Thế
giới hôm 11-9 đã kỷ niệm 10 năm sự kiện khủng bố kinh hoàng ở Mỹ bằng
những lời cầu nguyện và sự hồi tưởng. Từ Sydney (Úc) cho đến Paris
(Pháp), nhiều buổi lễ đã được tiến hành để tưởng niệm gần 3.000 người
đến từ hơn 90 nước thiệt mạng.
Nỗi đau không dứt
Đối
với một số người, nỗi đau mất người thân trong vụ 11-9-2001 sẽ không
bao giờ chấm dứt. Tại ngoại ô Kuala Lumpur (Malaysia), bà Pathmawathy
Navaratnam thức dậy vào sáng 11-9 và làm công việc mà bà vẫn thực hiện
hằng ngày trong suốt 10 năm qua. Đó là nói lời chào đến người con trai
Vijayashanker Paramsothy, một nhà phân tích tài chính 23 tuổi đã thiệt
mạng trong các vụ tấn công khủng bố ở New York 10 năm trước. Bà
Navaratnam nói với hãng tin AP: “Tôi không thể chấp nhận sự thật rằng
con trai mình không còn trên cõi đời này nữa. Tôi vẫn đang sống nhưng
lòng tôi đã chết từ ngày đó”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố 11-9-2001 ở New York.
Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khi đó, nhiều
người thân của 23 nhân viên ngân hàng Fuji Bank đã tập trung tại Tokyo,
Nhật Bản để tưởng nhớ họ. Những người này đã không thể thoát ra được văn
phòng của mình tại tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New
York trước khi nó sụp đổ. Trong số 23 nạn nhân có 12 người Nhật Bản.
Ở
Úc, cụ bà Rae Tompsett, một cư dân 81 tuổi sống tại Sydney, nói bà chưa
bao giờ cảm thấy tức giận về cái chết của người con trai Stephen
Tompsett (39 tuổi). Tompsett là một kỹ sư máy tính, đang làm việc tại
tầng 106 của tòa tháp phía Bắc của WTC thì bị chiếc máy bay khủng bố đâm
vào. Bà khẳng định: “Tôi không hề giận dữ. Tôi chỉ buồn vì những người
có hành động ghê gớm đó tin rằng họ đang làm một việc gì tốt đẹp”. Vị
giáo viên về hưu này và chồng đã tham gia buổi lễ tưởng niệm những nạn
nhân vụ khủng bố tại một nhà thờ địa phương trong ngày 11-9.
Tưởng niệm trong cảnh giác
Tại
Mỹ, người dân hồi tưởng lại sự kinh hoàng của sự kiện khủng bố
11-9-2001 trong lúc nhà chức trách tập trung nỗ lực để bảo đảm các buổi
lễ kỷ niệm diễn ra yên bình. Lực
lượng thực thi pháp luật được đặt trong tình trạng báo động cao ở New
York và Washington trước thông tin về mối đe dọa tấn công của mạng lưới
khủng bố Al-Qaeda trong dịp này.
Theo
hãng tin Reuters, an ninh đặc biệt được siết chặt tại khu Manhattan ở
New York, nơi Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama và ông George W. Bush,
người là TT vào thời điểm xảy ra các vụ khủng bố, đã cùng với gia đình
các nạn nhân tham dự lễ tưởng niệm tại nơi tòa nhà WTC sụp đổ trong ngày
11-9.

Cụ bà Rae và chồng Jack Tonpsett dự một buổi lễ tưởng niệm vụ 11-9 tại Sydney, Úc. Ảnh: AP
Nước Mỹ dành một phút
mặc niệm vào thời điểm 2 máy bay đâm vào tòa nhà này và khi nó sụp đổ.
Cũng như những năm trước, danh tính các nạn nhân được đọc lên trong
tiếng chuông ngân vang khắp thành phố. Ngoài ra, một phút mặc niệm cũng
được dành cho thời điểm một máy bay khác đâm vào Lầu Năm Góc và cho thời điểm chiếc máy bay còn lại lao xuống một cánh đồng ở Shanksville, thuộc bang Pennsylvania.
Trước
đó một ngày, phó TT Joe Biden và 2 cựu TT George W. Bush và Bill
Clinton đã dự lễ khánh thành đài tưởng niệm 40 hành khách và thành viên
phi hành đoàn trên chiếc máy bay rơi ở Shanksville. Phát biểu tại buổi
lễ, ông Bush khẳng định nước Mỹ sẽ không bao giờ quên hành động anh hùng
của 40 người trên chuyến bay nói trên. Một đài tưởng niệm 746 công dân
bang New Jersey thiệt mạng trong các vụ tấn công cũng được khánh thành
hôm 10-9.
Trước
khi dự các buổi lễ, TT Obama tuyên bố nước Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn 10
năm sau vụ khủng bố trong lúc Al-Qaeda đã bị suy yếu nhờ những nỗ lực
không ngừng nghỉ của nước này. Ông Obama khẳng định Washington sẽ không
lơi lỏng trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời kêu gọi nâng cao
“tinh thần cảnh giác và tính sẵn sàng” trước các mối đe dọa của khủng
bố. Ngoài New York, ông Obama còn dự các buổi lễ ở Lầu Năm Góc (bang
Virginia) và Shanksville.
Mỹ không xem thường mối đe dọa
Các cơ
quan tình báo Mỹ không tìm thấy chứng cứ Al-Qaeda đã lén lút đưa những
tên khủng bố vào nước này để tiến hành tấn công vào dịp kỷ niệm 10 năm
vụ 11-9. Thế nhưng, nhà chức trách nước này vẫn giữ báo động ở mức cao
trong khi các nhà điều tra tiếp tục tìm kiếm bằng chứng về một âm mưu
nhằm phá hoại các buổi lễ ở Washington hoặc New York.
Các
nhà phân tích tình báo đã theo dõi hành vi của những người vào nước Mỹ
trong thời gian gần đây. Không ai trong số đó cho thấy có liên quan đến
âm mưu nói trên. Từ đó, một số giới chức tình báo Mỹ nảy sinh nghi ngờ
về mối đe dọa mà họ được thông tin.
Tuy
nhiên, giới tình báo Mỹ không gạt bỏ mối đe dọa đó. An ninh đã được tăng
cường để bảo vệ dân cư ở hai thành phố đã bị tấn công 10 năm trước.
Cảnh sát vẫn chưa liên kết một mối đe dọa nào với âm mưu khủng bố.
Trong
khi đó, vào dịp kỷ niệm này, Taliban cam kết tiếp tục chiến đấu chống
lực lượng Mỹ ở Afghanistan, đồng thời phủ nhận vai trò trong vụ khủng bố
11-9-2001.
Lục San |