Đầu tư nước ngoài đang được "nắn dòng"
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) đăng ký vào nước ta 9 tháng
đạt 9,9 tỷ USD, bằng 72,1% cùng kỳ năm 2010, gồm vốn đăng ký 8,237 tỷ
USD của 675 dự án được cấp phép mới và vốn đăng ký bổ sung là 1,665 tỷ
USD của 178 lượt dự án đã cấp phép. Kết quả này tuy khiêm tốn, nhưng là
mức chấp nhận được trong bối cảnh làn sóng đầu tư quốc tế đã, đang giảm
mạnh, lượng vốn trở nên khan hiếm hơn bởi các nhà đầu tư cũng phải thực
hiện các biện pháp tái cơ cấu hoạt động, địa bàn đầu tư.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An. Ảnh: C. L
Một tín hiệu đáng mừng là lượng vốn
ngoại đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký lớn
nhất, với gần 5 tỷ USD, tức khoảng 50% tổng lượng vốn mới thu hút. Điều
này cho thấy, vốn ĐTNN đang tiếp tục được "nắn dòng" để "chảy" đúng
hướng, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp trong quá trình hình thành, phát
triển những ngành công nghiệp quan trọng, từ đó cho phép đẩy nhanh tốc
độ nội địa hóa với nhiều loại sản phẩm quan trọng, nâng cao sức cạnh
tranh cũng như tăng cường hội nhập. Tính chung, số vốn ĐTNN giải ngân
trong 9 tháng qua đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước và
được đánh giá là khá ngoạn mục trong tình hình eo hẹp về nguồn vốn trên
diện rộng.
Xuất khẩu: Duy trì đà tăng trưởng
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 9 đạt 8,3 tỷ USD, tăng 33,6%
so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, KNXK đạt 70 tỷ USD, tăng
35,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt
32 tỷ USD, tăng 33,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô)
đạt 38 tỷ USD, tăng 37,5%. Kết quả XK tăng cao so với cùng kỳ năm trước
là do đơn giá của nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng, như giá
hạt tiêu tăng 68,8%; giá cao su: 56%; giá cà phê: 53,1%; giá dầu thô:
46,5%; giá xăng dầu: 40,9%... Mặt khác, lượng XK của một số mặt hàng
tăng cũng là yếu tố làm tăng KNXK. Hàng XK của ta hiện đứng vững trên
một số thị trường trọng điểm, như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và
ASEAN...
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ rà soát số lượng, chân hàng XK, cung
cấp thông tin và tư vấn cho DN nắm bắt cơ hội để kịp thời xuất hàng nhằm
bảo đảm giá bán cao nhất cho hàng Việt. Mặt khác, Bộ cũng chỉ đạo các
hiệp hội, DN bổ sung lượng hàng đối với những hợp đồng đơn lẻ, mới xuất
hiện, trên cơ sở cân đối nhu cầu tồn trữ, sử dụng trong nước. Các cơ
quan chức năng được giao nhiệm vụ tăng cường dự báo, tập trung vào số
lượng và nhu cầu để dự đoán diễn biến về giá trên thị trường quốc tế
nhằm hỗ trợ tối đa cho DN.
Về ĐTNN, mỗi địa phương, bộ, ngành cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công
tác quản lý ĐTNN giai đoạn 2011-2020. Chính phủ khuyến khích khu vực
ĐTNN phát triển theo quy hoạch; ưu tiên các dự án công nghệ hiện đại,
thân thiện với môi trường; sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên,
khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các DN
trong nước; tập trung thu hút vốn ĐTNN vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ
trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng
tri thức cao... Bên cạnh đó, hạn chế những dự án đầu tư vào khu vực phi
sản xuất; không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng
lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm
môi trường...