
Nghề thêu ở xã Lê Lợi (huyện Thường Tín).
Đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), có thể dễ dàng bắt gặp từng đoàn xe tấp nập đưa khách đến tham quan, mua sắm, rồi những xe tải bốc hàng đi khắp nơi tiêu thụ. Ông Nguyễn Trọng Thư - Thư ký Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng cho biết: "Xã Bát Tràng không có ruộng, nguồn thu của 100% hộ dân trong xã dựa vào hoạt động sản xuất và kinh doanh gốm sứ, ước tính, trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của toàn xã đạt trên 300 tỉ đồng". Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng ông Thư cũng thừa nhận hạn chế lớn nhất của làng nghề hiện nay là khâu thiết kế mẫu. "Hầu hết các mẫu xuất khẩu của làng nghề là làm theo mẫu của khách, mẫu mã do người làng sản xuất ra còn ít và chưa chuyên nghiệp, tình trạng bắt chước, nhái mẫu của nhau khá phổ biến". Hiện nay, Bát Tràng vẫn chưa có trung tâm hay doanh nghiệp thiết kế mẫu gốm sứ. Hạn chế này là cơ hội để hàng gốm sứ Trung Quốc "lấn lướt" ngay trên thị trường nội địa, thậm chí là ngay tại làng Bát Tràng.
Cùng với Bát Tràng, thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh có nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ hình thành từ thế kỷ XVII. Những năm gần đây, làng nghề Thiết Úng áp dụng công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất, cho thu nhập cao, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong làng, ngoài xã. Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề khác, Thiết Úng đang gặp khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, giải quyết ô nhiễm môi trường, thiết kế mẫu mã và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều làng nghề xuất khẩu lớn khác như mây giang đan, cỏ tế ở Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ và Phú Túc, huyện Phú Xuyên hay sơn mài ở Duyên Thái, điêu khắc Nhân Hiền, huyện Thường Tín… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mẫu mã kém hấp dẫn trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính, nên sản phẩm làng nghề rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nếu xuất khẩu được thì giá sản phẩm cũng thường thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điểm yếu lớn nhất của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam là không có tính sáng tạo. Trừ mẫu hàng dựa trên mẫu đặt hàng của người mua, còn lại các sản phẩm do các làng nghề Hà Nội thiết kế đều không mới và chưa hấp dẫn, thậm chí tình trạng ăn cắp bản quyền, mẫu mã sản phẩm đang diễn ra một cách phổ biến. Hạn chế này do làng nghề Hà Nội chưa có chiến lược thiết kế mẫu riêng cho sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Lâu nay, việc sáng tạo mẫu ở các làng nghề chủ yếu trông vào đội ngũ nghệ nhân, trong khi đó, nghệ nhân làng nghề mới chỉ là… thợ khéo tay, hoàn toàn chưa phải là nhà thiết kế mẫu. Bởi mỗi sản phẩm ngoài tính thẩm mỹ còn phải gắn với tính năng sử dụng tiện ích, nghiên cứu thị trường xuất khẩu để có thể sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Để nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề, khâu thiết kế, sáng tạo mẫu mã cho sản phẩm cần được quan tâm theo hướng chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh huy động sức sáng tạo của đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, người làng nghề rất cần được hỗ trợ để hình thành các trung tâm sáng tạo mẫu, hoặc dạy người làng nghề sáng tạo các mẫu mã mới. Các cơ quan chức năng cần giám sát chất lượng, giá sản phẩm, gắn biển chứng nhận uy tín, chất lượng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bảo vệ quyền tác giả cho những mẫu mã, sản phẩm có đăng ký bảo hộ quyền tác giả, tránh tình trạng sao chép, làm hàng nhái, hàng giả...