Bí ẩn hầm chống hạt nhân tại Đức
Trong kỳ chiến tranh lạnh, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân gần như thường trực, giống như đám mây bao trùm toàn bộ khu vực châu Âu và thế giới. Để tránh rơi vào tình trạng như "rắn mất đầu" khi chiến tranh hạt nhân xảy ra, một số nước đã xây dựng những trung tâm chỉ huy bí mật nằm sâu dưới lòng đất được trang bị hiện đại và có thể tránh được các đòn tấn công hạt nhân. Theo số liệu mới được công bố, tại Đông Đức (CHDC Đức trước đây) có khoảng 1.200 căn hầm bí mật như vậy.
Một căn hầm bí mật như vậy nằm ở thị trấn Tessin, gần TP Rostock ở phía
bắc nước Đức là trung tâm chỉ huy của lực lượng Hải quân Đông Đức vừa mở
cửa trở lại sau 20 năm. Tuy nhiên, ngày nay sứ mệnh của căn hầm không
giống như hơn 20 năm trước khi nó được sử dụng làm nơi chỉ huy tác chiến
hay lánh nạn trong trường hợp khẩn cấp do chiến tranh hạt nhân, mà được
mở cửa để đón khách du lịch. Đây là căn hầm lớn, kiên cố và hiện đại
thứ hai trong số 1.200 căn hầm của Đông Đức (sau hầm nằm ở khu vực
Hennickendorf, ngoại ô phía nam Thủ đô Berlin, nơi từng là Trung tâm chỉ
huy của Bộ Quốc phòng CHDC Đức thời kỳ chiến tranh lạnh). Căn hầm được
khởi công xây dựng vào năm 1969, mãi tới tháng 12-1974 mới chính thức đi
vào hoạt động. Hầm gồm hai tầng, tổng diện tích khoảng 3.000 m², tương
đương với hai sân khúc côn cầu chồng lên nhau. Tổng giá trị đầu tư 62
triệu mark Đức (DM), tương đương lương tháng của 100 nghìn người lao
động Đức lúc bấy giờ.
Tổ vận hành căn hầm bí mật này gồm 69 người, làm việc suốt ngày đêm.
Theo quy định của quân đội CHDC Đức khi đó, chỉ có tối đa 15% số nhân
viên vận hành dưới căn hầm được nghỉ trong vòng 24 giờ. Điều đó có nghĩa
là mỗi ngày có khoảng 10 người may mắn được lên mặt đất để hít thở
không khí trong lành. Những người còn lại tiếp tục làm việc bất kể ngày,
đêm và cả trong ngày lễ, tết.
Các thiết bị kỹ thuật mới nhất trong hầm ngầm giúp các cấp chỉ huy nhận
biết tức thì về một cuộc tiến công hạt nhân trên mặt đất. Hệ thống báo
động tự động sẽ truyền tín hiệu cho các thiết bị khác trong hầm để điều
khiển cánh cửa thép nặng 3,5 tấn trong tích tắc là đóng sập lại; các
thiết bị của hệ thống thông gió tự động ngừng hoạt động; các lỗ thông
gió cũng tự động được bịt kín nhằm ngăn chất phóng xạ trên mặt đất có
thể lọt xuống hầm. Lúc này trong hầm, hệ thống dưỡng khí vẫn tiếp tục
hoạt động. Tuy nhiên, lượng dưỡng khí dưới hầm ngầm chỉ có thể giúp các
binh sĩ ở đó tối đa 20 ngày. Nên trong khoảng thời gian đó, mọi người
phải tìm cách thoát ra ngoài để đến một nơi an toàn hơn.
Trước đây, CHDC Đức đã lên kế hoạch chi khoảng 63 triệu DM để nâng cấp
căn hầm. Thời gian dự định thực hiện từ năm 1990 đến 1994. Tuy nhiên,
khi chiến tranh lạnh kết thúc, kế hoạch này cũng lùi vào dĩ vãng, để đến
tận ngày nay nó mới được mở cửa phục vụ khách tham quan.