạp chí
chuyên sâu về chính trị châu Á, đăng bài viết về sự kiện tướng Giáp 100
tuổi, với lời bình luận rằng trận Điện Biên Phủ "là một chiến thắng thay
đổi lịch sử".
"Trước hết, nó đập tan tư tưởng cố hữu cho rằng phương
Tây là bất bại. Chiến thắng đó còn cổ vũ cho những cuộc chiến chống chế
độ thực dân trên khắp thế giới", tạp chí này bình luận.
Sau khi điểm lại những sự kiện quân sự quan rọng gắn
với tên tuổi tướng Giáp - một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất
thế kỷ 20 - The Diplomat viết tiếp: "Ông sẽ đặt một dấu mốc quan trọng khác mang tính cá nhân hơn - tròn 100 tuổi".
"Dù thể trạng yếu và phải chịu một số chứng bệnh về
đường hô hấp, phải nằm viện đã lâu, trí tuệ của tướng Giáp vẫn minh mẫn
một cách kinh ngạc", tạp chí này nhận xét.
"Các nhà lãnh đạo khắp thế giới vẫn xếp hàng để gặp
ông, trong đó có tổng thống Brazil Lula da Silva, tổng thống Venezuela
Hugo Chavez và lãnh đạo Nam Phi Thabo Mbeki. Tướng Giáp vẫn viết về lịch
sử đảng Cộng sản Việt Nam.... Ông vẫn nghe tin tức trên radio mỗi sáng
và yêu cầu được báo cáo tình hình".
Tờ báo Anh The Scotsman
đưa tin tướng Giáp với tựa đề "Người anh cả của quân đội Việt Nam tròn
100 tuổi". Báo dẫn lời đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của tướng Giáp, cho
biết dù nằm viện đã hai năm, vị tướng già vẫn viết cho các bạn bè và
đồng chí, và được báo cáo tình hình đất nước hàng ngày.
"Ông đã giúp đánh thắng hai đế quốc to", The Scotsman dẫn lời ông Huyên. "Ông là anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam".
Tạp chí L'Humanité của
Pháp số cuối tuần qua đã dành đặc biệt 6 trang để viết về cuộc đời và sự
nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của
ông.
Bài viết có tiêu đề “Tướng Giáp, nhà chiến lược của tự do”
do nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel - nguyên là phóng viên
thường trú báo tại Việt Nam những năm 1980, viết.
Roussel thuật
lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt
Nam, từ sinh trưởng cho tới khi trở thành vị Đại tướng, chỉ huy cuộc đấu
tranh của quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trước thực dân
Pháp với trận Điện Biên Phủ vang dội địa cầu.
Tác giả cũng nêu
bật vai trò của tướng Giáp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất
đất nước cũng như những đóng góp của ông đối với công cuộc Đổi mới ở
Việt Nam.
"Năm 1986, ông ủng hộ cho chính sách đổi mới về kinh
tế đất nước, chính sự đổi mới này đã đưa Việt Nam đi lên trên con đường
phát triển. Ông luôn gần gũi nhân dân và thấy được mọi khó khăn của
người dân".
Bài viết, được Vietnam Plus
dẫn lại này, là kết quả của hàng chục lần tác giả được gặp tướng Giáp
với tất cả tình cảm quý mến và sự kính trọng. Theo tác giả, Đại tướng là
con người rất dễ chịu, thạo nói tiếng Pháp, có cái nhìn trực diện và
cái bắt tay chắc nịch. "Đây cũng chính là những biểu hiện của người lãnh
đạo", tác giả nhận xét.
Kể lại những kỷ niệm của tác giả khi gặp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông ở tuổi 30, tác giả Daniel Roussel cho
biết trong những cuộc gặp này không bao giờ có vấn đề gì bị coi là cấm
kỵ không được đề cập đến. Nhưng khi gặp một vấn đề khó chịu, giọng Đại
tướng trở nên đanh lại. Ông là con người của sự nhiệt huyết và là "vị
tướng của hòa bình”.
Daniel Roussel viết: “Đại tướng Võ Nguyên
Giáp, huyền thoại sống ở Việt Nam Ông được công nhận là một trong các
nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược chiến tranh nhân dân”.
(Theo Vnexpress.net)