Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Quốc khánh 2/9, chúng
tôi mời ông Nguyễn Trần Bạt đối thoại về chủ đề: Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc. Đây là tiêu ngữ thiêng liêng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt dưới
Quốc hiệu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hòa XHCN
Việt Nam), từ khi lập nước đến nay.
** Phóng viên: 66 năm qua, Độc lập -Tự do - Hạnh phúc đã trở
thành một tiêu ngữ rất quen thuộc đối các công dân Việt Nam. Tuy nhiên,
sự quen thuộc của nó không bao giờ làm giảm đi tính thiêng liêng và giá
trị của nó, đúng không thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đúng thế! Có lẽ cái tiêu chuẩn số một, tư tưởng số một và nguyên lý số một của Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là độc lập dân tộc.
Thứ hai là tự do và dân chủ. Và có một tư tưởng nữa
không nằm trong cái logo ấy, đó là đại đoàn kết dân tộc. Không có tội ác
nào lớn hơn đối với đất nước bằng tội ác làm mất sự đoàn kết dân tộc.
Cho nên 3 tư tưởng: Độc lập dân tộc, Tự do - dân chủ và Đại đoàn kết dân
tộc là ba điểm mấu chốt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng chính trị của
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn ba tiêu chí độc lập, tự do và hạnh phúc là những
giá trị phổ quát của nhân loại, đã được khẳng định rộng rãi trên thế
giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên trong lịch sử chính trị
hiện đại của chúng ta đã hội nhập với các giá trị của thế giới bằng 3
chữ vĩ đại như thế trong tiêu chí sáng tạo ra nền cộng hòa của chúng ta.
** Phóng viên: Vậy lý tưởng này, trong bối cảnh hôm nay, cần được hiểu như thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Tôi nghĩ rằng từ lý tưởng chính trị đến hiện thực chính trị là cả một
bài toán để giải quyết về sự tương thích các điều kiện và thực tế với lý
tưởng.
Đây là một công việc khó, một công việc rất vất vả
cho mọi thế hệ chính trị, kể cả thế hệ lãnh đạo hiện nay, đứng đầu là
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn còn rất vất vả để hiện thực hóa
tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân tộc chúng ta phải rèn luyện
một bản lĩnh để bảo vệ nền độc lập, với nội hàm của chữ độc lập ngày
càng phức tạp.
Chúng ta phải đủ năng lực để kinh tế độc lập, chúng
ta phải đủ thông thái để chính trị độc lập, chúng ta phải giữ gìn bản
sắc để văn hóa độc lập. Chúng ta phải nâng cao hiệu lực về việc phát
triển con người để con người Việt Nam được độc lập.
Một dân tộc mà nhân dân của nó không có những phẩm
chất để yêu mến giữ gìn và đủ bản lĩnh để giữ gìn nền độc lập thì dân
tộc ấy trên thực tế chỉ độc lập về mặt Nhà nước chứ không phải độc lập
về mặt dân tộc.
Độc lập không chỉ là bản lĩnh Chính phủ, không chỉ là
bản lĩnh đảng chính trị mà là bản lĩnh ấy phải phổ cập đến mức trở
thành bản lĩnh của nhân dân.
** Phóng viên: Thế còn tự do, ngày nay nên hiểu như thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Tự do – rất nhiều người hiểu sai chữ này. Tự do vừa là cái bên trong
mình, vừa là điều kiện bên ngoài. Điều kiện bên ngoài của tự do chính là
dân chủ. Dân chủ chính là tiêu chuẩn môi trường để khái niệm tự do được
tôn trọng.
Còn Độc lập dân tộc cũng là điều kiện để đảm bảo tự
do, bởi vì nếu không Độc lập dân tộc, lệ thuộc vào nước ngoài, đất nước
chúng ta không tự do thì dân chúng ta không tự do được.
Vì thế cho nên Độc lập và dân chủ là các điều kiện
bên ngoài để cho khái niệm tự do được bảo vệ hay là được đảm bảo có môi
trường phát triển.
** Phóng viên: Thưa ông, lý tưởng
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đã từng có một sức mạnh vô cùng to lớn, biến
thành động lực và khát vọng giúp dân tộc chúng ta dành chiến thành
trong những cuộc chiến tranh khốc liệt và không cân sức. Vậy trong thời
bình, Độc lập - Tự do có ý nghĩa như thế nào, có vai trò và vị trí như
thế nào trong công cuộc hiện đại hóa quốc gia?
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Có rất nhiều người nói với tôi, yêu nước là phải hy sinh cho đất nước.
Tôi cười, tôi nói rằng yêu nước là phải làm cho đất nước đáng yêu. Chủ
nghĩa yêu nước trong thời bình, chủ nghĩa yêu nước hiện đại chính là làm
cho đất nước mình đáng yêu hơn, để cho sự yêu nước là tình cảm tự nhiên
của mỗi con người. Bất kỳ cái gì làm cho đất nước chúng ta xấu hơn, ít
hấp dẫn hơn với con người trong nước và ngoài nước thì trong chừng mực
nào đó đều có nghĩa là không yêu nước.
Đấy là chủ nghĩa yêu nước hiện đại, là tự do hiện đại
và tôi nghĩ rằng chúng ta phải phấn đấu theo ba nguyên lý tư tưởng
chính trị quan trọng nhất của Bác Hồ là Độc lập dân tộc, Tự do dân chủ
và Đại đoàn kết dân tộc.
** Phóng viên: Quan sát tình hình
trong nước hiện nay, nhất là những thay đổi sau gần 25 năm chúng ta có
chính sách Đổi mới, cá nhân ông có hài lòng hay không với tốc độ phát
triển của đất nước ta hiện nay?
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Có nhiều người đang đòi hỏi đất nước, đòi hỏi nhà nước phải thỏa mãn
họ, thỏa mãn một số tiếu chuẩn nào đó. Tôi thì khác, tôi luôn luôn cho
rằng mọi hiện thực xã hội đều là hệ quả tất yếu và khách quan của năng
lực của một dân tộc.
Năng lực của dân tộc ấy có trong đó cả năng lực của
chúng ta, những người dân, năng lực của nhà nước, năng lực của chính
phủ, năng lực của đảng chính trị. Chúng ta không thể sốt ruột đòi hỏi
cái vượt quá khả năng của Nhà nước và của Đảng cũng như của người dân.
Bản chất của sự phát triển chính là tạo ra những tiêu chuẩn nhận được sự
đồng thuận hay là phù hợp với năng lực của tất cả các lực lượng cấu tạo
ra xã hội của chúng ta.
** Phóng viên: Tóm lại là ông có hài lòng hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Tôi không đặt ra vấn đề tôi có hài lòng không. Bởi vì mà đặt ra vấn đề
hài lòng tức là tôi đánh giá. Có lẽ trong đời sống tư tưởng chúng ta
phải thay đổi quan niệm như thế. Tôi không đặt ra vấn đề đó. Tôi nghĩ
rằng chúng ta phấn đấu để dần dần nâng cao tất cả các chỉ giới ấy lên
chứ không phải là đưa ra các đòi hỏi cục bộ. Bởi vì tôi có khách quan
đến mấy đi nữa thì đòi hỏi của tôi vẫn là đòi hỏi cục bộ. Đòi hỏi của cả
một số lượng đông hơn tôi cũng không đại diện cho đòi hòi có chất lượng
khách quan toàn xã hội. Cần hiểu chính trị chính là điểm cân bằng giữa
đòi hỏi của tất cả các lực lượng xã hội.
** Phóng viên: So với tốc độ phát
triển của thế giới hiện nay, theo ông Việt Nam chúng ta đang ở vị trí
nào? Liệu chúng ta đã phát huy được hết tiềm năng nội sinh của dân tộc
để đi đúng với sức mình hay chưa?
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Chúng ta đưa ra các mong muốn lớn hơn khả năng của dân tộc chúng ta,
cho nên không bao giờ có sự thỏa mãn của xã hội đối với tốc độ phát
triển và đừng đi tìm kiếm cái đấy một cách vô ích. Nếu xã hội phát triển
đến một mức nào đó thì lại có đòi hỏi mới, đòi hỏi mới bao giờ cũng cao
hơn, xa hơn, phiêu lưu hơn, lãng mạn hơn khả năng của chúng ta.
** Phóng viên: Thưa ông, để thúc đẩy
kinh tế-xã hội đất nước phát triển, chúng ta đang đối diện với những
vấn đề rất lớn. Trong bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố
trước khi Chính phủ khóa XIII ra mắt tại Quốc hội, đã đặt ra ba trọng
tâm ưu tiên giải quyết. Đó là cải cách đổi mới thể chế, phát triển nguồn
nhân lực và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Đặt ra ba vấn đề này là
rất trúng nhưng giải quyết được lại không hề đơn giản. Theo ông trong
lĩnh vực hoàn thiện thể chế chúng ta cần ưu tiên những điểm gì?.
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Tôi cảm nhận một cách khá thiện cảm với nguyên lý 3 đột phá như vậy của
Thủ tướng. Quả thật đấy là 3 vấn đề của đời sống chúng ta, nhưng nội
hàm của cả 3 khái niệm ấy cần được cụ thể hóa. Ví dụ cải cách thể chế
thì phải hiểu thể chế là gì. Có phải là luật pháp không? Thể chế có dừng
lại ở cơ cấu Chính phủ và Nhà nước không? Có phải là các chính sách
không?
Tôi đồ rằng không. Thể chế có những cội nguồn căn bản
hơn nhiều, mà ngay cả Thủ tướng khi phát biểu về những vấn đề ấy cũng
rất thận trọng. Rất nhiều người muốn phê phán hoặc là muốn khen ngợi.
Nhưng tôi xin lỗi là cả sự phê phán lẫn khen ngợi đều không phát hiện
đúng cái khó khăn mà Thủ tướng phải đối mặt!
** Phóng viên: Vậy nếu cần có sự góp
ý cho Chính phủ thì theo ông, cần phải ưu tiên làm việc gì cho phù hợp
với hoàn cảnh và điều kiện của nước ta hiện nay?
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Cần tập trung vào thực hiện 3 nguyên lý quan trọng nhất của tư tưởng Hồ
Chí Minh. Tức là phải xác lập độc lập dân tộc một cách rõ rệt. Phải xác
lập quyền tự do và dân chủ của xã hội một cách cụ thể, và phải làm thế
nào để quy tụ được đoàn kết dân tộc. Đấy là mục tiêu chính. Muốn gì thì
muốn chúng ta không đi qua và không tránh được ba nguyên lý cơ bản ấy
của tư tưởng Hồ Chí Minh.
** Phóng viên: Hiện nay, Việt Nam đã
ở vào ngưỡng các quốc gia có thu nhập trung bình. Về mặt kinh tế -
chính trị, chúng ta đã có một vị thế đáng kể trên thế giới, có quan hệ
với tất cả các nền kinh tế lớn, trong đó có nền kinh tế Mỹ và nền kinh
tế Trung Quốc. Trong quan hệ với 2 nền kinh tế này thì một mặt chúng ta
xuất siêu vào Mỹ, một mặt ta lại nhập siêu từ Trung Quốc. Theo ông, ta
phải làm gì để cân bằng và có lợi với hai nền kinh tế này?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu
hỏi của anh được diễn đạt một cách tế nhị, dưới giác độ kinh tế. Nhưng
thực chất câu hỏi của anh là chúng ta giải quyết thế nào về chính sách
đối ngoại giữa hai quốc gia khổng lồ và hiện nay đang thao túng và chi
phối bàn cờ chính trị toàn cầu, bàn cờ kinh tế toàn cầu và trong một
thực tế nào đó là bàn cơ văn hóa.
Tôi cho rằng nên đối xử với hai thế lực đang chi phối
nhân loại bằng thái độ của một quốc gia độc lập, tức là quay lại 3
nguyên lý chính trị quan trọng của Hồ Chủ tịch. Khi đó, chúng ta sẽ là
đối tượng được họ tranh thủ. Khi mà chúng ta thừa nhận những giá trị cơ
bản của nhân loại thì chúng ta thuộc về nhân loại. Giai đoạn mà các
cường quốc thôn tính, chi phối và giết chết các dân tộc qua rồi. Đấy là
thành tựu cơ bản của phong trào giải phóng dân tộc, một trong những trào
lưu chính trị quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Cho nên tôi nghĩ, chúng ta cần chia sẻ với các tiêu
chuẩn toàn cầu về đời sống con người, qua đó tạo ra hiệu lực đoàn kết
một cách tự nhiên giữa chúng ta với nhân loại, đoàn kết một cách tự
nhiên các lực lượng nhân dân chúng ta, thống nhất xung quanh Đảng ta,
Chính phủ ta, xung quanh Quốc hội của chúng ta. Đó chính là lực lượng cơ
bản để chúng ta đối phó với tình trạng phức tạp của đời sống chính trị
quốc tế hiện nay.
** Phóng viên: Theo ông nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ gì?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước mọi nguy cơ. Thậm chí có lúc tiêu cực tôi nói chúng ta chưa có nền kinh tế của mình.
Ở trên thế giới người ta có những kho gạo trong đó
gạo được phân loại ra từng loại, ví dụ loại nấu 5 phút mới chín, loại
nấu 3 phút, loại 2 phút. Có nghĩa là cấu trúc sản phẩm gạo đã liên quan
đến vấn đề tiêu thụ năng lượng. Nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông
nghiệp chưa chuyên nghiệp. Chúng ta vẫn dừng lại ở trạng thái là nuôi,
trồng và bán con, bán cây. Sản phẩm nông nghiệp của chúng ta không phải
là sản phẩm nông nghiệp chuyên nghiệp.
Chúng ta tự hào là chúng ta xuất khẩu bao nhiêu tấn
gạo, nhưng chúng ta mới tự hào như một anh nông dân bán được gạo. Chúng
ta chưa tự hào với tư cách là một lực lượng kinh tế nông nghiệp.
Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế không chuyên
nghiệp và chưa có các cấu trúc căn bản của nó. Ở đâu chúng ta cũng động
chạm. Sân golf nhiều hơn ruộng lúa cũng là vấn đề đụng chạm. Vấn đề là
phải cấu trúc lại cái cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam.
** Phóng viên: Ông có thể nói một cách khái quát?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Một
cách khái quát là anh phải có cấu trúc cụ thể. Chính sách vĩ mô bao giờ
cũng có 2 loại. Loại để tạo ra một cấu trúc thực và loại để tạo ra hiệu
quả thương mại. Chúng ta mới chỉ chú ý đến tầng trên là tạo ra hiệu quả
thương mại mà chúng ta không để ý đến việc xây dựng lực lượng kinh tế.
Không có một cấu trúc kinh tế ổn định thì chúng ta không thể có cái gọi
là chính sách vĩ mô về phát triển.
Tôi nói lại là bước một chúng ta phải xây dựng cái cơ
cấu thực, cấu trúc thực của nó. Thứ hai, chính sách kinh tế là sự chú ý
chính trị của Nhà nước vào một khu vực nào đó của nền kinh tế nhằm xúc
tiến nó phát triển lên để tạo ra những sự cân bằng cần thiết vào mỗi một
giai đoạn phát triển khác nhau.
** Phóng viên: Ông dự cảm gì về tình hình kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đây
là một câu hỏi rất khó! Năm năm tới sẽ là một bước đột phá quan trọng
nếu chúng ta đúng. Năm năm tới là một cái hố tiêu năng khổng lồ nếu
chúng ta sai. Cái đó hoàn toàn lệ thuộc vào chính sách của chúng ta vào
chất lượng chính trị của Nhà nước và của xã hội.
Chúng ta phải có một Nhà nước rành mạch. Có thái độ
rõ ràng trước tất cả các vấn đề nhất là đối với con người. Chúng ta nói
thẳng đấy là một quá trình rèn luyện. Không phải chỉ rèn luyện của xã
hội mà còn rèn luyện của cả Đảng cầm quyền. Thừa nhận đó là một quá
trình thì có gì xấu hổ. Cả thế giới người ta đều rèn luyện cả, kể cả
những nhà nước tiên tiến bây giờ cũng phải rèn luyện.
** Phóng viên: Thưa ông, để đưa đất
nước phát triển ổn định, đạt được các mục tiêu đề ra như mong muồn thì
Đảng, Nhà nước, Chính phủ và từng công dân cần hành động như thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi
cho rằng để tạo ra một đất nước có triển vọng, để tạo ra một tương lai
có triển vọng đối với xã hội chúng ta, chúng ta bắt buộc phải có một hệ
thống chính trị, trong đó trung tâm là Chính phủ, tạo ra lòng tin cho xã
hội bằng sự chính đáng của chính sách, bằng sự công khai của chính
sách.
Giá trị của một công dân là đóng góp dần dần để cải
biến cái thể chế ấy chứ không phải chống lại nó. Cho nên, tôi nghĩ rằng
công dân nước cộng hòa của chúng ta phải thừa nhận Chính phủ chúng ta,
phải thừa nhận Nhà nước chúng ta và phải có thái độ thân thiện về chính
trị đối với Chính phủ, đối với Nhà nước, đối với Đảng một cách rõ rệt.
Thái độ thân thiện tích cực nó khác với thái độ thân
thiện thụ động. Đó là nghiên cứu các nhược điểm của thể chế hiện hành
bằng con đường khoa học để cải thiện dần dần, không tạo các sức ép chính
trị một cách vô lý. Không được phép tạo ra sự rối loạn tâm lý chính trị
để từ đấy làm cho năng lực hợp tác của các lực lượng xã hội trở nên rối
loạn. Đấy là quan điểm chính trị của tôi.
** Phóng viên: Xin cảm ơn ông Nguyễn Trần Bạt về cuộc trò chuyện này!.