Nghệ An: 54.000 dân vùng nguy hiểm sơ tán tránh bão số 6
Tại huyện Quỳnh Lưu, ông Hồ Phúc Hợp - Chủ tịch UBND
huyện - chiều tối ngày 3/10 cho biết, để chủ động đối phó với cơn bão số
6 có thể đổ bộ vào Nghệ An mà đặc biệt là vùng ven biển của huyện Quỳnh
Lưu, UBND huyện đã lên phương án cấm tàu thuyền ra khỏi bến; nếu bão
giật cấp 10 trở lên, mực nước biển dâng cao khoảng 3m thì khoảng 650 hộ
dân 2 xã Quỳnh Lập và Quỳnh Phương phải di dời khẩn cấp. “Vùng biển tại
hai xã này vẫn chưa có bờ đê bao chắn, rất nguy hiểm khi bão lớn”, ông
Hồ Phúc Hợp lý giải.
Trước diễn biến cơn bão Nalge đang phức tạp, chiều ngày
3/10, UBND tỉnh Nghệ An ra công điện số 28/CN-UBND-NN yêu cầu các địa
phương kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ở cửa sông,
ven biển, ven sông, suối và những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống,
lũ quét, hạ lưu các hồ chứa nước, có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra
khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo thu hoạch nhanh các trà
lúa đã chín và các sản phẩm hoa màu khác; huy động lực lượng giúp các
gia đình chính sách, gia đình khó khăn neo đơn thu hoạch kịp thời.
Tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện
pháp thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động
trên biển biết thông tin về diễn biến của bão để chủ động vào nơi trú ẩn
an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ
thống thủy nông, chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng
địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt; kiểm
tra, bảo vệ an toàn các hồ đập. Chủ động xả nước các hồ đập thuỷ điện
đảm bảo an toàn cho hồ đập và vùng hạ du.
Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu có biện
pháp đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công, nhất là các công
trình hồ chứa, công trình liên quan đến an toàn đê điều và phòng chống
lụt bão; Chủ động chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, giống,
trang thiết bị phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm
“4 tại chỗ” để phòng bị chia cắt dài ngày; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ
chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Duy trì lực lượng, phương
tiện để sẵn sàng ứng cứu, giúp dân sơ tán người và tài sản, cứu hộ, cứu
nạn khi có yêu cầu.
Để phòng tránh những thiệt hại do bão gây ra, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng ra nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi;
Cơ quan chức năng đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi trong những ngày này (Ảnh: D.T)
Trên cơ sở những phương án đã được triển khai trước cơn bão số 5,
UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương và nhân
dân tổ chức phòng chống và đối phó với cơn bão số 6. Nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu của các địa phương là huy động lực lượng, phương tiện khẩn
trương thu hoạch những diện tích lúa mùa đã chín. Chủ động tiêu nước đệm
cho vùng trũng thấp, đặc biệt là diện tích lúa và hoa màu; kiểm tra, rà
soát các khu vực dân cư đang sống ở những vùng thấp, trũng ven biển,
ven sông suối; vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để di dời
đến nơi an toàn theo phương án đã lập.
Kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công
trình đang thi công, những hồ chứa đã đầy nước cần chủ động để hạ thấp
mực nước đề phòng mưa lớn, thực hiện nghiêm các quy trình vận hành, đặc
biệt một số công trình đang thi công dở dang phải thực hiện các biện
pháp đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Đồng thời duy trì các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn
sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo
dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão và báo cáo kết quả triển khai thực
hiện về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.
Nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín (Ảnh: D.T)
Trong những ngày qua, toàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thu hoạch
được hơn 30.000 ha lúa mùa. Hiện các địa phương vẫn đang khẩn trương thu
hoạch tiếp những diện tích lúa đã chín để hạn chế đến mức thấp nhất
những thiệt hại do mưa bão có thể gây ra và chuẩn bị cho vụ đông sắp tới
được kịp thời.
Trong một diễn biến khác, tại trung tâm thành phố Vinh -
Nghệ An có khu chung cư Quang Trung C8 và C9 với 109 hộ dân được xây
dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Toàn khu có 21 dãy nhà, hiện
còn 19 dãy nhà đang cho các hộ thuê với 1.262 căn, trong đó, dãy nhà C8
có 48 hộ, nhà C9 có 61 hộ.
Hiện 2 dãy nhà C8 và C9 đã xuống cấp, không còn khả
năng chịu được mưa bão, mất an toàn đối với người dân sinh sống. Khi cơn
bão số 3 sắp đổ bộ, người dân ở 2 dãy nhà C8 và C9 đã di tản đến nơi an
toàn; nhưng kể từ khi cơn bão số 3 qua đi, dân lại quay trở về nhà. Hai
dãy nhà này đã quá rệu rạo, rất nguy hiểm nếu bão số 6 đổ bộ vào Nghệ
An.
Xin gửi tới độc giả những hình ảnh rệu rã của khu chung cư C8 và C9 Quang Trung (TP Vinh) trước bão số 6:
Giấy cam kết giữa các hộ dân sẽ đi khỏi nhà C8 và C9 trước khi nguy hiểm xảy ra.
Chung cư C9 - Quang Trung "mục nát"
Cột trụ ở tầng trệt đã bị hoen gỉ, sắt lòi...
(Theo Dantri.com.vn)