
Chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972 - Ảnh: Tư liệu
|
Cách đây 40 năm, vào ngày 6.9.1971, rất nhiều sinh viên đã gác bút
nghiên lên đường nhập ngũ, để tăng cường lực lượng chiến đấu (trong đó
có mặt trận Quảng Trị). Trong số những người thanh niên sôi nổi đó, có
cậu sinh viên khoa toán - cơ trường ĐH Tổng hợp Hà Nội - Nguyễn Văn
Thạc. Anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị khi chưa đầy 20 tuổi.
Trong nhật ký của mình, Nguyễn Văn Thạc viết: “Bây giờ, càng đi lâu,
mình càng thấy sự có mặt của mình trong quân đội là cần thiết, là đúng
đắn. Xấu hổ biết bao nhiêu vì thanh niên trai tráng, khỏe mạnh lại suốt
ngày ru rú trên cửa sổ của giảng đường đại học! Suốt ngày gìn giữ nếp áo
quần, giữ bàn tay cho sạch, và soi gương làm dáng… để cho lớp thanh
niên vừa nhỉnh một chút lăn lộn người ngoài tiền tuyến, với những thằng
lính Mỹ xâm lược to gấp đôi, gấp rưỡi mình! Thế sao trước kia mình không
nhận thấy điều ấy? Một chân lý đơn giản, thật dễ hiểu? Mình trước kia
không hiểu hay không muốn hiểu?”.
Chương trình Quảng Trị - Thuở binh nhì (đạo diễn Nguyễn Khánh Trình)
là dịp những người lính đã chiến đấu, những cậu sinh viên trai trẻ đã
lên đường đến mảnh đất Quảng Trị cùng sống lại những kỷ niệm một thời
máu lửa. Khán giả sẽ cùng trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện, chia
sẻ của những người lính, những người sinh viên có mặt trong cuộc chiến
như trung tướng Hoàng Kỳ, thiếu tướng Nguyễn Hoàng Mão, nhạc sĩ Nguyễn
Thụy Kha... Những bài hát được sáng tác theo lời thơ, bức thư của liệt
sĩ Nguyễn Văn Thạc sẽ giúp khán giả hiểu hơn về tâm sự của những người
sinh viên sẵn sàng tạm gác ước mơ, lên đường khi Tổ quốc cần.