 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng năm học mới. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Thủ tướng khẳng định nhờ có sự quan tâm đó, cùng với sự nỗ lực của các
thế hệ thầy cô giáo, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với
việc đẩy mạnh thực hiện nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua trong
toàn ngành giáo dục, đến nay nền giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển
đáng kể. Hệ thống và mạng lưới giáo dục ngày càng được hoàn thiện; quy
mô tăng nhanh; chất lượng không ngừng được nâng lên; giáo dục ở vùng
đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được đặc biệt quan tâm...
Thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của mỗi thầy cô giáo, mỗi em
học sinh, của từng trường học, từng cơ sở giáo dục đào đạo, từng cán bộ
và đơn vị quản lý giáo dục, cũng như sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ
huynh, của mỗi gia đình, mỗi dòng họ và toàn xã hội, trong đó có tỉnh
Thừa Thiên Huế và Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế - Thủ
tướng nhấn mạnh.
Vui mừng về bảng vàng thành tích và truyền thống hiếu học, tôn sư trọng
đạo của trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng biểu dương sự cố gắng và những thành tích của ngành giáo
dục và đào tạo trong cả nước, cũng như của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt
là sự cố gắng và thành tích xuất sắc của thầy và trò trường
Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế đã đạt được trong những năm
qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ những
bất cập, yếu kém, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc
biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, trong đó có khu
vực miền Trung như tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh trung bình năm học
vừa qua còn cao (bậc trung học cơ sở, miền Trung còn trên 8% yếu kém,
trên 45% trung bình; bậc trung học phổ thông còn 11,5% yếu kém, 49,4%
trung bình, đây là tỷ lệ khá cao so với cả nước).
Việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học vẫn còn nhiều khó
khăn, phân luồng học sinh và giáo dục hướng nghiệp chưa thật sự hiệu
quả, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, cơ cấu
không đồng bộ ở các cấp học , năng lực sư phạm của một bộ phận
giáo viên còn hạn chế ... là một trong những nguyên nhân làm cho chất
lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm học 2011-2012 là năm học có ý
nghĩa đặc biệt, năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần
thứ XI, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020,
trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất
lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục
quốc dân là một khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nhân lực,
bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng con người
Việt Nam phát triển toàn diện. - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục Thừa
Thiên Huế phải khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào
tạo. Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa
và hội nhập quốc tế; tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương
pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục phát triển mạng
lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đặc biệt quan tâm
phát triển giáo dục ở những vùng khó khăn. Đẩy mạnh đổi mới công tác
quản lý giáo dục. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý,
trong dạy và học. Khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài;
bảo đảm công bằng xã hội, thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong
giáo dục; xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học
tập suốt đời.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên-Huế quan tâm xây dựng
tập thể sư phạm nhà trường ngày càng vững mạnh về mọi mặt, hết lòng vì
sự nghiệp giáo dục. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản
lý cả về số lượng và chất lượng, gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận
động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.“
Mỗi cán bộ giáo viên phải thường xuyên cập nhật bổ sung kiến thức mới,
không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, đạo đức nghề
nghiệp, sáng tạo trong công việc, tận tâm, tận tuỵ, hết lòng vì thế hệ
trẻ, vì học sinh thân yêu, thực sự là những tấm gương sáng để học sinh
noi theo.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện,
học sinh tích cực" nhằm tạo dựng một môi trường giáo dục lành mạnh; làm
tốt công tác giáo dục toàn diện, đào tạo thế hệ trẻ phát triển cả về
đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ , đồng thời tiếp tục đổi mới
công tác quản lý tài chính , thực hiện tốt chủ trương xã hội
hóa trong giáo dục, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ,
trang thiết bị phục vụ tốt công tác dạy và học theo hướng chuẩn
hóa, hiện đại hóa ...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa
phương , các đoàn thể, các bậc cha mẹ học sinh cùng toàn thể nhân dân
tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như trong cả nước phải luôn quan tâm chăm lo
và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người,” tạo điều kiện tốt
hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em
chúng ta.
Tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm hơn nữa, có chính sách ưu đãi cho đội ngũ
giáo viên và học sinh của nhà trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị để trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế xứng
đáng là một trong những trường có chất lượng hàng đầu, trường kiểu mẫu
trong cả nước, đồng thời xây dựng Đại Học Huế xứng đáng là một trung tâm
đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước, góp phần thực
hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành
thành phố trực thuộc Trung ương.
Được thành lập năm 1896, Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế
là ngôi trường có bảng vàng thành tích và truyền thống hiếu học, tôn sư
trọng đạo mà các thế hệ thày và trò của trường đã dày công vun đắp . Đây
cũng là ngôi trường có bề dày lịch sử vẻ vang, yêu nước và cách mạng,
nơi mà nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, nhiều nhà khoa
học, nhà văn hoá, nhà giáo dục lỗi lạc của dân tộc đã từng học tập,
giảng dạy, rèn tâm, luyện trí, truyền lửa cho các thế hệ đời sau. Chính
tại ngôi trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng học tập, nung
nấu ý chí cách mạng, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước và trở thành
lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hoá thế giới.