Một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình tái cấu trúc kinh tế
là phải xác định đúng chủ thể. Bởi, điều này sẽ quyết định các cơ chế,
chính sách mà ngành chức năng sẽ ban hành. Muốn vậy, phải nhận diện rõ
để giải quyết có hiệu quả một số vấn đề chủ yếu. Trong đó có vấn đề xác
định động lực tăng trưởng của quá trình tái cấu trúc dựa vào nguồn lực
và thành phần kinh tế nào: doanh nghiệp (DN) nhà nước, nước ngoài, hay
các DN thuộc thành phần kinh tế khác. Bởi, thời gian gần đây, vấn đề
tăng trưởng gần như đã trở thành "khẩu hiệu" của lãnh đạo các ngành cũng
như các nhà hoạch định chính sách, nhưng ít có ngành nào trăn trở nên
tăng trưởng thế nào là hợp lý.
Mục tiêu của tái cấu trúc, suy cho cùng là đánh thức, huy động mọi nguồn
lực phát triển đang tiềm ẩn... Một yêu cầu quan trọng để chương trình
tái cấu trúc kinh tế thành công là cần đổi mới tư duy điều hành chính
sách tiền tệ - tài khóa. Việc điều hành kinh tế từ thời kỳ đổi mới đến
nay cho thấy, bên cạnh chính sách tài khóa có vai trò đòn bẩy (qua việc
đầu tư công và phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô DN...), thì tiền tệ
luôn được xem là trung tâm của quá trình tăng trưởng. Vai trò trung tâm
này thể hiện rõ qua vị thế của hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng
vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, trong tổng thể các công cụ điều hành vĩ mô,
việc đổi mới tư duy điều hành tiền tệ - tài khóa phải đi trước một
bước, theo hướng tiền tệ phải thể hiện vai trò đòn bẩy, tuân thủ nguyên
tắc tài chính độc lập, không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá và đóng
vai trò hỗ trợ phát triển trong giới hạn cho phép của các quan hệ cân
đối vĩ mô, mà trước hết là quan hệ cung - cầu, tiền - hàng một cách hợp
lý. Tài khóa sẽ trở thành trung tâm của quá trình tái cấu trúc kinh tế,
nhưng với những cách thức khác. Chẳng hạn, thay vì mở rộng đầu tư công
để hỗ trợ phát triển như trước đây, tài khóa sẽ chuyển hướng sang mục
tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách và huy động
các nguồn lực khác theo phương thức công - tư; xã hội hóa, kể cả các
dịch vụ công ích. Tài khóa, sẽ là thước đo tổng hợp và quan trọng về
hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế, biểu hiện qua sự lành mạnh của thu -
chi ngân sách, nợ công, cân bằng cán cân thương mại xuất - nhập khẩu,
trong đó nhiệm vụ quan trọng là cải thiện hệ số đầu tư công nhằm nâng
cao hiệu quả đầu tư toàn xã hội...
Như vậy, để việc tái cấu trúc nền kinh tế đạt hiệu quả, hơn bao giờ hết
các ngành, các nhà hoạch định chính sách cần có cái nhìn tổng thể và có
giải pháp đồng bộ để thực hiện.