
Người dân Thạch Thất quét dọn ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường. Ảnh: Hoàng Lan
Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường qua các phong trào: "Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường và nơi công cộng", "Sạch từ nhà ra đường, sạch từ ngõ vào nhà"… Nhiều mô hình điểm trong công tác BVMT nông thôn đã được triển khai tại cơ sở và rất cần được nhân rộng.
Một trong những mô hình hiệu quả trong công tác BVMT nông thôn là mô hình "Thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt và làng nghề" do Hội Nông dân Hà Nội phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn (Hội Nông dân Việt Nam) triển khai tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) năm 2010. Từ một xã có tới 60% lượng rác thải sinh hoạt, làng nghề tồn đọng trong khu dân cư, người dân tùy tiện vứt, đổ rác ra đường làng, ngõ xóm... đến nay người dân xã Phương Tú đã được hưởng một môi trường sống trong lành; 100% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã được thu gom về bãi rác ở các thôn. Hiện, cả 6 thôn của xã thành lập được tổ thu gom rác với 17 xe chở rác chuyên dụng, 25 thùng đựng rác. Xã đã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất để các tổ thu gom rác thực hiện tốt nhiệm vụ.
Mô hình "Thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn" được thực hiện ở xã Đại Đồng (Thạch Thất) từ năm 2009 đến nay cũng đạt được nhiều kết quả. Từ khi thực hiện mô hình, mỗi hộ gia đình được cấp 2 thùng nhựa đựng rác phân hủy và không phân hủy; người dân thường xuyên được tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT; hằng tuần xã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác về điểm tập kết; đồng thời thành lập tổ thu gom rác, xây dựng khu chứa rác tạm thời... Đến nay, toàn bộ lượng rác thải trong dân đã được thu gom, vận chuyển đến nơi quy định. Người dân có ý thức cao trong việc phân loại rác thải tại đầu nguồn, đã tái sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, góp phần giảm lượng rác phải xử lý.
Ngoài ra, mô hình "Xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi và làng nghề" đã và đang được triển khai hiệu quả ở các huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Hoài Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên... thu hút đông đảo nông dân tham gia. Các mô hình này đã tác động đến nhận thức của người dân, làm thay đổi hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Trịnh Thế Khiết: Cần nhân rộng những mô hình điểm phát huy hiệu quả BVMT. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong nhân dân; hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn; xây dựng và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về BVMT.