Người viết: Nhà văn – dịch giả Hoàng Long: Còn loài người, còn văn chương.
Hoàng Long sinh năm 1980 tại Đà Lạt. Năm 2002, cử nhân Đông phương học; năm 2006, cao học văn hoá học – đại học KHXH&NV TP.HCM. Hiện sống và làm việc tại Nagoya, Nhật Bản. Đã xuất bản: Kawabata Yasunari, Tuyển tập tác phẩm (in chung), NXB Lao Động, 2005; truyện ngắn Murakami Haruki – Nghiên cứu và phê bình, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2006; Miyamoto Musashi, Con đường kiếm thuật, dịch và luận chú, NXB VHTT, 2007; Thế giới trùm chăn (tập truyện cực ngắn), NXB Hội Nhà Văn, 2007; Murakami Ryu, 69 (truyện dịch), NXB Hội Nhà Văn, 2008; Những tàn dư mưa (tập truyện cực ngắn), NXB Lao Động, 2011; Dazai Osamu, Thất lạc cõi người (truyện dịch), NXB Hội Nhà Văn, 2011.
Anh luôn kết hợp việc làm thơ, viết truyện cực ngắn với dịch thuật, hiện nay tác phẩm mà anh đang làm là gì?
Tôi vẫn viết truyện cực ngắn và đang dịch tiểu thuyết Tà dương của Dazai Osamu (1909 – 1948). Đây là một tác phẩm kinh điển của văn học Nhật Bản nói về một gia đình quý tộc sa sút trong dòng chảy thời cuộc. Tác phẩm này nổi tiếng đến mức trong tiếng Nhật có từ “tà dương tộc” (shayozoku) để chỉ những gia đình thượng lưu sa sút vì một biến chuyển gấp gáp của xã hội.
Có nhiều ý kiến cho rằng Dazai Osamu luôn chạy trốn hiện thực về một nước Nhật đang thay đổi quá nhanh để “vẽ nên” một hiện thực cho riêng mình. Theo anh, điều này có đúng với các tác giả cùng trang lứa tại Việt Nam hiện nay, khi họ thường tránh né hiện thực cuộc sống, các tiêu điểm nóng hổi?
Hiện thực nào cũng mang tính chủ quan. Vì thế tuỳ theo cách quan niệm ta sẽ có một hiện thực của riêng mình. Câu nói “vạn pháp duy tâm biến hiện” là cực kỳ chuẩn xác. Sự né tránh “những đề tài gai góc”, hay “né tránh hiện thực” bởi vì cái gọi là “hiện thực” đó nhiều khi không phải là cái hiện thực nhà văn nhìn thấy. Mối quan tâm của văn chương khác với mối quan tâm của chính trị. Nhà văn trong chừng mực nào đó có thể phản ánh tâm thế thời cuộc nhưng những tác phẩm chân chính bao giờ cũng vượt lên chính thời cuộc đó để mang tính phổ quát vĩnh hằng của con người trong dòng lịch sử.
Không chỉ có hiện thực khác trong văn học, mà trong mỗi người, mỗi chuyên ngành đều có cách nhìn hiện thực của riêng mình. Ví dụ như nhà vật lý lượng tử thấy hiện thực là các hạt và sóng; nhà Phật thấy hiện thực là duyên khởi; nhà duy vật thấy thế giới là những vật chất đang vận động theo quy luật; và hiện thực của người mù khác với người sáng mắt. Cuối cùng vì mỗi nhà văn có một hiện thực của riêng mình nên văn chương mới phong phú và thế giới này mới đẹp đẽ trong sự đa dạng như thế.
Từ góc độ của người nghiên cứu văn học, bạn có nghĩ rằng sứ mệnh và chân giá trị của nhà văn đang bị thay đổi?
Sứ mệnh và chân giá trị của nhà văn không hề thay đổi. Chỉ có điều trước sự phát triển của các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc và sự phổ cập của internet, sứ mệnh của nhà văn trở nên khiêm tốn hơn; không cần phải vẽ ra một bức tranh hoành tráng về sự chuyển động của lịch sử hay bản chất của tấn trò đời gì cả (việc này đã có phim ảnh đảm nhiệm) mà tận tuỵ sống cuộc đời của mình, khám phá ra những kinh nghiệm hiện sinh, cưu mang một ánh chớp của kỷ niệm nhỏ nhoi khỏi ngàn năm quên lãng. Điều đó tạo nên chân giá trị của nhà văn và tôi tin vai trò của văn chương muôn đời vẫn không thể nào thay thế được. Nó sẽ tồn tại cho đến khi loài người tuyệt diệt.
(Theo sgtt.vn)