Dù hoạt động theo mô hình nào thì mục tiêu cao nhất là chất lượng GD
phải tăng. Đó là điều mà 6 đơn vị chuyển từ mô hình bán công sang công
lập tự chủ tài chính của quận Hoàn Kiếm đã làm được. Trường Tiểu học
Tràng An có thêm nhiều phòng học hiện đại nhờ 30% nguồn kinh phí từ tiền
học, học sinh được học tập, giáo viên được dạy học trong điều kiện tốt
không kém các cơ sở GD có mức thu gấp hàng chục lần. Do đó, thành tích
dạy và học của cô và trò không ngừng tăng để nhà trường trở thành lá cờ
đầu khối các trường tiểu học ở Hà Nội, được cơ quan kiểm định chất lượng
đánh giá đạt cấp độ 3, cấp độ cao nhất về bảo đảm chất lượng đối với
một trường phổ thông. Các trường mẫu giáo, mầm non: 20/10, Tuổi Thơ,
Quang Trung, Mầm non A, Bà Triệu, dù là tự chủ hoàn toàn hay tự lo một
phần kinh phí, đều đầu tư cho cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm
chất lượng. Các bé không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đầy đủ,
chu đáo mà còn được phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, được dạy chuyên
một số hoạt động nghệ thuật, làm quen với tiếng Anh, theo dõi sức khỏe
hằng ngày... Mọi nhu cầu rất riêng theo nguyện vọng của phụ huynh cũng
được các nhà trường đáp ứng, như ăn sáng, ăn tối, tắm rửa tại trường,
chăm sóc ngoài giờ, đón, trả muộn...
 |
Học sinh Trường Tiểu học Tràng An, Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Không chỉ chất lượng GD đạt mức cao, ở 6
đơn vị này, chất lượng đội ngũ, chất lượng công tác quản lý hoạt động GD
và chất lượng công tác thu, chi tài chính cũng đều có bước chuyển lớn.
Cô giáo được đãi ngộ xứng đáng dù phải đáp ứng đòi hỏi cao hơn nên chịu
khó rèn luyện cả về trình độ chuyên môn lẫn khả năng sư phạm. Giám hiệu
các trường được chủ động trong mọi hoạt động quản lý, từ điều tiết sử
dụng nguồn thu đến tuyển dụng, sử dụng người lao động. Trưởng thành từ
giáo viên giỏi nên với hiệu trưởng, hiệu phó của các đơn vị tự chủ tài
chính, quá trình chuyển đổi mô hình của nhà trường đã tạo điều kiện để
họ trưởng thành lên rất nhiều, nhất là với những người trẻ. Cơ quan quản
lý GD có điều kiện để xây dựng một mô hình làm mẫu đối chứng và rút
kinh nghiệm từng bước cho các đơn vị khác trong quận.
Cẩn trọng và khoa học trong việc lựa chọn những đơn vị chuyển đổi mô
hình sang tự chủ tài chính, quận Hoàn Kiếm đã bảo đảm sự phát triển hài
hòa giữa các loại hình trường cũng như yêu cầu công bằng GD. Không chỉ
là ở mỗi phường, học sinh có nhu cầu học trường công lập bình thường hay
trường công tự chủ tài chính đều được đáp ứng, sự công bằng trong GD
còn được thể hiện ở chỗ, nguồn ngân sách dành cho GD vẫn được bảo đảm,
để chi cho những nhu cầu hợp lý của các đơn vị đang chuyển đổi lẫn các
trường học còn khó khăn.
Hướng tới dịch vụ chất lượng cao
Kết quả ba năm chuyển đổi mô hình từ bán công sang tự chủ tài chính thể
hiện sự sáng tạo và dám nghĩ, dám làm của ngành GD Hoàn Kiếm trong việc
thực hiện chủ trương xã hội hóa GD, được các cấp quản lý đánh giá cao và
người dân ủng hộ. Song vốn là quận đi đầu trong nhiều đổi mới, dường
như những cái được của ba năm qua chưa đủ làm hài lòng những người trong
cuộc, bởi công cuộc "mở đường" cũng đã cho thấy những "khúc quanh".
Nói như Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Thọ, Hoàn Kiếm luôn đi đầu
đương nhiên sẽ gặp rất nhiều rào cản từ cả cơ chế, chính sách, văn bản
pháp luật lẫn quan điểm và suy nghĩ của mọi người, nhưng cơ quan tài
chính mong muốn mô hình ngày càng phát triển và những vướng mắc hiện nay
có thể được tháo gỡ bằng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của
thành phố. Hiện nay, theo ý kiến của 6 hiệu trưởng, với mức thu tiền học
theo đề án của quận được xây dựng cách đây ba năm, các trường sẽ gặp
khó khăn trong việc bảo đảm hoạt động vì tỷ lệ trượt giá cao và lương cơ
bản liên tục điều chỉnh. Quan điểm của cơ quan tài chính đã thể hiện
rất rõ sự hỗ trợ đối với các đơn vị "dám" đi đầu rằng, sẽ kéo dài thời
gian ngân sách cho các đơn vị đang tự chủ một phần và ủng hộ việc Hoàn
Kiếm có thể điều chỉnh mức thu cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, mấu chốt để giải quyết khó khăn cho các đơn vị này nằm ở việc
gọi tên cho đúng mô hình để có cơ chế, chính sách phù hợp. Cái tên đơn
vị công lập tự chủ tài chính đã hoàn thành "nhiệm vụ" của giai đoạn thí
điểm. Sự phát triển của "cơ thể" - các trường bán công chuyển đổi mô
hình - vừa cho phép, vừa đòi hỏi phải có một cái "áo" khác để tiếp tục
phát triển. Đó chính là mô hình cung ứng dịch vụ trình độ chất lượng
cao.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thí điểm chuyển đổi mô hình vừa được quận Hoàn
Kiếm tổ chức, đại biểu của các sở, ngành đều thống nhất với nhận định
này dù cho rằng cần có lộ trình riêng cho từng đơn vị. Song để tiến tới
hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ chất lượng cao, các đơn
vị cần được "danh chính" bằng quyết định của Sở GD-ĐT Hà Nội, đưa
trường vào danh sách đơn vị thí điểm mô hình này theo Nghị quyết của
HĐND thành phố về đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT và y tế giai đoạn 2009-2015.
Thêm nữa, đó là các tiêu chí của một đơn vị cung ứng dịch vụ trình độ
chất lượng cao. Đây là những cơ sở pháp lý cần có và không khó để ban
hành.